Mã vùng trồng - 'Hộ chiếu' để nông nghiệp Việt Nam vươn xa

Sau trái sầu riêng, khoai lang cũng được cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Sự kiện này, không những giúp đầu ra cho sản phẩm khoai lang – vốn là mặt hàng nông sản mang tính thời vụ, trở nên ổn định hơn, mà còn định hình các vùng trồng trọng yếu, đưa nông dân tiếp cận với sản xuất tập trung quy mô lớn, có lợi nhuận tốt hơn.

Hiện cả nước có 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại Đắk Nông đã hoàn tất quá trình kiểm tra trực tuyến, để cấp mã số cho các cơ sở đóng gói trên địa bàn. Tất cả đều đã đáp ứng đầy đủ điều kiện, yêu cầu khắt khe từ phía nước bạn. Do vậy, đòi hỏi người nông dân phải làm chủ được việc sản xuất an toàn, chất lượng.

Hiện nay, Liên minh Châu Âu hay nhiều quốc gia khác như Mỹ, Úc, Nhật Bản... đều yêu cầu nông sản tươi nhập khẩu buộc phải có mã số vùng trồng. Để “những tấm hộ chiếu xuất ngoại” của nông sản này trở nên bền vững đòi hỏi phải có sự đoàn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tránh tư duy chen chúc, giành giật nhau… Và hơn hết là tuân thủ nghiêm túc các quy định của các quốc gia nhập khẩu, không chỉ khi được kiểm tra mà là xuyên suốt cả quá trình sản xuất.

Xây dựng mã số vùng trồng là một trong những giải pháp quan trọng để hướng tới nền “nông nghiệp số” hoàn chỉnh, trước mắt là đưa hàng hóa nông sản đến thị trường Trung Quốc và sau đó là vươn xa ra thị trường thế giới. Do vậy, nếu chúng ta còn buông lỏng quản lý mã số vùng trồng hay các tiêu chuẩn về chất lượng, rất có thể phải đối mặt với nguy cơ bị thu hồi mã vùng trồng, và như thế cũng đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế để xuất khẩu nông sản vào những thị trường giá trị cao.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phúc Hân

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ma-vung-trong-ho-chieu-de-nong-nghiep-viet-nam-vuon-xa-187480.htm