Má gia và 'cung đường no ấm'

Những chiếc cành khẳng khiu của cây đào già cạnh ngôi nhà gỗ cựa mình tách vỏ, hé mắt lá xanh mơn mởn, bật ra vô vàn 'đốm lửa hồng' kỳ diệu như báo hiệu mùa xuân đã về với bản Mông. Bên trong căn nhà đã nhuốm màu thời gian, cụ ông Má A Tráng ngồi trầm ngâm ngắm cụ bà chậm rãi tước từng sợi lanh. Trong ký ức của 2 cụ nay đã 'da mồi, tóc bạc', chuyện kể về cha ông những ngày đầu đến Má Tra lập bản gợi nhớ về những ngày đầy gian khó nhưng hùng tráng và tự hào.

Người Mông bao đời nay vẫn có tập tục sống ở những nơi quanh năm lồng lộng mây trời, gió sương. Từ xa xưa, họ có thói quen di cư, nên được ví như những “cánh chim thiên di”. Nhưng dù đi tới đâu, đồng bào Mông cũng chọn những nơi cao để hướng đến. Là người họ Má cao tuổi nhất ở phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa), dù nay chân tay đã yếu, mắt đã mờ nhưng chuyện về dòng họ đến Má Tra dựng nhà, lập bản vẫn được cụ Má A Tráng thường xuyên kể lại để con cháu khắc ghi gốc rễ, cội nguồn.

Cụ ông Má A Tráng và vợ hiện là người cao tuổi nhất của dòng họ Má ở Má Tra.

Chuyện kể rằng, trong cuộc đại thiên di vào cuối thế kỷ XIX, một nhóm người Mông họ Giàng thuộc bộ tộc người Hmông Lềnh đến Lào Cai tiến về hướng dãy núi lớn có tên gọi Hoàng Liên Sơn. Khi còn cách trung tâm thị xã Sa Pa ngày nay chừng một giờ đi bộ, họ gặp một vùng đất rộng, tương đối bằng phẳng, đất đai màu mỡ, lại tiện nguồn nước dồi dào, liền quyết định dừng chân lập bản, lấy tên là Sa Pả.

Mảnh đất yên bình.

Trong chuyến đi có người họ Mã là con rể họ Giàng. Sau khi họ Giàng dừng chân, người họ Mã đưa vợ con đi theo thung lũng Sa Pả về hướng Tây Bắc rồi quyết định dừng lại phát nương, làm ruộng, dựng nhà. Nhà của người họ Mã nằm bên lối mòn đi xã Tả Phìn, trên cung đường qua lại của người dân, nhiều người thấy vậy liền gọi là Mã gia (tức là nhà của họ Mã). Tuy nhiên vì cách gọi của đồng bào dân tộc thiểu số, phát âm chưa chính xác nên biến dần thành Má Cha, hay Má Tra. Và họ Mã ở Má Tra cũng được gọi thành họ Má từ ngày đó. Khi Sa Pa phát triển thành thị xã, thôn Má Tra được gọi là tổ 2, thuộc phường Hàm Rồng. Tuy nhiên, hầu hết người dân bản địa và du khách đều quen với cách gọi tên cũ.

Cụ bà cao tuổi nhất của Má Tra.

Người họ Mã kia là Mã A Cầu, sau này ông thành danh và được tôn kính gọi là Mã Sinh Cầu, hay còn có tên gọi khác là ông Sinh Cầu. Ông có 5 người con trai, trong đó 4 người có con đàn cháu đống, người con còn lại trẻ khỏe và tháo vát, nhưng lại không có con nối dõi. Sau khi ông già, không có con cái và mất tại nhà. Tính đến hiện tại, họ Má ở Má Tra đã được 9 đời, con cháu sinh sôi, có khoảng 250 hộ với trên 1.400 nhân khẩu.

Đúng như câu dân ca Mông: “Loài cá sống ở nước/Loài chim bay trên trời/Người Mông sống ở núi”, như tập tính của đồng bào Mông, người họ Má thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao so với mặt nước biển, trong điều kiện khó khăn. Trước đây họ sống bằng hạt ngô, hạt lúa gieo trên nương và con thú săn trong rừng. Nhưng giờ đây, người họ Má đã biết tự tay mình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng thêm atiso, cây địa lan để phát triển kinh tế. Đến bản Má Tra ngày này là hình ảnh những vườn atiso đang thời kỳ thu lá, những chậu địa lan bung hoa rực rỡ khi xuân về.

Người họ Má đã biết trồng thêm atiso để phát triển kinh tế.

Má A Câu, con cháu đời thứ 7 của dòng họ Má chỉ tay vào vườn atiso đang đến mùa thu hoạch lá hào hứng: “Trước đây cả nhà chỉ trông chờ vào một vụ lúa trong năm. Còn giờ đây chúng tôi trồng thêm atiso. Cây atiso không mất nhiều thời gian, công sức chăm bón, 1 ha trồng atiso mang hiệu quả gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa”. Nói rồi anh hối hả cùng vợ con hái lá cho kịp chuyến xe chở về nhà máy.

Đúng như lời Má A Câu chia sẻ, Má Tra có khoảng 20 ha atiso. Loại cây này không chỉ cho người dân thu hoạch lá, mà thân, củ và hoa cũng đem lại nguồn thu. Người họ Má và bà con phường Hàm Rồng trước kia coi atiso là cây xóa nghèo, giờ đây trở thành cây làm giàu. Cây atiso có thị trường bao tiêu ổn định từ Công ty cổ phần Traphaco. Để nâng cao năng suất và chất lượng atiso đầu vào, công ty liên kết với nhiều viện nghiên cứu để có giống atiso bản địa Sa Pa đưa vào trồng. Cùng với đó, công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con để nâng cao năng suất, chất lượng của cây dược liệu.

Nhuộm chàm để may trang phục và đem bán, tăng thêm thu nhập.

Phó Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng, ông Má A Sẳng tự hào: Nếu như trước đây, sau khi kết thúc thu hoạch lúa mùa vùng cao vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 hằng năm, người dân chủ yếu bỏ trống đất ruộng, nhưng khi liên kết với doanh nghiệp trồng atiso theo tiêu chuẩn an toàn của tổ chức y tế, nông dân đã thay đổi thói quen canh tác, tạo việc làm quanh năm và tăng thu nhập.

Người họ Má không chỉ biết làm nương, chăn nuôi và vui với thiên nhiên quanh mình, lúc thảnh thơi ngơi tay cày, tay cuốc, những người đàn ông còn biết nắn nót phím khèn. Vang trong không gian mênh mang của núi rừng, khèn kể về những cơ cực của kiếp người sống đời du canh, du cư, mải miết đuổi chim, tìm thú; khèn cảm động vì những chính sách định canh, định cư của Nhà nước dành cho đồng bào; khèn réo rắt tươi vui gieo hy vọng về cuộc đời ấm no bền vững cho muôn đời con cháu…

Ông Má A Vàng gìn giữ điệu khèn của người Mông.

Điệu khèn đầy sự tự tình dân tộc ấy của người Mông đã dẫn dắt chúng tôi vượt dốc đến căn nhà gỗ của ông Má A Vàng, con trai của cụ Má A Tráng. Ông Vàng tâm sự: Tôi và các con trai thường tự làm khèn để thổi trong lúc rảnh rỗi hoặc để dùng trong các dịp cần thiết của bản làng. Mùa xuân là mùa rộn ràng nhất nơi bản Mông. Khi lúa, ngô trên nương đã theo người về nhà, người Mông sẽ quây quần và đem khèn ra thổi. Tiếng khèn cất lên, những âm điệu bổng, trầm, da diết như xua đi giá lạnh, mang đến mùa xuân vui tươi. Trai gái bản Mông yêu nhau cũng từ tiếng khèn, tiếng sáo.

Má Tra - Can Ngài (Tả Phìn) là cung đường tuyệt đẹp để du khách trải nghiệm.

Người ở Má Tra hiền lành, thuần phác, sống giản dị mà phóng khoáng bên thiên nhiên trong lành, thơ mộng. Bản Má Tra có cảnh quan khá đẹp, lại nằm ngay bên con đường trekking Má Tra - Can Ngài (Tả Phìn). Cung đường di chuyển giữa 2 bản tuy chỉ khoảng 7 km nhưng sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và hữu tình. Đi dọc cung đường Má Tra đến Can Ngài, du khách sẽ có cơ hội được ngắm nhìn vẻ đẹp tuyệt vời từ những thửa ruộng bậc thang độc đáo của đồng bào dân tộc Mông và Dao đỏ. Và hơn cả, sức hấp dẫn của cung đường còn đến từ những bí ẩn chưa được khám phá hết về đời sống văn hóa của người Mông, người Dao.

Má Tra - Can Ngài (Tả Phìn) là cung đường được nhiều du khách lựa chọn để trekking.

Chúng tôi rời bản Má Tra, quay đầu nhìn lại những ngôi nhà của người Mông tựa vào nhau như một sự sắp đặt khéo léo, mây trắng bồng bềnh trôi, thấp thoáng mấy cô gái Mông xúng xính váy hoa vừa từ chợ thị xã sắm đồ tết trở về; tiếng khèn lúc trầm, lúc bổng hòa với tiếng nói cười của tấp nập du khách trên cung đường trekking.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364194-ma-gia-va-cung-duong-no-am