Lý do vua Quang Trung đổi tên Thăng Long thành Bắc Thành

Nhà vua rất coi trọng Thăng Long, kinh đô muôn đời của Đại Việt với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.

Tạo hình Nguyễn Huệ do diễn viên Lý Hùng thủ vai trong phim Tây Sơn hào kiệt. Ảnh: NLĐ.

Chiến dịch giải phóng Thăng Long của vua Quang Trung đã thành công mỹ mãn. Nhưng cái giá phải trả cũng thật lớn. Không chỉ quân Thanh mà rất nhiều người mình bị chết, cả quân lính và thường dân. Rất nhiều làng xóm bị tàn phá, nhà cửa bị thiêu rụi. Nhiều nhà không còn đàn ông vì phải đi lính hết. Ruộng vườn không trồng cấy được mà bao nhiêu, lương thực đều phải xung công, tình cảnh của người dân rất bi đát.

Đấy là chưa kể nhiều năm qua, Thăng Long phải hứng chịu hết tai họa đến biến động khác. Năm 1782, nạn Kiêu binh nổi lên khiến người ta mất ăn mất ngủ. Rồi các cuộc tranh giành ngôi vị, phe phái đánh nhau khiến không ai được yên. Tiếp đến là những sự lũng đoạn của Nguyễn Hữu Chỉnh lại đến Vũ Văn Nhậm.

Ngọn lửa do Lê Chiêu Thống thiêu đốt kinh thành lụi tắt chưa được bao lâu lại đến nạn ngoại xâm; đánh đuổi được chúng đi thì khắp Thăng Long cũng biến thành chiến địa, hậu quả là những đồn lũy bị san phẳng, xác chết ngổn ngang, dân tình nhớn nhác, bất yên…

Nhưng chính lúc này mới thấy hết được tầm vóc chỉ huy của vua Quang Trung; người không chỉ là một thiên tài quân sự mà còn là nhà cai trị tài giỏi. Trước hết, ông cho thu lượm xác quân Thanh chôn thành mười hai cái gò như ở phần trên đã nói. Rồi ông cho triển khai hàng loạt biện pháp và chính sách để khôi phục kinh thành và phục hồi đời sống người dân, nhằm ổn định và phát triển đất nước.

Nhà vua ban Chiếu Khuyến nông, khuyến khích nhân dân trở về quê cũ khai khẩn ruộng hoang, phục hồi sản xuất, ban Chiếu Lập học, khuyến khích địa phương mở trường mở lớp. Là người coi trọng tiếng nói của dân tộc, nhà vua chủ trương sử dụng chữ Nôm.

Văn miếu - Quốc tử giám, công trình được Quang Trung chú ý tu sửa. Ảnh: TTXVN.

Bấy giờ, kinh đô của triều đình Quang Trung vẫn là Phú Xuân. Điều này cũng dễ hiểu, vì chỉ ở đó ông mới dễ ứng phó với cả hai đầu nam, bắc. Song nhà vua rất coi trọng Thăng Long, kinh đô muôn đời của Đại Việt với những giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.

Đổi tên Thăng Long thành Bắc Thành, Quang Trung chủ trương biến Bắc Thành trở lại là một trung tâm ở phía Bắc đất nước. Theo đề xuất của La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp, ông cho tu bổ lại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng của nền Nho học nước nhà đã bị tà phá sau những cơn binh lửa. Hoàng thành Thăng Long cũng bi đổ nát gần hết, chỉ còn lại các cửa Đại Hưng và Đông Hoa. Nhà vua cho tu sửa, đắp lại những đoạn bị sạt lở.

Cũng dưới thời Quang Trung, chùa Kim Liên ở Nghi Tàm đã được xây dựng lại về cơ bản, có diện mạo giống như hiện nay, trong đó có Tam quan tuyệt đẹp. Nếu kể cả chùa Tây Phương ở Thạch Thất, được đại tu hoàn toàn năm 1794 với kiến trúc như ta thấy ngày ngay, thì triều đại Tây Sơn do Quang Trung dựng lên đã để lại cho Thăng Long - Hà Nội hai tuyệt tác về kiến trúc chùa chiền.

Nguyễn Quốc Tín - Nguyễn Huy Thắng/ NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-vua-quang-trung-doi-ten-thang-long-thanh-bac-thanh-post1453411.html