Lý do tại sao kiến miễn nhiễm với tắc nghẽn giao thông

Khi kiến di chuyển, không bao giờ bị tắc nghẽn giao thông, dù mật độ có đông đến mấy. Nghiên cứu mới đây đã tìm ra bí ẩn giúp loài kiến làm được việc mà con người không thể làm được, dù đó chỉ cần một chút lòng vị tha, không ích kỷ.

Kiến chạy trên cầu. Ảnh: CNRS

NDĐT – Khi kiến di chuyển, không bao giờ bị tắc nghẽn giao thông, dù mật độ có đông đến mấy. Nghiên cứu mới đây đã tìm ra bí ẩn giúp loài kiến làm được việc mà con người không thể làm được, dù đó chỉ cần một chút lòng vị tha, không ích kỷ.

Khi những con kiến di chuyển dọc con đường nhỏ được chỉ dấu bằng pheromone (là những chất được sử dụng như những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài), chúng bằng cách nào đó đã giữ được một luồng giao thông thông suốt, thậm chí kể cả vào lúc cao điểm.

Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Toulouse, CNRS, UPS (Pháp); Đại học bang Arizona (Hoa Kỳ); Đại học Adelaide (Úc) đã nghiên cứu để tìm ra bí ẩn của loài kiến. Kết quả của nghiên cứu vừa được xuất bản trên tạp chí eLife.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện loài kiến Argentine (Linepithema humile) có thể thích ứng với các điều kiện đường sá khác nhau và ngăn chặn sự tắc nghẽn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tất cả chỉ là một chút tính không ích kỷ và lòng vị tha – điều mà con người cần phải học hỏi.

Kiến miễn nhiễm với tắc nghẽn giao thông. Nguồn: eLife

Cùng các loài vật, kiến là một số trong những sinh vật trên trái đất có thể di chuyển dọc con đường cả hai chiều. Vậy điều gì khiến những loài này làm được mà con người thì không thể?

Bí ẩn về loài kiến đã thu hút con người hàng thế kỷ qua. Chắc chắn, kiến không có quy tắc đường bộ như chúng ta, và chúng cũng không thực sự sợ xung đột, nhưng kể cả khi có, chúng có khả năng để ngăn ngừa dồn cụm lại bằng cách di chuyển đơn lẻ, trôi đi như một chất lỏng.

Thậm chí nhà triết học người Hy Lạp Aristotle đã rất ngạc nhiên khi thấy làm thế nào để mỗi cá thể kiến “trở lại tổ của chúng bằng cách theo một đường gần thẳng và trên con đường đó chúng không cản trở con nào khác”.

Những nghiên cứu trước đây cho thấy những con đường kiến có thể lưu chuyển hàng trăm cá thể trong một phút, nhưng trong nghiên cứu này lần đầu tiên tìm thấy bằng chứng trực tiếp là ngay ở mật độ cao, sự ùn tắc giao thông cũng được loại bỏ.

Khi quay phim 170 thí nghiệm lặp lại, các nhà nghiên cứu đã quan sát sự di chuyển của loài kiến đặc biệt này dọc theo một cái cầu giữa tổ của chúng và nguồn thức ăn. Các cuộc thí nghiệm đã thay các cây cầu có độ rộng khác nhau (5mm, 10mm và 20mm), giữ ở đó từ 400 đến 25.600 con kiến. Trong suốt thí nghiệm, dữ liệu về luồng lưu thông, tốc độ của kiến và số vụ va chạm đã xảy ra được thu thập lại. Và cái mà các tác giả tìm ra đã gây ngạc nhiên: các con kiến đã tỏ ra miễn nhiễm với tắc nghẽn giao thông.

“Bản chất chính xác của cơ chế được kiến Argentine sử dụng để giữ cho luồng di chuyển trong nghiên cứu này vẫn còn khó nắm bắt”, các tác giả cho biết, “còn khi mật độ trên đường mòn gia tăng, các con kiến dường như có thể đánh giá đám đông cục bộ và điều chỉnh tốc độ của chúng để tránh bất kỳ một sự gián đoạn nào của luồng di chuyển”.

Trên thực tế, so với con người, những con kiến này có thể lên cây cầu với gấp đôi số lượng mà không làm giảm tốc độ. Khi con người đi bộ hay lái xe, dòng di chuyển của giao thông thường xuyên trở lên chậm khi tỷ lệ chiếm giữ mặt đường tăng lên 40%. Mặt khác, với kiến Argentine thì không có dấu hiệu của việc chậm đi, kể cả khi tỷ lệ này lên đến 80%.

Con người có thể học hỏi được nhiều điều từ loài kiến.

Và chúng làm việc này thông qua việc tự áp đặt quy tắc tốc độ. Khi ở mức độ bận rộn vừa phải, các nhà nghiên cứu thấy một số con kiến thực sự tăng tốc, tăng tốc cho đến khi đạt dòng chảy tối đa. Trong khi đó, khi đường đi quá đông, các con kiến tự hạn chế mình lại và tránh tham gia cho đến khi mật độ giãn dần ra. Thêm nữa, ở những thời điểm mật độ cao như vậy, các con kiến được tìm thấy đã thay đổi hành vi của chúng và giảm tốc độ tránh xung đột để tránh mất thời gian.

“Ùn tắc giao thông có mặt khắp nơi trong xã hội loài người khi mà mỗi cá nhân đang theo đuổi những mục đích riêng của mình”, các tác giả giải thích. “Trái ngược lại, kiến lại có mục tiêu chung: sự tồn tại của bầy đàn, vì vậy chúng phải có bổn phận hành động hợp tác để tối ưu hóa nguồn lợi thực phẩm”.

Một nghiên cứu khác về những con kiến đã chỉ ra, tại một số thời điểm, chúng thậm chí sử dụng cả “sĩ quan” điều khiển giao thông. Lấy ví dụ, năm 2008, các nhà khoa học đã tìm thấy khi đường đi của kiến bắt đầu tắc nghẽn, một số cá thể quay trở lại tổ để ngăn không cho các con kiến khác đi ra, bắt chúng tìm một tuyến đường mới.

Rõ ràng, con người có nhiều khó khăn để linh hoạt và chúng ta không thường xuyên cư xử một cách logic. Trong khi các con kiến dàn đều ra trên làn đường, ngay cả trong các tình huống khẩn cấp, còn con người lại thường chà đạp nhau vì những nhu cầu khẩn cấp của bản thân.

Tuy nhiên, các tác giả khuyên rằng, ngay cả khi chưa thay đổi được hành vi của riêng chúng ta, vẫn có điều có thể học được từ kiến. Với các xe tự lái sắp có, có lẽ chúng ta có thể tìm ra cách để mô phỏng các kế hoạch và tối ưu hóa luồng giao thông. Nếu chúng ta có thể làm những đường đi của chúng ta theo cách di chuyển của những vệt kiến, hãy tưởng tượng thế giới sẽ hiệu quả hơn bao nhiêu.

HOÀNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42042302-ly-do-tai-sao-kien-mien-nhiem-voi-tac-nghen-giao-thong.html