Lý do khiến Trà Vinh chưa triển khai thực hiện Đề án 818

Các chính sách hiện hành về DS-KHHGĐ của Trà Vinh đề cập đến vấn đề thu phí dịch vụ KHHGĐ và mua phương tiện tránh thai chưa được xem xét nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng kế hoạch Đề án 818.

Ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 818/QĐ-BYT phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020" (Đề án 818).

Sau quá trình triển khai, Đề án 818 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, góp phần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng đến với người dân.

Trên cơ sở những kết quả bước đầu đã đạt được, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý Đề án 818 (Tổng cục Dân số), vẫn còn 14 tỉnh/thành phố (chiếm 22,22%) chưa phê duyệt Đề án (3 tỉnh chưa xây dựng Đề án và 11 tỉnh đang trình UBND tỉnh/Sở Y tế).

Người dân còn quen sử dụng sản phẩm miễn phí gây khó khăn trong việc triển khai Đề án 818. Ảnh minh họa

Là 1 trong số những tỉnh chưa phê duyệt Đề án để triển khai trên địa bàn tỉnh, tại Trà Vinh, sau khi Bộ Y tế ban hành Đề án 818, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã tham mưu với Sở Y tế xây dựng Kế hoạch "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2018-2020" gửi các Sở, ngành liên quan góp ý Đề án. Tuy nhiên, đến nay Kế hoạch chưa được phê duyệt nên Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh chưa triển khai được Đề án 818 trên địa bàn.

Theo đó, hiện nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trà Vinh vẫn chỉ duy trì triển khai toàn tỉnh về tiếp thị xã hội phương tiện tránh thai, đã nhận viên uống tránh thai Nighthappy, bao cao su Nighthappy do Trung ương phân phối.

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo báo cáo của Chi cục DS-KHHGĐ, tỉnh Trà Vinh hiện nay có đông đồng bào dân tộc Khmer (31% dân số toàn tỉnh), đa số là trình độ dân trí thấp, nhận thức chưa đầy đủ về thu phí dịch vụ KHHGĐ và mua phương tiện tránh thai. Các chính sách hiện hành về DS-KHHGĐ của địa phương đề cập đến vấn đề thu phí dịch vụ KHHGĐ và mua phương tiện tránh thai chưa được xem xét nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng kế hoạch Đề án 818.

Cùng với đó, người dân trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay quen dùng sản phẩm miễn phí. Mặt khác, đa số đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ không chịu sử dụng thuốc uống tránh thai và bao cao su của cán bộ làm công tác dân số giới thiệu và một số đối tượng khác còn dè dặt đối với các sản phẩm tiếp thị xã hội.

Để đẩy mạnh công tác xã hội hóa trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành Dân số Trà Vinh sẽ tiếp tục tham mưu với Sở Y tế xây dựng Kế hoạch triển khai mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng 2026-2030 của tỉnh để triển khai thực hiện.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/ly-do-khien-tra-vinh-chua-trien-khai-thuc-hien-de-an-818-172211225110437171.htm