Lý do các đại gia bán lẻ thế giới đua nhau vào Việt Nam

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ những nhà bán lẻ nước ngoài. Một loạt nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp đang nỗ lực chiếm lĩnh thị phần còn khá thông thoáng này. Theo các chuyên gia, dân số trẻ và thu nhập tăng là 2 trong nhiều yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Làn sóng thâu tóm và chiếm lĩnh thị phần

Hồi cuối năm 2014, thương vụ Berli Jucker (BJC) thâu tóm Metro Cash & Carry Vietnam trị giá 655 triệu euro được xem là thương vụ mua bán sáp nhập lớn nhất tại thời điểm đó, đã mở màn cho làn sóng thâm nhập của các đại gia Thái Lan. Để rồi không lâu sau đó, Tập đoàn Central Group cũng của Thái Lan đã thâu tóm Nguyễn Kim - một trong những nhà bán lẻ điện tử hàng đầu Việt Nam, và tiếp theo là BigC.

Tháng 10.2015, Emart - nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc đã ra mắt khu trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Người đồng hương Lotte thì đã khá thành công với 11 siêu thị và kỳ vọng gia tăng lên 60 vào năm 2020.

Trong khi đó, thành công của Aeon tại Việt Nam là một dấu hiệu tích cực thu hút các nhà bán lẻ Nhật Bản vào cuộc. Aeon đã mở cửa 4 trung tâm thương mại tại Việt Nam và dự kiến sẽ là 20 trung tâm vào năm 2020. Cùng với Aeon, nhà bán lẻ Takashimaya cũng đến từ xứ sở hoa anh đào đã chiếm lĩnh trung tâm thương mại Saigon Centre (TP.HCM) khi khánh thành vào tháng 7 vừa qua.

Mặc dù BigC đã được bán cho đại gia Thái, nhưng sự hiện diện của Pháp trên thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất quan trọng khi thương hiệu Auchan Super dự định mở 17 chuỗi siêu thị tại TP.HCM vào cuối năm sau, tiếp đó sẽ là 20 cửa hàng tại phía bắc vào năm 2020.

Trong trào lưu mở trung tâm thương mại rầm rộ, các thương hiệu thời trang lớn đã nhanh chóng sở hữu những vị trí đẹp nhất cho cửa hàng của mình. Sau một số tên tuổi lớn như Gap, Mango, Topshop, hồi đầu tháng 9 này, Zara đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM, còn H&M cũng đang hoàn tất các thủ tục để xâm nhập thị trường Việt Nam vào đầu năm tới.

Sức hút từ dân số trẻ, thu nhập tăng

Vì sao thị trường bán lẻ Việt Nam lại có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài đến thế? Theo hãng nghiên cứu và tư vấn JLL, Việt Nam là một thị trường rộng lớn với hơn 90 triệu dân. Đáng nói là 70% dân số ở độ tuổi từ 15 – 64 tuổi, đối tượng chính của các nhà bán lẻ. Dân số đô thị tại Việt Nam dự kiến tăng 2,6%/năm trong giai đoạn 2015 – 2020, là mức tăng cao nhất so với các đô thị khác trong khu vực.

Người tiêu dùng mua sắm ngày càng nhiều tại các trung tâm bán lẻ

Một yếu tố quan trọng tiếp theo là yếu tố thu nhập. Theo Boston Consulting Group, tầng lớp trung và thượng lưu tại Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Người tiêu dùng thuộc tầng lớp này với thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng chính là những khách hàng mục tiêu của các nhà bán lẻ.

Bà Trang Bùi, Giám đốc bộ phận Cho thuê tại JLL Việt Nam cũng chia sẻ nhận định này: “Thu nhập khả dụng tăng, tốc độ đô thị hóa và mức sống ngày càng tăng đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất khu vực Đông Nam Á”.

Sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ cũng góp phần không nhỏ làm cho thị trường bán lẻ trở nên hấp dẫn hơn. Đại diện của JLL nhận định việc sở hữu thẻ tín dụng khiến người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều hơn khi có thẻ trong tay mà không còn dè dặt như trước đây.

Cuối cùng, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam cùng yếu tố cơ sở hạ tầng được cải thiện đang làm cho hình ảnh Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà bán lẻ.

Kim Vân

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/ly-do-cac-dai-gia-ban-le-the-gioi-dua-nhau-vao-viet-nam-43504.html