Lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Thanh Hóa

Hiện nay, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang trưng bày, lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia đại diện cho quá trình phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc như: Kiếm ngắn núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang và Vạc đồng Cẩm Thủy.

Một trong những điểm nhấn thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương đến với Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa chính là 3 Bảo vật quốc gia gồm: kiếm ngắn núi Nưa, trống đồng Cẩm Giang và vạc đồng Cẩm Thủy. Đây là những hiện vật vô cùng quý giá, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử đang được lưu giữ và phát huy giá trị, nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của đông đảo nhân dân và du khách.

Những bảo vật quốc gia tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Kiếm ngắn núi Nưa được sưu tầm dưới chân núi Nưa (huyện Triệu Sơn) vào năm 1961, đây là hiện vật độc bản, thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Theo các nhà nghiên cứu đánh giá, kiếm ngắn núi Nưa là kiếm ngắn đẹp nhất trong các kiếm ngắn có khối tượng người ở Việt Nam thời kỳ Văn hóa Đông Sơn.

Kiếm ngắn núi Nưa dài 46,5cm, rộng 5cm, cán dài 18cm, gồm 2 phần: phần lưỡi và phần cán. Lưỡi hình lá tre, mỏng, có hai rìa sắc, nhọn, chắn tay hình sừng trâu. Cán của kiếm là khối tượng tròn thể hiện người phụ nữ, được đúc liền với lưỡi kiếm, người phụ nữ đứng nhìn thẳng, hai tay khuỳnh chống nạnh đầy uy quyền, đầu vấn khăn giống hình búp hoa sen...

Kiếm ngắn núi Nưa được đúc bằng đồng, có chiều dài 46,5 cm, rộng 5 cm, với cán dài tới 18 cm, nặng 620 gram

Kiếm ngắn núi Nưa hàm chứa nhiều nội dung, ý nghĩa, cung cấp cho chúng ta những hiểu biết quan trọng về đời sống sinh hoạt vật chất và văn hóa tinh thần như trang bị vũ khí, trang phục, trang sức, cách để tóc... Những chi tiết đã góp phần xác lập nên tính đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam ngay từ thời kỳ Văn hóa Đông Sơn phát triển.

Trong số 3 Bảo vật quốc gia hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh, vạc đồng Cẩm Thủy được đánh giá là hết sức độc đáo, với kích thước lớn và trọng lượng có thể lên tới 1 tấn. Hiện vạc đồng Cẩm Thủy còn khá nguyên vẹn, được các nhà nghiên cứu đánh giá là lớn nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.

Theo hồ sơ hiện vật, vạc đồng Cẩm Thủy do Ban Chỉ huy Quân sự TP Thanh Hóa sưu tầm được ở khu vực ngã ba Đình Hương (TP Thanh Hóa) vào khoảng đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, sau đó bàn giao cho Bảo tàng tỉnh vào ngày 1/8/2002. Hiện vật có đường kính miệng 134,4cm, đường kính đáy 115cm, cao 79,8cm.

Vạc được đúc bằng đồng, có đường kính mặt 134,4 cm; đường kính đáy 115 cm; chiều cao 79,8 cm

Vạc đồng Cẩm Thủy có giá trị đặc biệt gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng ở thời kỳ Lê Trung Hưng, liên quan đến sự nghiệp quan khâm sai huyện Cẩm Thủy - Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu. Vạc đồng Cẩm Thủy là hiện vật gốc độc bản, là một tiêu bản hoàn hảo, độc đáo, mang tính địa phương rõ rệt.

Vạc đồng tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa bước đầu đã giúp cho Nhân dân, du khách tìm hiểu thêm về kỹ nghệ đúc đồng một thời và mỹ thuật trang trí trên đồ đồng của ông cha. Qua đó góp phần minh chứng nghề đúc đồng của dân tộc nói chung, xứ Thanh nói riêng đã có từ sơ kỳ thời đại kim khí, phát triển rực rỡ ở thời kỳ Văn hóa Đông Sơn, trải qua các triều đại phong kiến và phát triển cho đến tận ngày nay.

Bảo vật quốc gia trống đồng Cẩm Giang (hay còn gọi là trống vịt), là hiện vật gốc độc bản thuộc thời kỳ Văn hóa Đông Sơn. Vào tháng 9/1992, trống được ông Bùi Đức Tậu, thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang (Cẩm Thủy) phát hiện được trong khi làm vườn, ở độ sâu khoảng 1,5m. Đến ngày 6/1/1993 ông đã bàn giao cho Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Trống đồng Cẩm Giang được xác định có niên đại cách đây khoảng 2.000 năm và đến nay ở nước ta chưa có chiếc trống nào giống với chiếc trống này.

Trống đồng Cẩm Giang có đường kính mặt 73 cm, đường kính chân 73 cm, cao 41 cm, nặng 60 kg

Trống có kiểu dáng cân đối, đường kính miệng 73cm, đường kính chân 73cm, cao 41,9cm. Ngoài các yếu tố cơ bản mang đặc trưng của nền Văn hóa Đông Sơn, điều đặc biệt hơn cả là trên mặt trống có 4 khối tượng vịt, các khối tượng vịt đều quay ngược chiều kim đồng hồ, được đặt trên vị trí trang trọng của mặt trống.

Trong những năm qua, trống đồng Cẩm Giang còn có mặt tại các cuộc trưng bày lưu động phục vụ nhiệm vụ chính trị như: Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 1997, chào mừng Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ các quốc gia nói tiếng Pháp tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn vào năm 2004, tại Hà Nội; trưng bày Kỷ niệm 50 năm kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam vào năm 2010, tại Quảng Nam...

Đặc biệt, năm 2008, Bảo tàng Văn minh châu Á Singapore lựa chọn mẫu bản dập trống Cẩm Giang để trưng bày phục vụ lễ hội văn hóa tại Singapore, được du khách trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu, đánh giá cao.

Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã chính thức đưa ứng dụng tương tác thực tại ảo với Bảo vật quốc gia phục vụ khách tham quan và trải nghiệm. Với công nghệ ứng dụng tương tác thực tại ảo với các Bảo vật quốc gia, du khách có thể tương tác với hiện vật, tham quan không gian 3 chiều, mang đến cho du khách những trải nghiệm siêu thực. Cùng với các Bảo vật quốc gia, trong thời gian tới, giải pháp số hóa hiện vật sẽ được tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả nhằm đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luu-giu-nhieu-bao-vat-quoc-gia-tai-bao-tang-thanh-hoa-post269973.html