Lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Xê Đăng

Trà Nam là xã vùng cao của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn Tắc Pỏ (trung tâm huyện lỵ) gần 30km, với 97% đồng bào dân tộc Xê Đăng sinh sống. Từ tình yêu quê hương, nhiều người Xê Đăng đã nuôi dưỡng niềm đam mê, giữ mạch nguồn nhạc cụ truyền thống qua cây sáo Vống, lưu giữ cội nguồn, vẻ đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của người Xê Đăng.

Chúng tôi về thôn 5, thôn giáp ranh xã Măng Bút, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, giữa cái nắng hanh trải dài trên con đường đất bụi dẫn về Nóc Manh Cành. Gió thổi ràn rạt qua mặt, chúng tôi vô tình bắt gặp bà con dân tộc Xê Đăng giữa mùa dọn rẫy chuẩn bị gieo trồng. Khác biệt với sự ồn ào, thôn mang tên Nóc Manh Cành có một vẻ bình yên, êm ả đến lạ.

Ông Hồ Văn Chính luôn coi sáo Vống như người bạn tri kỷ của mình. Ảnh: Văn Sơn

Đón chúng tôi ngay con dốc đầu thôn là một người đàn ông dân tộc Xê Đăng có dáng người mảnh khảnh, nước da đen sạm. Mặc dù không biết tôi là ai, nhưng khi nghe anh Đinh Văn Banh, cán bộ Văn phòng UBND xã Trà Nam nói có cán bộ văn hóa tỉnh tìm gặp để tìm hiểu âm nhạc truyền thống, ông không đi rẫy nữa, trở về nhà đón khách.

Câu chuyện với ông Hồ Văn Chính (78 tuổi) trong căn nhà sàn thật ấm áp trên vùng cao, chúng tôi phải thông qua “phiên dịch viên” là anh Banh, bởi ông Chính nói tiếng Kinh (Việt) không rành lắm.

Qua anh Banh, chúng tôi được biết: Ngày trước, người Xê Đăng sống thành từng nóc (mỗi nóc từ 5-7 gia đình) dưới chân núi Ngọc Linh. Đa số đàn ông dân tộc Xê Đăng tự chế tác ra nhiều nhạc cụ, lấy âm nhạc làm thú vui, thể hiện lại các giai điệu từ thiên nhiên, từ lòng người trong lễ hội...

Khi lắng nghe các loại nhạc cụ theo từng giai điệu, ông Chính nhập tâm và tự mày mò làm theo. Cũng từ đó, ông Chính biết chơi nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc, nhất là với cây sáo Vống.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người Xê Đăng từ rất lâu đời đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong việc làm nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Nguyên liệu để làm sáo Vống ở rừng không thiếu. Tuy nhiên, muốn làm được sáo Vống thì người chế tác phải có khả năng thẩm âm tốt, đồng thời, phải thường xuyên học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước.

Nhìn bề ngoài, sáo Vống đơn giản, nhưng kỳ thực để chế tác ra nó không hề dễ dàng chứ chưa nói là khó khăn. Để sáo Vống phát ra âm chuẩn, cần chọn cây nứa vừa già, vừa thẳng. Đồng thời, độ dài phải đúng 3 nắm tay chồng lên nhau, 5 lỗ trên thân sáo Vống cũng phải theo tỷ lệ nhất định và một thanh tre nứa vót mỏng, dùng sáp ong tạo lưỡi gà để thổi phát ra âm thanh thì mới chọn được sáo Vống có âm hay.

Người Xê Đăng chỉ cần nghe âm thanh phát ra hơi dài, là biết nguyên liệu tạo ra nó chưa đạt, cần phải làm lại. Cứ làm mãi như thế, đến khi âm thanh kéo dài vang vang tắt dần, vừa tai người nghe là chuẩn.

Mặc dù hiện nay, sáo Vống của người Xê Đăng không còn được sử dụng thông dụng trong các ngày lễ hội truyền thống như trước kia của người Xê Đăng, nhưng nó cũng cuốn hút nhiều người trẻ mỗi khi có dịp được nghe những người già thổi lên như ông Hồ Văn Chính, cũng là cách để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cũng theo anh Banh, ông Hồ Văn Chính là người đàn ông dân tộc Xê Đăng duy nhất ở Nóc Manh Cành thổi sáo Vống làm say lòng người, bởi những giai điệu mang đậm hơi thở của núi rừng. Ngồi nghe ông Chính cầm sáo Vống thổi phát ra âm thanh réo rắt, vui nhộn, khiến người nghe vô cùng thích thú và tò mò. Đây là một loại nhạc cụ truyền thống độc đáo chỉ dành cho người đàn ông Xê Đăng thổi lên trong những giờ phút nghỉ ngơi trên rẫy. Nghe âm thanh từ tiếng sáo Vống, con thú, con chuột, con chim trong rừng sợ, không dám đến rẫy phá hoại mùa màng.

Tiếng sáo Vống khi nổi lên là lời réo gọi, mời mọc bạn bè, dân làng gần xa cùng đến chung vui trong ngày làng tổ chức lễ hội. Có khi được các chàng trai thổi lên để mời gọi bạn gái, người mình yêu thương đến nhảy múa, uống rượu cần trong lễ hội đâm trâu hoặc là ăn lúa mới, làm nhà mới, hát giao duyên rồi tìm hiểu nhau nên duyên chồng vợ.

Thôn mang tên Nóc Manh Cành, nơi ông Hồ Văn Chính sinh sống với một vẻ bình yên, êm ả. Ảnh: Văn Sơn

Anh Nguyễn Văn Lưỡng - người cùng Nóc Manh Cành rất mê âm nhạc truyền thống và được ông Hồ Văn Chính truyền các “ngón nghề” về thổi sáo Vống. “Nhờ có ông Chính luôn đau đáu, trăn trở với việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, giúp đỡ, truyền dạy mà tôi đã nắm được cách thực hành thổi sáo Vống của người Xê Đăng. Trong bối cảnh nhiều nhạc cụ truyền thống khác đang dần bị mai một do công tác bảo tồn còn nhiều bất cập, thiếu nghệ nhân biết sử dụng thì sáo Vống của người Xê Đăng vẫn tồn tại, gắn bó trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Đây là điều rất đáng trân trọng” - anh Lưỡng khẳng định.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Phương, Chủ tịch UBND xã Trà Nam cho biết: “Tuy chưa được Nhà nước tặng danh hiệu nghệ nhân (vì đang trong quá trình đề nghị), nhưng chính quyền địa phương và người dân luôn đánh giá cao những đóng góp của ông Hồ Văn Chính trong việc giữ gìn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống”.

Chia tay ông Hồ Văn Chính, tôi ra về trong ngất ngây men rượu cần thơm nồng hương núi mà ông thết đãi chúng tôi, trong tiếng sáo Vống ngân vang như níu kéo bước chân mỗi người khách phương xa như tôi.

Chúng tôi thầm mong, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời trong việc truyền dạy giá trị văn hóa, tặng danh hiệu cho các nghệ nhân cao tuổi để động viên những người có đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc như ông Chính.

Và mong rằng, ông Chính sẽ luôn giữ gìn sức khỏe, tiếp tục đam mê và tiếng sáo Vống của ông giúp lớp trẻ dân tộc Xê Đăng hiểu, tích cực học tập, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Xê Đăng trên huyện vùng cao Nam Trà My.

Nguyễn Văn Sơn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luu-giu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-doc-dao-cua-nguoi-xe-dang-post450351.html