'Luồng gió mới' nhà ở cho công nhân

Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với quy định Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam được làm chủ đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân hy vọng sẽ thổi luồng gió mới cho giấc mơ an cư của người lao động (NLĐ).

Nhu cầu cấp thiết

Từ Nghệ An ra Hà Nội làm công nhân, chị Nguyễn Thị Oanh - công nhân Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI - Việt Nam (Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) hiện sinh sống trong căn phòng trọ khoảng 10m2 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Căn phòng lợp fibro xi măng chật chội, ngột ngạt và nóng bức, bất tiện trong sinh hoạt và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, song với đồng lương hạn hẹp, chỉ 6 triệu đồng/tháng, chị Oanh không thể có lựa chọn nào tốt hơn.

“Chúng tôi mong các cấp, ngành quan tâm triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, hoặc có gói hỗ trợ NLĐ mua nhà giá rẻ, nhà ở xã hội thì mới có điều kiện để cải thiện chỗ ở, an cư, lạc nghiệp” - chị Oanh cho biết.

Ảnh minh họa.

Mong được hỗ trợ về nhà ở để an cư, lạc nghiệp cũng là nguyện vọng của anh Nguyễn Bá Khang - công nhân Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam, địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. Gia đình gồm 5 người (2 vợ chồng và 3 con nhỏ) của anh Khang sinh sống trong căn phòng trọ chật trội tại Khu tập thể địa chất, thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, đến nay đã được gần 20 năm.

“Các gia đình khác có điều kiện thì họ thuê nhà với mức từ 1,2 triệu tới 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng vợ chồng tôi thu nhập thấp, lại nuôi 3 con ăn học, điều kiện khó khăn nên chỉ thuê phòng với mức 800 nghìn đồng/tháng. Với giá thuê như vậy, chúng tôi chấp nhận sống cảnh chật chội này thôi” - anh Khang chia sẻ và bày tỏ mong muốn các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân sẽ sớm được triển khai, đặc biệt là ở khu vực huyện Mê Linh.

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho rằng, việc giao Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân là chính sách nhân văn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ.

Ngoài những trường hợp kể trên, trên địa bàn cả nước nói chung, thành phố Hà Nội nói riêng còn rất nhiều trường hợp công nhân lao động (CNLĐ) phải sống cảnh ở trọ và chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của các cấp, ngành qua các gói hỗ trợ, các dự án xây nhà ở xã hội mới có thể có cơ hội an cư, lạc nghiệp. Ông Vũ Minh Tiến, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, qua khảo sát, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao, đặc biệt là công nhân di cư tại các tỉnh, thành phố có công nghiệp phát triển như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An...

“Theo thống kê, có từ 80 - 90% công nhân đang phải thuê nhà tại các khu trọ do người dân quanh khu công nghiệp xây, số ít ở trong các ký túc xá của các doanh nghiệp, số mua được nhà ở xã hội rất ít” - ông Vũ Minh Tiến cho biết.

Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lý dự án thiết chế Công đoàn thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thừa nhận, phần lớn công nhân hiện nay đều thuê trọ trong những căn phòng 10m2, với mức thuê từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, với những phòng từ 15 - 20m2 thường có giá trên 1 triệu đồng. Điều kiện chỗ ở chật chội khiến chất lượng sống của NLĐ bị ảnh hưởng rất lớn.

Đối với Hà Nội - một trong những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và có đông công nhân ngoại tỉnh đến làm việc, ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp với xấp xỉ gần 170.000 công nhân đang làm việc, nhu cầu nhà ở của NLĐ hiện nay Thành phố chưa đáp ứng được. Trong số 10 khu công nghiệp thì chỉ có 4 khu công nghiệp có khu nhà ở công nhân, nhưng cũng đã triển khai xây dựng từ gần 20 năm trước, tỷ lệ số nhà ở dành cho CNLĐ mới đáp ứng được trên 13%. Thành phố hiện mới bố trí được 22.000 chỗ ở trên tổng số gần 170.000 công nhân.

Bổ sung thêm nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội

Trước nhu cầu cấp thiết của NLĐ, Chính phủ và các cấp, ngành đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp và CNLĐ. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 6 vừa diễn ra mới đây, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính Công đoàn cho công nhân, NLĐ thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê. Đây là tin vui đối với NLĐ, đem đến hy vọng góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân, NLĐ.

Trước thông tin này, anh Bùi Thế Sơn - công nhân Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam bày tỏ: “Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội thì rất tốt, như vậy sẽ sát sao, thuận lợi hơn trong điều tra, khảo sát, nắm bắt nhu cầu về nhà ở xã hội cho CNLĐ, giúp việc đầu tư đúng trọng tâm, nâng cao hiệu quả, khi đó chúng tôi sẽ có cơ hội dễ tiếp cận hơn với nhà ở xã hội”. Tương tự, anh Văn Đình Vinh - CNLĐ Khu Công nghiệp Thăng Long cho rằng, Tổng LĐLĐ Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng nhà ở xã hội, điều này phù hợp với chức năng chăm lo của tổ chức Công đoàn. Khi tổ chức Công đoàn làm chủ đầu tư, CNLĐ sẽ thấy an tâm, tin tưởng hơn, Công đoàn sẽ khảo sát để xây dựng phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của công nhân.

Cùng chung niềm vui mừng khi biết Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội, anh Nguyễn Văn Khuyên - công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp Phú Nghĩa bày tỏ: “Việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia làm chủ quản dự án đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp chúng tôi có thêm hy vọng về việc được thuê những căn nhà rộng rãi, với mức giá phải chăng để bảo đảm điều kiện sống, cũng như điều kiện ăn ở, học hành của các con”.

Tú Anh

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/luong-gio-moi-nha-o-cho-cong-nhan-165423.html