Luôn tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển

Theo thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) hiện cả nước có khoảng 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động thực sự có hiệu quả, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, công nghệ, quản trị và đầu ra sản phẩm. Đây cũng chính là những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại buổi làm việc với VINASME diễn ra mới đây.

Mới đây, tại Hội thảo tham vấn ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đại diện một số DNNVV cho rằng, họ chưa thực sự được hưởng những chính sách ưu đãi về nguồn vốn, nguồn nhân lực và thuế.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo VINASME.

Với các DN nhỏ và siêu nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn càng thiếu cơ hội. Các DNNVV đang phải vay vốn với lãi suất cao từ các công ty tài chính, còn các ngân hàng thương mại có chương trình cho vay ưu đãi thường không mặn mà với họ.

Thừa nhận về hạn chế của các DNNVV, ông Lương Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần khóa Việt Tiệp cho hay, trong nhiều ngành hàng kinh doanh thì ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) vấp phải nhiều hạn chế. Trong đó, chủ yếu là hạn chế về sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa.

Sản phẩm của nhiều DN còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá thành sản phẩm thấp. Bên cạnh đó, ngành hàng CNHT tham gia chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa rất ít, nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ nước ngoài, nhân lực chưa đáp ứng được cả về chất lượng lẫn số lượng. Đó thực sự là những khó khăn, thách thức đối với các DNNVV trong bối cảnh hội nhập quốc tế (HNQT) diễn ra sâu rộng.

Đại diện cho các DN tư nhân về ngành may mặc, bà Nguyễn Thị Xuân, giám đốc Công ty TNHH Thanh Huyền (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi luôn là mơ ước của nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ. Thông thường, tài sản thế chấp của các DN này là của cá nhân, gia đình nên giá trị tài sản không lớn.

Việc thẩm định, định giá tài sản của họ thường không đáp ứng được yêu cầu của các ngân hàng lớn. Để hỗ trợ các DN, bà Xuân mong muốn có những chính sách tài chính cụ thể hơn cho các DN tư nhân, giảm thuế đất, thuế đầu vào cho các DN.

Khẳng định trong những năm qua, các DNNVV trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều đóng góp tích cực cho nền kinh tế trong nước, ông Mạc Quốc Anh - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần biến những điều luật thành hành động cụ thể.

Đáp ứng mong mỏi chung của các DN, trong thời gian tới, Thành phố cũng nên cân nhắc hạ thuế đầu vào xuống khoảng 15-17%, giảm thuế đất, mở rộng giao thương; hướng tới sự đầu tư bài bản, tích cực, xóa bỏ ranh giới giao thương giữa các quốc gia trong khu vực để thu hút nguồn lực đầu tư lớn hơn; công bố công khai, minh bạch các dự án FDI, ODA, đưa các DNNVV trên địa bàn vào diện được hưởng những chính sách miễn thuế trong gói miễn thuế 8.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Tại buổi làm việc với VINASME, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Hằng năm, các doanh nghiệp tạo ra hơn 1 triệu việc làm mới, sử dụng tới 51% lao động xã hội, thu hút 38% vốn đầu tư xã hội; đóng góp 31% tổng kim ngạch xuất khẩu, 40% GDP cho nền kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, DNNVV có vai trò rất lớn ở thế giới và cả Việt Nam. Ở nước ta, DNNVV có vị trí quan trọng giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách…

Do đó, Đảng, Nhà nước luôn theo dõi sát quá trình phát triển, ghi nhận và hỗ trợ, tạo mọi điều kiện phát triển doanh nghiệp, nhất là các DNNVV. Thủ tướng tin tưởng rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự đoàn kết, nhất trí, sáng tạo, Hiệp hội sẽ có nhiều đóng góp thiết thực cho đất nước, cho sự phát triển DNNVV thời gian tới.

NGUYỄN HẠNH

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/luon-tao-dieu-kien-de-doanh-nghiep-phat-trien-44662.html