Luôn khắc ghi lời Bác

Cuối tháng 5-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chuyển từ Pác Pó (Cao Bằng) về Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi nghe báo cáo tình hình, Người chỉ thị thành lập Khu giải phóng, gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn và một phần các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái.

Từ đây, Tân Trào trở thành trung tâm Khu giải phóng, đầu não lãnh đạo cao trào kháng Nhật, cứu nước trong toàn quốc. Để bảo đảm bí mật, tuyệt đối an toàn cho Bác và các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, tháng 6-1945, đồng chí Song Hào được cấp trên thông báo chuẩn bị đón một "đồng chí thượng cấp" về Tân Trào. Ít hôm sau, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ cao cấp của Đảng về tới đình Hồng Thái. Khi vào đình, Bác bắt đầu câu chuyện rất ân cần, cụ thể nên để lại dấu ấn sâu đậm đối với đồng chí Song Hào, có ảnh hưởng lớn tới tác phong, phương pháp công tác của đồng chí trên các cương vị lãnh đạo, chỉ huy sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Song Hào. Ảnh tư liệu

Từ khi Bác về, phong trào cách mạng ở trung tâm Khu giải phóng càng phát triển mạnh mẽ hơn. Các tầng lớp nhân dân nô nức đi theo cách mạng, hăng hái làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình. Qua đó, đồng chí Song Hào đã tiếp thu, lĩnh hội những bài học quý về tính gương mẫu của cán bộ, về tình thương yêu, quan tâm cấp dưới và nhân dân, về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh cách mạng... Đặc biệt, bài học dân vận của Bác tuy đơn giản nhưng hết sức sâu sắc. Bác dạy cán bộ, chiến sĩ: Phải gần gũi với dân hơn, ăn cùng dân, ở cùng dân, làm cùng dân, từ đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân quyết tâm đi theo cách mạng, củng cố niềm tin vào thắng lợi của cách mạng.

Trong những tháng năm được gần Bác ở Tân Trào, đồng chí Song Hào học được bài học quý về phân tích, đánh giá tình hình, phát huy nghệ thuật quân sự Việt Nam "lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn". Cuối tháng 6-1945, quân Nhật huy động lực lượng lớn tiến công vào Khu giải phóng, tập trung đánh vào Tân Trào, Hồng Thái... Lúc này, lực lượng của ta đã được phân đi các địa phương để tiến hành cướp chính quyền và củng cố chính quyền cách mạng; lực lượng chiến đấu ở cơ quan chỉ còn mấy chục đồng chí, tương quan lực lượng quá chênh lệch. Trước tình hình đó, đồng chí Song Hào cử liên lạc hỏa tốc báo cáo, đề nghị Bác chuyển vào trong núi sâu hơn, nhưng Bác không đồng ý và khẳng định: "Địch không thể vào được tới đây nếu ta quyết tâm chiến đấu và biết tổ chức đánh chặn chúng lại, mặc dầu lực lượng ta rất nhỏ. Bác không chuyển vị trí".

Với lòng tin vào Đảng, Bác Hồ và chấp hành chỉ thị của Bác, đồng chí Song Hào đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân thực hiện “vườn không nhà trống”, tạo tâm lý chủ quan cho địch, đồng thời triệt để lợi dụng địa hình, địa vật, phối hợp với các đơn vị triển khai đội hình, kiên trì chờ địch lọt vào trận địa phục kích, bất ngờ nổ súng tiêu diệt. Bị tiến công bất ngờ, địch hoảng loạn, bị tiêu hao nhiều sinh lực, buộc chúng phải rút chạy. Bác và Khu giải phóng được bảo vệ an toàn. Từ thắng lợi này để lại một bài học cho các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong xử trí tình huống, nhận định, đánh giá tình hình địch-ta sát đúng, không vì thấy địch mạnh mà nao núng. Trước mỗi vấn đề nảy sinh, đặc biệt là trong tác chiến, cần bình tĩnh, sáng suốt trong xử trí, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, quan điểm của Đảng về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Sáng 19-9-1954, tại Khu di tích Đền Hùng, Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, động viên và giao nhiệm vụ cho Đại đoàn Quân Tiên Phong (Đại đoàn 308) trước khi về tiếp quản Thủ đô. Tham gia sự kiện này có khoảng 80 cán bộ từ cấp đại đội trở lên, đại diện cho cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308. Do sân hẹp, cán bộ, chiến sĩ đều mải ngắm Bác, nên không tập hợp được đội hình ổn định để nghe Bác nói chuyện. Bác quan sát tình hình rồi giơ tay ra hiệu cho bộ đội ngồi xuống các bậc thềm dẫn từ sân lên cửa đền, còn Bác ngồi trên bậu cửa đền. Bác quay sang nói với đồng chí Song Hào-Chính ủy Đại đoàn 308: Chú ngồi đây (mặt hè bên phải Bác), còn chú Quảng ngồi đây (mặt hè bên trái Bác). Bộ đội ngồi quây quần bên Bác như nghe một người cha. Những nội dung Bác căn dặn cán bộ, chiến sĩ đại đoàn hôm ấy, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, kết luận của Người đã trở thành chân lý: “Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng. Các cháu đã thấy: Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đồng chí Song Hào ghi chép lại đầy đủ lời Bác căn dặn, coi đó là kim chỉ nam và mang theo mình suốt chặng đường cách mạng.

Sau này, khi trở về Hà Nội, được ở gần Bác Hồ hơn, trực tiếp làm việc dưới sự chỉ đạo của Bác, những bài học mà đồng chí Song Hào tiếp thu được ở Bác ngày càng nhiều, càng được phát huy trong chỉ đạo công tác tham mưu chiến lược, xây dựng Đảng, xây dựng quân đội vững mạnh, đặc biệt là xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, góp phần xứng đáng vào sự trưởng thành, chiến thắng vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

NGUYỄN VĂN BÌNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/luon-khac-ghi-loi-bac-515512