Lưỡi vỏ sò là gì? Lưỡi vỏ sò cảnh báo gì về tình trạng sức khỏe của bạn

Lưỡi vỏ sò không phải là một bệnh mà là triệu chứng cảnh báo các tình trạng sức khỏe với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau.

Lưỡi vỏ sò (tiếng anh là Scalloped tongue) chỉ tình trạng lưỡi có các vết nứt, tạo thành các rãnh sâu (hoặc các gợn sóng) dọc hai bên cạnh lưỡi như hình vỏ sò. Khác với một số tình trạng viêm loét tại lưỡi thì các rãnh này hiếm khi gây đau đớn nên thường bị bỏ qua. Đôi khi niêm mạc miệng gần với cạnh lưỡi có thể đỏ hơn hoặc nhạy cảm hơn nếu bạn đang gặp tình trạng lưỡi vỏ sò hoặc bạn cũng có thể phát triển các triệu chứng đau họng.

1. Lưỡi vỏ sò là bệnh gì?

Trong hầu hết các trường hợp, lưỡi vỏ sò xảy ra do lưỡi bị sưng hoặc viêm khiến lưỡi sưng to và bị ép vào răng dẫn tới các vết hằn rõ ràng.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng này, chẳng hạn:

- Suy giáp

Rối loạn tuyến giáp này được đặc trưng bởi nồng độ hormone tuyến giáp thấp. Suy giáp có thể gây ra hiện tượng lưỡi có hình vỏ sò (Scalloped Tongue) thông qua triệu chứng sưng cơ thể, bao gồm cả lưỡi. Khi tuyến giáp hoạt động không đủ hiệu quả, không sản xuất đủ hormone giáp, cơ thể có thể chậm chạp và dẫn đến tích tụ chất lỏng, khiến các mô bị sưng lên.

Minh họa lưỡi có hình vỏ sò (Ảnh: Internet)

Khi lưỡi sưng và lớn hơn, nó có thể chịu áp lực từ các răng xung quanh, dẫn đến hình thành các dấu hằn hoặc rãnh ở hai bên cạnh lưỡi.

Ngoài sưng lưỡi thì người bị suy giáp có thể gặp các triệu chứng khác bao gồm rụng tóc, mệt mỏi, đau nhức, chuột rút cơ bắp, thường xuyên bầm tím và huyết áp thấp.

- Bệnh Amyloidosis

Bệnh Amyloidosis, một nhóm rối loạn không đồng nhất, được đặc trưng bởi sự lắng đọng bên ngoài tế bào của các protein tự thân, không hòa tan, dạng sợi bị gấp khúc sai. Các protein ngoại bào này lắng đọng trong các mô, tập hợp lại thành các tấm xếp li sắp xếp theo kiểu đối xứng và gây ra sự biến dạng đối với cấu trúc và chức năng của mô, bao gồm cả lưỡi.

Khi bệnh xảy ra ở lưỡi hoặc miệng sẽ gây sưng và viêm. Tình trạng này ép lưỡi vào răng và tạo thành các cạnh hình vỏ sò theo thời gian.

- Căng thẳng

Căng thẳng hoặc lo lắng quá mức có thể gây ra một loạt các triệu chứng ở miệng, bao gồm đau hàm, nghiến răng, ép lưỡi vào răng. Theo thời gian, việc ép lưỡi vào răng thường xuyên dẫn tới các vết lõm như hình vỏ sò.

Căng thẳng hoặc lo lắng quá mức có thể gây ra một loạt các triệu chứng ở miệng (Ảnh: Internet)

- Rối loạn khớp thái dương hàm

Rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ), nối xương hàm dưới của bạn với hộp sọ, có thể gây ra các triệu chứng như đau hàm, đau tai hoặc khó mở hoặc đóng miệng. Tình trạng này có thể khiến không gian cho lưỡi bị thu hẹp lại, người bệnh cũng phải lấy lưỡi đẩy vào răng và hàm dưới để tạo ra áp lực cần thiết, từ đó góp phần gây ra tình trạng lưỡi hình vỏ sò ở một bên lưỡi.

Tình trạng lưỡi vỏ sò do rối loạn khớp thái dương hàm phổ biến ở nữ giới và người thường xuyên bị đau đầu hơn các nhóm còn lại.

- Chứng ngưng thở khi ngủ

Lưỡi vỏ sò có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Khi đường thở hẹp hơn, cơ thể thiếu oxy hơn, trong vô thức bạn sẽ đẩy lưỡi xuống để mở rộng đường thở hơn và dẫn tới lưỡi hình vỏ sò.

- Thiếu vitamin và khoáng chất

Lưỡi hình vỏ sò có thể xảy ra khi cơ thể không cung cấp đủ một số vitamin và khoáng chất nhất định, đặc biệt là vitamin nhóm B dẫn tới lưỡi bị to ra. Các vitamin phổ biến dẫn tới tình trạng này bao gồm: vitamin B12, riboflavin, niacin và sắt.

Sưng lưỡi có thể khiến lưỡi có hình vỏ sò (Ảnh: Internet)

- Nhiễm trùng, chấn thương hoặc phản ứng dị ứng gây sưng lưỡi

Sưng lưỡi hay còn gọi là Macroglossia. Macroglossia là tình trạng lưỡi to bất thường, có thể do các nguyên nhân như di truyền, dị dạng mạch máu, những thay đổi nội tiết trong cơ thể hoặc do mắc một số bệnh lý như viêm lưỡi, u lưỡi hoặc hội chứng Down. Tình trạng này có thể gây khó khăn trong việc ăn uống, nói chuyện và thậm chí cản trở hô hấp, đòi hỏi cần được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Hệ miễn dịch phản ứng với nhiễm trùng, chấn thương hay các chất dị ứng bằng cách kích hoạt tình trạng viêm trong cơ thể. Một số tình trạng viêm nhiễm khiến lưỡi bị sưng lên và to ra, ép vào răng và dẫn tới các vết lõm vỏ sò.

Ngoài các nguyên nhân gây ra lưỡi hình vỏ sò kể trên thì các thói quen xấu như nghiến răng, uống không đủ nước cũng có thể là lý do khiến lưỡi có hình vỏ sò.

2. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Để chẩn đoán tình trạng lưỡi vò sò, trước tiên bác sĩ sẽ cần loại trừ tất cả các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn bằng cách yêu cầu bạn mô tả tất cả các triệu chứng mà bạn gặp phải cũng như xem xét tiền sử bệnh và tiền sử gia đình.

Các xét nghiệm có thể được yêu cầu bao gồm xét nghiệm máu, sinh thiết, chụp CT và chụp MRI. Tùy thuộc vào nguyên nhân được xác định là gì mà điều trị cho tình trạng lưỡi vỏ sò cũng sẽ có sự khác biệt. Đối với những trường hợp nghiêm trọng do di truyền, viêm nhiễm thì phẫu thuật có thể cần thiết để khôi phục lại hình dạng lưỡi bình thường.

Để khắc phục tạm thời tại nhà, bạn nên cố gắng uống đủ nước, có chế độ ăn uống cần bằng và thực hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Ngoài ra, cần duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh các chất có thể gây dị ứng hoặc kích thích niêm mạc miệng, bỏ hút thuốc lá, học cách quản lý tốt căng thẳng.

Tùy từng nguyên nhân khác nhau và điều trị cho tình trạng lưỡi hình vỏ sò cũng khác nhau (Ảnh: Internet)

Nếu bị sưng đau, bạn có thể chườm ấm hoặc chườm đá 10 phút mỗi lần và nghỉ 20 phút rồi chườm lại nhiều lần trong ngày. Thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không kê đơn có thể được sử dụng như ibuprofen hay acetaminophen.

Nhưng điều quan trọng vẫn là thăm khám bác sĩ và tìm ra nguyên nhân để điều trị dứt điểm. Bạn nên thăm khám bác sĩ sớm nếu lưỡi vỏ sò gây ra đau đớn nghiêm trọng và kéo dài, kể cả khi đã áp dụng các biện pháp tại nhà bởi dù hiếm gặp thì lưỡi vò sò cũng có thể là triệu chứng của một số tình trạng bệnh nguy hiểm hơn.

Nguồn: Medical News Today, Healthline

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/luoi-vo-so-la-gi-luoi-vo-so-canh-bao-gi-ve-tinh-trang-suc-khoe-cua-ban-20240503163210336.htm