Lực lượng đặc biệt trong Cách mạng tháng Tám ở miền Nam

Khác với miền Bắc và miền Trung, sự thành công của Cách mạng tháng 8 ở miền Nam có sự đóng góp lớn của một lực lượng đặc biệt: Tổ chức Thanh niên Tiền phong.

Cách mạng Tháng Tám tại Sài Gòn

Mượn tay phát xít Nhật lập tổ chức đấu tranh của thanh niên

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lúc này chính phủ Nhật chủ trương muốn tập hợp lực lượng thanh niên để chống lại Đồng minh nên đã cử một viên tướng Nhật là Iđa đến gợi ý với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (Nhật không biết bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người của cách mạng).

Xứ ủy Nam Bộ muốn lợi dụng đề nghị này để nhanh chóng xây dựng lực lượng rộng rãi của ta, đã đồng ý để bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cùng một số người có cảm tình với cách mạng: Nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, sinh viên Huỳnh Văn Tiểng đứng ra lập một tổ chức thanh niên do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Cờ, khẩu hiệu đều do ta đặt ra. Tổ chức Thanh niên Tiền phong, ra đời vào ngày 1/6/1945.

Sau khi ra đời, Thanh niên Tiền phong với trang phục quần soọc xanh hoặc màu sậm, áo sơ mi trắng, dép cao su quai tréo, mũ bành vành rộng, huy hiệu mũi tên thẳng đứng. Được trang bị tầm vông vạt nhọn, đeo dao găm và cuộn dây thừng ngang lưng.

Kiểu chào là co bàn tay trái ngang ngực, xòe ba ngón tay tượng trưng cho ba lời thề (Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, giữ gìn phẩm chất cao đẹp). Khẩu lệnh là hô “Thanh niên!” và đáp “Tiến!”. Cơ quan ngôn luận là báo Tiến! ra hàng ngày. Trụ sở đóng ở số nhà 14 đường Charner (đường Nguyễn Huệ nay).

Chỉ trong 3 tháng, được sự giúp sức của các tổ chức quần chúng của Đảng, Thanh niên Tiền phong phát triển rất nhanh ở 21 tỉnh thành Nam Bộ với số đoàn viên lên tới 1,2 triệu người, riêng Sài Gòn có hơn 200.000 người tham gia, trong đó có rất đông trí thức.

Hoạt động của Thanh niên Tiền phong do các ban chuyên môn phụ trách như: Ban Tuyên truyền cổ động tổ chức, Ban Hoạt động xã hội, Ban Phát thanh, Ban Huấn luyện quân sự, Ban Biên tập báo Tiến, Ban Văn nghệ, nòng cốt trong hoạt động các ban chuyên môn này có hàng trăm anh chị em công nhân, trí thức, học sinh – sinh viên.

Hoạt động của Thanh niên Tiền phong rất sôi nổi, ngày đêm tổ chức canh gác, giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức dạy bình dân học vụ, quyên góp cứu đói đồng bào miền Bắc, miền Trung, tổ chức lấy súng của Nhật, của Pháp trang bị cho mình và tổ chức huấn luyện quân sự.

Vào cuối tháng 7 ở Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng, Thanh niên Tiền phong là tổ chức mạnh nhất, thu hút được nhiều tình cảm của người dân. Họ đã tổ chức hàng ngàn cuộc hội họp, biểu tình, mít tinh, lễ tuyên thệ, cứu tế, cùng nhiều hoạt động mang tính chất yêu nước khác…

Vai trò của Thanh niên Tiền phong trong Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn

Đầu tháng 8/1945, Thanh niên Tiền phong trở thành một mặt trận dân tộc thống nhất lôi cuốn hầu hết các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo thành cao trào cách mạng toàn dân. Các công, tư sở, các xí nghiệp, các nhà máy điện, nước, bưu điện, các bót cảnh sát…đều có cơ sở Thanh niên Tiền phong nắm chắc.

Ngày 14/8/1945, Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ngày 16/8/1945, Thanh niên Tiền phong công khai tuyên bố là thành viên của Mặt trận Việt Minh. Đại diện của Thanh niên tiền phong đã yêu cầu quân đội Nhật không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa sắp tới tại Sài Gòn – Gia Định.

Ngày 17/8/1945, hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam Kỳ đã được tổ chức ở chợ Đệm (huyện Bình Chánh) quyết định ngày, giờ Tổng khởi nghĩa và chỉ định thành lập Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ.

Sáng 19/8/1945, tại vườn ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn), Thanh niên Tiền phong đã tổ chức lễ tuyên thệ với 70.000 người tham dự. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã đọc diễn văn khích lệ lòng yêu nước, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh giành độc lập. sau lễ tuyên thệ, 70.000 đoàn người đã tuần hành trong thành phố, hát vang những bài ca cổ vũ thanh niên “lên đàng” đấu tranh.

Ngày 21/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị ở chợ Đệm lần thứ hai, quyết định tỉnh Tân An (Long An ngày nay) sẽ khởi nghĩa trước. Tối 22/8/1945, các đội xung kích vũ trang cùng nhân dân Tân An đã chiếm các cơ quan chính quyền ở tỉnh. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, quân đội Nhật không can thiệp.

Sáng 23/8/1945, Xứ ủy Nam Kỳ tổ chức hội nghị tại chợ Đệm lần thứ ba quyết định tối 24/8/1945 sẽ khởi nghĩa ở Sài Gòn – Gia Định với lực lượng xung kích là Thanh niên Tiền Phong. Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền tháng 8/1945.

Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, các đội Thanh niên Tiền Phong xung kích gồm hàng nghìn đội viên, nhận nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị khác và nhân dân chiếm lĩnh các cơ sở quan trọng như: Kho bạc, nhà máy điện, nhà máy nước, sở bưu điện, dinh Thống đốc Nam Kỳ, các đầu cầu vào Sài Gòn, các bốt cảnh sát…

Sáng 25/8/1945, nhân dân Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh lân cận tiến hành cuộc biểu tình, tuần hành trên các đường phố và tại các cơ quan chủ chốt, khẳng định vai trò của chính quyền cách mạng. Cuộc Cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn đã kết thúc thắng lợi.

Sau khi toàn Nam Bộ giành được chính quyền, sứ mệnh lịch sử của Thanh niên Tiền Phong kết thúc, nhưng những bài học về nghệ thuật tập hợp lực lượng trên một mặt trận rộng lớn trong quá trình hoạt động của tổ chức này vẫn còn phát huy giá trị cho nhiều cuộc đấu tranh sau này.

Bạch Dương

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/luc-luong-dac-biet-trong-cach-mang-thang-tam-o-mien-nam-post234910.info