Lực lượng chủ công trong công tác phòng, chống tội phạm kinh tế

Sự ra đời của lực lượng Cảnh sát kinh tế (lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) gắn với quá trình thành lập, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND).

Trải qua 55 năm, dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, các cấp ủy Đảng và chính quyền, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các lực lượng trong và ngoài ngành; sự ủng hộ to lớn của nhân dân, lực lượng Cảnh sát kinh tế (CSKT) đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, không ngừng trưởng thành về mọi mặt, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 10-8-1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư số 1001/TTg xác định tổ chức của ngành CSND, ghi rõ chức năng, nhiệm vụ của CSKT là phụ trách công tác bảo vệ công khai các nhà máy, hầm mỏ. Là một trong những lực lượng nghiệp vụ chủ công của Công an nhân dân (CAND), lực lượng CSKT luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp vẻ vang của lực lượng CSND. Từ năm 1956 đến năm 1975, ở miền bắc nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, toàn lực lượng tập trung vào công tác bảo vệ kinh tế, tuyên truyền vận động nhân dân chống nạn đầu cơ tích trữ, phối hợp các ngành thuế, quản lý thị trường điều tra làm rõ nhiều ổ, nhóm đầu cơ, buôn lậu, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nạn đầu cơ, buôn lậu. Từ năm 1976 đến 1986, nền kinh tế nước ta theo cơ chế quản lý hành chính bao cấp. Lực lượng CSKT ở Bộ Công an và công an các tỉnh đã phát hiện, điều tra nhiều vụ án lớn, góp phần ngăn chặn hoạt động đầu cơ tích trữ, phá rối thị trường, tham ô tài sản Nhà nước, nhất là cải tạo thương nghiệp miền nam. Nghị quyết 31/NQ-TW của Bộ Chính trị ban hành, là cơ sở đưa lực lượng Công an trong đó có CSKT từng bước tiến lên chính quy hiện đại, tổ chức theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Ngày 12-6-1981, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 250/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Ngày 20-12-1981, Bộ trưởng Nội vụ ra Quyết định số 82/QĐ-BNV quy định tạm thời chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức của Cục CSKT (thuộc Tổng cục CSND). Theo đó, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Phòng CSKT và cấp huyện có Đội CSKT. Tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng XHCN. Trước tình hình đó, lực lượng CSKT cả nước đã tích cực phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn, phức tạp, góp phần giữ vững an ninh, trật tự (ANTT) trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới. Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện Nghị quyết 09/1998/NQ-CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, lực lượng CSKT đã tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp, tiến hành triển khai nhiều biện pháp công tác nghiệp vụ cơ bản ở địa bàn khối cơ quan, doanh nghiệp đạt kết quả cao, góp phần giữ gìn ANTT, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lực lượng Công an đã phối hợp các bộ và cơ quan ngang bộ, 91 tập đoàn, tổng công ty và 100.450 cơ quan, doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương triển khai việc thực hiện Nghị quyết. Lực lượng CSKT đã tham mưu, hướng dẫn nhiều địa phương, cơ quan, xí nghiệp lồng ghép việc triển khai Nghị quyết 09 với việc phát động phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ), gắn với xây dựng các mô hình đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế. Sau 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết (1998 - 2010), lực lượng CSKT trong cả nước được Chính phủ, các cơ quan, doanh nghiệp khen ngợi, đánh giá có nhiều thành tích phòng, chống tội phạm kinh tế. Nổi bật là ngày 3-7-2007, CSKT tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị "Bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế". Tại Hội nghị, đồng chí Tổng cục trưởng Cảnh sát thay mặt lực lượng CSND, đưa ra mười cam kết bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là bước quan trọng gắn kết công tác phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống tội phạm về kinh tế giữa lực lượng Công an và cơ quan, doanh nghiệp. Năm 2007, đánh dấu sự hội nhập toàn diện của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam phát triển. Đây cũng là thời cơ và kéo theo một số nguy cơ, tội phạm có yếu tố nước ngoài cũng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ thiệt hại với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Điển hình: Vụ Công ty Grobet tại Khu Công nghiệp Đồng Nai, một số cán bộ thoái hóa, biến chất ở Cục Thuế Đồng Nai đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập đối với các công ty 100% vốn nước ngoài, đã ban hành các quyết định miễn giảm thuế trái quy định làm thiệt hại hơn 34 tỷ đồng, CSKT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố sáu bị can. Tiếp đó, Cục CSKT kiến nghị Bộ Tài chính kiểm tra, phát hiện 122 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, ở Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... đã được miễn giảm thuế trái quy định hơn 213 tỷ đồng, thu hồi hơn 152 tỷ đồng và đang truy thu số còn lại. Do làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, từ năm 1981 đến tháng 6-2011, lực lượng CSKT phát hiện, điều tra, xử lý 573.722 vụ phạm tội và các vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, thiệt hại 24.912 tỷ đồng, thu hồi 7.958,9 tỷ đồng. Từ năm 1987 đến 2006, thời kỳ bắt đầu đổi mới, do một số quy định của pháp luật còn những sơ hở, đối tượng vi phạm thường lợi dụng, lực lượng CSKT đã phát hiện 320.800 vụ vi phạm pháp luật về kinh tế, tài sản thiệt hại 16.352,4 tỷ đồng; từ năm 2006 đến tháng 6-2011 lực lượng CSKT phát hiện hơn 71 nghìn vụ, thiệt hại tài sản trị giá 10.448,7 tỷ đồng (bình quân mỗi năm phát hiện 12.979 vụ, thiệt hại 1.900 tỷ đồng). Ngoài việc trực tiếp phát hiện, đấu tranh chống tội phạm về kinh tế, lực lượng CSKT đã tham mưu cho cấp ủy và chính quyền các cấp có các chính sách pháp luật thích hợp ngăn chặn điều kiện nảy sinh tội phạm và tiến hành các biện pháp phòng ngừa. Công tác nghiên cứu chuyên đề và nghiên cứu khoa học về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế trong một số lĩnh vực nổi lên, đã được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục. Những kiến nghị của lực lượng CSKT đã được Chính phủ và các ngành ghi nhận. Từ những phát hiện và tham mưu của lực lượng CSKT, nhiều dự án luật, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung, hoạt động quản lý nền kinh tế được tăng cường, công tác nghiệp vụ và xây dựng lực lượng của nhiều ngành được chấn chỉnh kịp thời. Trên cơ sở tổ chức nghiên cứu hàng trăm chuyên đề, hàng chục đề tài khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, Cục CSKT và phòng CSKT các tỉnh, thành phố đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát, lãnh đạo Bộ Công an kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sửa đổi những sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, quản lý cán bộ, những tồn tại thiếu sót trong hệ thống pháp luật cùng những nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm kinh tế, để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hữu hiệu như chính sách nội địa hóa xe máy; vấn đề hoàn thuế và mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn GTGT; tình hình lừa đảo trong xuất khẩu lao động; chính sách ân hạn thuế trong 30 ngày... Nhiều kiến nghị về pháp luật, cơ chế chính sách quản lý kinh tế đã được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận và bổ sung, chấn chỉnh kịp thời. Đặc biệt, đầu năm 2011 nền kinh tế lạm phát tăng, tình hình hoạt động mua bán ngoại tệ diễn ra phổ biến, công khai trên các địa bàn trong cả nước, tập trung nhiều nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dẫn đến tình trạng "đô-la hóa", "vàng hóa" nền kinh tế. Trước tình hình đó, ngày 24-2-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung sáu nhóm giải pháp trọng tâm, cấp bách nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Ngày 26-2-2011, Bộ Công an có điện số 89/BCA chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp trọng tâm, cấp bách theo chức năng, nhiệm vụ được giao góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Lực lượng CSKT cả nước đã đồng loạt ra quân, bắt, xử lý nhiều vụ mua bán ngoại tệ trái phép với số lượng lớn. Sáu tháng đầu năm nay, lực lượng CSKT phát hiện 16 vụ, gây thiệt hại 1.350 tỷ đồng,. Việc lực lượng CSKT kiên quyết tiến công tội phạm đã góp phần tác động mạnh và bình ổn việc mua bán ngoại tệ ở thị trường tự do. Qua 55 năm chiến đấu xây dựng và trưởng thành, lực lượng CSKT luôn chú trọng việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm với việc đào tạo nâng cao trình độ về mọi mặt cho CBCS từ cấp cơ sở đến Bộ Công an. Lực lượng CSKT đã tổ chức lớp tập huấn cho hàng nghìn cán bộ chủ chốt từ cấp huyện đến Bộ Công an về công tác nghiệp vụ điều tra CSKT. Đến nay, phần lớn CBCS trong lực lượng CSKT đã tốt nghiệp đại học trong và ngoài ngành công an, nhiều đồng chí tốt nghiệp hai, ba trường. Trong đó, hàng trăm đồng chí có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, Phó Giáo sư; nhiều đồng chí sĩ quan cấp tướng, cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước trưởng thành từ lực lượng Cảnh sát kinh tế. Hiện đội ngũ CBCS CSKT về cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật. 55 năm qua, nhiều CBCS lực lượng CSKT đã bị thương, hy sinh anh dũng trong sự nghiệp bảo vệ ANTQ; có hai đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới là Phòng Phòng ngừa, đấu tranh án kinh tế công nghiệp, xây dựng thuộc Cục CSKT và Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả thuộc Phòng CSKT Công an Hà Nội. Lực lượng CSKT cả nước được tặng hàng trăm huân chương các loại; hàng nghìn Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an và UBND các cấp; nhiều đồng chí được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn ngành. Đại tá NGUYỄN ĐỨC THỊNH Cục trưởng Cảnh sát kinh tế

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/chinh-tri/tin-chung/l-c-l-ng-ch-cong-trong-cong-tac-phong-ch-ng-t-i-ph-m-kinh-t-1.306810