Luật thống kê năm 2015 giải quyết được những bất cập gì của Luật thống kê năm 2003?

Sau hơn 4 tháng kể từ khi chính thức có hiệu lực, nhiều nội dung quan trọng của Luật Thống kê 2015 đã dần đi vào cuộc sống, tạo ra những thay đổi quan trọng trong công tác thống kê của cả nước. Luật Thống kê 2015 đã đổi mới căn bản và toàn diện so với Luật 2003, giải quyết được những bất cập của Luật thống kê cũ, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động thống kê…

Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: Đổi mới ưu việt nhất của Luật Thống kê 2015 là tăng trách nhiệm của người làm công tác thống kê, tăng tính giải trình và minh bạch của số liệu; cung cấp số liệu thống kê kịp thời; nâng cao chất lượng thông tin thống kê bằng việc sửa đổi, bổ sung những quy định về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người thực hiện thu thập, tổng hợp thông tin thống kê… Nói tóm lại là những hạn chế và bất cập sẽ được giải quyết, tạo tiền đề nâng cao tính chuyên nghiệp của thống kê Việt Nam. Tạo cơ sở vững chắc góp phần giúp Thống kê Việt Nam phát triển vững chắc trong tương lai.

Ngoài sửa đổi, bổ sung một số điều khoản nhằm tăng cường vai trò của người thực hiện thu thập, tổng hợp và biên soạn thông tin thống kê. Trong đó bổ sung hành vi nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê; khai man hoặc ép buộc người khác khai man dữ liệu, thông tin thống kê; hành vi can thiệp làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê...

Đặc biêt, bổ sung một số điều, khoản nhằm tăng cường quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan Thống kê Trung ương trong lĩnh vực thống kê nhà nước, như tham gia chỉ đạo tổ chức, giám sát và kiểm tra các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia do Bộ, ngành thực hiện. Ngoài ra, Luật thống kê mới cũng kết cấu lại một số điều khoản để làm rõ chức năng của Cơ quan Thống kê Trung ương trong thẩm định các nội dung quan trọng trong hoạt động thống kê của bộ, ngành, như: Thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành; phân loại thống kê ngành, lĩnh vực; phương án điều tra thống kê (cả trong và ngoài Chương trình điều tra thống kê quốc gia) do bộ, ngành quyết định; chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành và thẩm định số liệu thống kê của bộ, ngành trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Luật Thống kê 2015 cũng bổ sung nội dung “Sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước” nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, tăng tính chính xác, kịp thời của thông tin thống kê, tiết kiệm chi phí và giảm phiền hà, gánh nặng cho người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin thống kê...

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê Nguyễn Bích Lâm cũng cho rằng, với quy định của Luật thống kê 2015, lần đầu tiên hoạt động phổ biến thông tin thống kê nhà nước ở nước ta đã được luật hóa tại Điều 49. Khoản 5 Điều 49 đã giao Chính phủ chịu trách nhiệm quy định chi tiết việc phổ biến thông tin thống kê nhà nước. Theo Luật Thống kê 2015, tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê có quyền: Được thông báo về quyết định điều tra thống kê; được đảm bảo bí mật thông tin đã cung cấp.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân được điều tra thống kê cũng phải thực hiện nghĩa vụ của mình, không được từ chối hoặc cản trở việc cung cấp thông tin điều tra thống kê. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật...

*. Luật Thống kê đã được Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 ngày 23.11.2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016.

Sau khi Luật thống kê năm 2015 được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 17/2015/L-CTN ngày 4.12.2015 ban hành, Luật thống kê năm 2015 thay thế Luật thống kê năm 2003 tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê và khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của công tác thống kê.

Ngày 1.7.2016, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 95/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê (thay thế Nghị định số 79/2013/NĐ-CP). Nghị định 95 quy định các hành vi vi phạm gồm: Vi phạm quy định trong các hoạt động điều tra thống kê, sử dụng mẫu biểu báo cáo thống kê, quy định về thời hạn báo cáo thống kê, báo cáo tài chính, vi phạm quy định về yêu cầu đầy đủ của báo cáo thống kê, về phương pháp thống kê, về yêu cầu chính xác của báo cáo thống kê hay vi phạm các quy định về sử dụng cơ sở dữ liệu hành chính, cơ sở dữ liệu thống kê, về phổ biến thông tin thống kê, sử dụng thông tin thống kê, về bảo quản, lưu trữ tài liệu thống kê, về bảo mật thông tin thống kê.

*. Mức phạt tiền áp dụng cho các hành vi vi phạm từ 300 nghìn đến 30 triệu đồng. Đặc biệt, phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi phổ biến thông tin thống kê sai sự thật; tiết lộ thông tin thống kê trong phiếu, biểu điều tra thống kê, báo cáo thống kê và dữ liệu hành chính, dữ liệu thống kê gắn với tên, địa chỉ cụ thể của từng cá nhân, tổ chức khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó.

Kh.V

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/luat-thong-ke-nam-2015-giai-quyet-duoc-nhung-bat-cap-gi-cua-luat-thong-ke-nam-2013-611541.bld