Luật sư Phan Văn Trường: Trọn vẹn tấm gương một trí thức tiên phong

Ngày 8/10, Tọa đàm 'Vai trò của Luật gia, Luật sư, Doanh nhân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường và Tiến sĩ, Luật sư Phan Anh' đã được tổ chức tại Hà Nội.

Ngày 8/10/2023, Câu lạc bộ Doanh nhân họ Phan phối hợp với Liên Đoàn Luật sư Việt Nam; Hội Luật gia Việt Nam; Trung tâm Khoa học pháp lý và Quyền tác giả - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Quỹ Xã hội Phan Anh, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Vai trò của Luật gia, Luật sư, Doanh nhân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường và Tiến sĩ, Luật sư Phan Anh”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm “Vai trò của Luật gia, Luật sư, Doanh nhân trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ - Luật sư Phan Văn Trường và Tiến sĩ - Luật sư Phan Anh”.

Buổi Tọa đàm diễn ra nhân kỷ niệm 10 năm ngày Pháp luật Việt Nam; 78 năm ngày truyền thống luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2023); ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Tham dự tọa đàm có khoảng 200 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học pháp lý, luật sư, luật gia, doanh nhân tiêu biểu. TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (giữa) đồng chủ trì Tọa đàm.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, TSKH. Phan Xuân Dũng cho hay, tại Tọa đàm này chúng ta làm rõ thêm các khái niệm, đặc điểm, vai trò, bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Buổi tọa đàm cũng làm sâu sắc hơn thân thế, sự nghiệp của Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường, và Tiến sĩ, Luật sư Phan Anh.

Tại buổi tọa đàm, thân thế sự nghiệp của Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường và Tiến sĩ, Luật sư Phan Anh được các đại biểu phân tích dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Đặc biệt, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ công lý, tạo lập nên truyền thống cho nghề luật sư ở Việt Nam của hai tấm gương sáng về trí tuệ và nhân cách này đã được các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học pháp lý, luật sư, luật gia, doanh nhân… phân tích, chỉ ra những giá trị tiến bộ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, nổi bật là sự khôn khéo trong vận dụng pháp luật trong quá trình hoạt động cách mạng.

Tiến sĩ, Luật sư Phan Văn Trường (1876 - 1933) tại xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội, trong một gia đình khoa bảng.

Ông được ghi nhận là vị luật sư đầu tiên của Việt Nam. Trong thời gian học tập và hành nghề luật sư tại Pháp, ông còn tích cực hoạt động yêu nước và giao lưu, bảo vệ nhiều người Việt Nam có cùng chí hướng. Ông thường xuyên liên hệ với Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và các nhà trí thức tiến bộ, cùng tham gia các hoạt động cách mạng.

Tại Paris, hai chí sĩ họ Phan đã lập ra “Hội đồng bào thân ái”, tập hợp những người Việt Nam sinh sống học tập lao động tại Pháp. Ông là người dịch ra tiếng Pháp những tư tưởng của Phan Châu Trinh.

Khi Nguyễn Ái Quốc đến Pháp, gặp Phan Văn Trường, thì chính nhà luật sư Việt kiều yêu nước này đã hỗ trợ Bác trong việc diễn đạt ra Pháp văn những ý tưởng chính luận của Bác một cách hùng hồn. Cái tên Phan Văn Trường cùng với Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đã hợp thành bộ ba thường xuyên có mặt trong các báo cáo mật của cơ quan an ninh Pháp.

Cuối năm 1923, ông từ bỏ tất cả về nước kết hợp giữa pháp lý với báo chí để tiếp tục đấu tranh cho độc lập dân tộc. Ông mở một văn phòng luật sư tham vấn ở Sài Gòn, đồng thời cùng với Nguyễn An Ninh xuất bản báo Chuông rè (La Cloche Fêleé) và Nước Nam (L'Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn để đấu tranh chống thực dân Pháp.

Ông mất ngày 23/4/1933, ở tuổi 57 khi ý định tiếp tục cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp trên mặt trận báo chí công khai chưa kịp thực hiện.

Tại buổi Tọa đàm, nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận: “Sống chưa tròn một hoa hội, nhưng cuộc đời của Phan Văn Trường trọn vẹn là tấm gương một trí thức tiên phong và kiên định trên con đường cứu nước bằng chính trí tuệ và phẩm cách của mình, của một luật gia phụng sự không mệt mỏi cho cái nguyên lý cao cả nhất của thời đại chúng ta, chính là nền dân chủ cho mọi dân tộc”.

Tiến sĩ, Luật sư Phan Anh (1912 - 1990), người xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Trước 1945, ông là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Đông Dương, luật sư, giáo sư Trường Thăng Long (Hà Nội), tham gia phong trào bình dân và truyền bá quốc ngữ.

Sau cách mạng tháng Tám (1945), ông là Chủ tịch Ủy ban Kiến thiết quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, Tổng Thư kí phái đoàn Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự Hội nghị Phôngtennơblô (6/7 - 13/9/1946).

Từ năm 1947 - 1976, ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Bộ Công Thương, Bộ Thương nghiệp, Bộ Ngoại thương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 - 1990); Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam và Ủy viên Thường vụ Hội luật gia dân chủ quốc tế (1955 - 1990); Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Việt Nam (1976 - 1986); Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới (1978 - 1990).

Ông là đại biểu Quốc hội khóa II - VIII, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VII. Với những cống hiến của mình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Kỷ niệm chương “Bảo vệ hòa bình” của Liên hợp quốc, Huy chương Vàng Giôliô Quyri của Hội đồng Hòa bình thế giới.

Mời quý độc giả xem video: "Kỷ niệm 40 năm Vusta". Nguồn: Kiến Thức.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/luat-su-phan-van-truong-tron-ven-tam-guong-mot-tri-thuc-tien-phong-1909050.html