Luật sư nêu tình tiết mâu thuẫn trong vụ án 'con ruồi giá 500 triệu' cần lật lại

Trong đơn Kiến nghị giám đốc thẩm bổ sung vụ con ruồi trong chai nước Number One (sản phẩm của Công ty Tân Hiệp Phát), các luật sư đã chỉ ra những điểm không rõ ràng và cho rằng có căn cứ cho thấy khả năng Võ Văn Minh bị gài bẫy trong việc bị buộc tội cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát.

Võ Văn Minh bị kết án 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản khi đòi Tân Hiệp Phát đưa tiền đổi lấy chai nước ngọt có ruồi

Ngày 26.6, luật sư Phạm Hoài Nam (đoàn luật sư TP.HCM) cho biết đã có đơn gửi Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao về vụ án của Võ Văn Minh tống tiền Công ty Tân Hiệp Phát.

Theo đơn Kiến nghị bổ sung, luật sư Nam và đồng nghiệp cho rằng có căn cứ cho thấy khả năng Võ Văn Minh bị gài bẫy trong việc bị buộc tội cưỡng đoạt tài sản của công ty Tân Hiệp Phát.

Cụ thể, tại biên bản giao nhận quyết định tạm giữ thể hiện Võ Văn Minh bị tạm giữ vào hồi 14 giờ ngày 27.1.2015. Trong khi đó, tại biên bản bắt người phạm tội quả tang lại thể hiện Võ Văn Minh bị bắt lúc 15 giờ 30 phút cùng ngày (muộn hơn 90 phút). Câu hỏi được đặt ra là tại sao Võ Văn Minh đang bị tạm giữ lại bị bắt quả tang?

Đồng thời, tại biên nhận (nhận 500 triệu đồng của Tân Hiệp Phát) Võ Văn Minh ký tên và ghi rõ việc nhận tiền tại xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Nhưng tại biên bản bắt người phạm tội quả tang lại thể hiện Võ Văn Minh nhận tiền tại quán giải khát Hương Quê, tọa lạc tại xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Luật sư Nam khẳng định đây là hai tình tiết quan trọng nhưng mâu thuẫn với nhau và có thể ảnh hưởng đến bản án. Trong đơn khiếu nại trước đó, luật sư Nam và luật sư Nguyễn Kiều Hưng đã chỉ ra 7 vấn đề, qua đó đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Cụ thể, 7 điều được nêu như sau:

1. Hành vi của Minh có phải là “thủ đoạn khác” đủ để uy hiếp tinh thần của Tân Hiệp Phát?

2. Tân Hiệp Phát có bị uy hiếp tinh thần hay không? Ai là người bị uy hiếp?

3. Xác định hoàn cảnh dẫn đến số tiền bị chiếm đoạt có phải do bị uy hiếp hay do Tân Hiệp Phát tạo chứng cứ để bắt ông Minh? Từ đó xem xét số tiền này dùng để làm tình tiết định khung là có căn cứ hay không?

4. Xác định thỏa thuận bán chai nước có ruồi của Minh với Tân Hiệp Phát có phải là giao dịch dân sự thông thường? Có trái pháp luật hay không?

5. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì hành vi của Minh ở giai đoạn nào của tội phạm: Chuẩn bị phạm tội? Phạm tội chưa đạt hay tội phạm hoàn thành?

6. Xác định động cơ, mục đích của Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Tiền Giang khi cho luật sư của bên bị hại tham gia dự buổi hỏi cung, từ đó có cơ sở khắc phục các thiếu sót, xử lý trách nhiệm và rút kinh nghiệm.

7. Xem xét lại quy trình thu giữ bảo quản và giám định vật chứng (chai nước có ruồi) có vi phạm tố tụng hay không? Kết quả giám định cần phải cụ thể hơn, nắp chai có bị mở ra, đóng lại hay không? Thay vì chỉ nói chung chung là bị “biến dạng”, “vết trượt, xước…”.

Ngày 8.9.2016, phiên tòa phúc thẩm bị cáo Võ Văn Minh (SN 1980, quê Tiền Giang) về tội Cưỡng đoạt tài sản đã diễn ra. Sau gần một ngày xét hỏi, tranh luận, Hội đồng xét xử sau khi nghị án đã tuyên y án 7 năm tù giam đối với bị cáo này về tội danh nói trên. Hội đồng xét xử nêu rõ vì đơn kháng cáo của bị cáo Minh là kêu oan nên không được giảm nhẹ hình phạt.

Theo nội dung vụ án, ngày 5.12.2014, Võ Văn Minh đã gọi điện cho Công ty Tân Hiệp Phát nói rằng đang giữ chai nước do công ty sản xuất có con ruồi bên trong. Minh yêu cầu để đổi lấy sự im lặng và “tang vật” thì Công ty Tân Hiệp Phát phải đưa Minh 1 tỉ đồng. Minh còn nói thêm nếu không nhận được số tiền như yêu cầu sẽ đưa thông tin này cho báo chí, in tờ rơi để Công ty Tân Hiệp Phát bị mất uy tín.

Sau khi nhận được thông báo về vụ việc, Ban giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát đã cho nhân viên xuống tận nơi thương lượng với Minh. Ban đầu nhân viên công ty muốn đổi chai nước bằng những sản phẩm khác tương ứng nhưng không được chấp nhận. Sau 3 lần trao đổi vào các ngày 6.12.2014, 16.12.2014 và 20.1.2015, hai bên đã đi đến thống nhất mức 500 triệu đồng. Sau đó, người đàn ông sở hữu chai nước "có ruồi" đã thỏa thuận thời gian và địa điểm giao chai nước và nhận tiền.

Đến ngày 27.1.2015, nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát tới gặp Minh đưa tiền nhằm lấy lại chai nước cùng thỏa thuận thống nhất việc “im lặng”. Những lần trao đổi nói trên đều có văn bản rõ ràng, nhưng sau khi nhận tiền từ nhân viên Công ty Tân Hiệp Phát thì Minh bị công an bắt giữ và bị truy tố về hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Tại phiên tòa sơ thẩm từ ngày 18 - 19.12.2015, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử và tuyên phạt bị cáo Võ Văn Minh 7 năm tù giam về tội Cưỡng đoạt tài sản. Ngày 28.12.2015, Võ Văn Minh đã gửi đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm và được chấp nhận.

Tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho bị cáo Minh nhiều lần đặt câu hỏi về việc "hù" in 5.000 tờ rơi nói về việc chai nước có ruồi của Công ty Tân Hiệp Phát, cùng với việc thông tin cho báo chí... có trái quy định pháp luật hay không. Tuy nhiên, quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng hành vi đe dọa về mặt tinh thần là “sẽ cung cấp thông tin chai nước có ruồi cho báo chí để lấy số tiền 500 triệu đồng” đã đủ cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản mà bị cáo Minh bị tuyên phạt ở phiên sơ thẩm. Đây cũng là lý do Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm bác đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát từng nói rằng nếu bị cáo làm đơn "xin giảm nhẹ hình phạt" thì có thể đề nghị Hội đồng xét xử giảm mức án so với phiên sơ thẩm. Tuy nhiên, vì là đơn kêu oan nên Viện Kiểm sát đề nghị y án. Trong phần lời nói sau cùng, chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo "kêu oan hay xin giảm nhẹ tội", Minh trả lời rằng "kêu oan". Vị chủ tọa tiếp tục hỏi bị cáo còn lời nói sau cùng nào không thì bị cáo Minh trả lời ngắn ngọn là "không".

Hồ Đông

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/luat-su-neu-tinh-tiet-mau-thuan-trong-vu-an-con-ruoi-gia-500-trieu-can-lat-lai-65820.html