Luật lệ, chính sách và đời sống

Nước phải có kỷ cương và luật pháp chính là thứ công cụ để xác lập kỷ cương ấy. Song, để luật lệ đi vào đời sống, rất cần chính sách làm bệ đỡ để những đạo luật không chỉ là văn bản đơn thuần…

Ai đưa quy định lên trời?

Năm 2021, tôi đọc được một thông tin giật mình từ báo cáo của ngân hàng nhà nước: gần 10 năm từ khi luật phòng chống rửa tiền ra đời, có một quy định trong đó chỉ tồn tại hoàn toàn trên giấy một thập kỷ.

Điều 20 của Luật Phòng chống rửa tiền 2012 quy định rất kỹ về việc trách nhiệm phòng chống rửa tiền của các công ty luật, văn phòng công chứng.

Điều 20 của Luật Phòng chống rửa tiền 2012 quy định rất kỹ về việc trách nhiệm phòng chống rửa tiền của các công ty luật, văn phòng công chứng. Họ phải xây dựng quy chế nội bộ phòng chống rửa tiền, và hàng năm tổ chức kiểm toán nội bộ để nộp lại cho Cục Phòng chống rửa tiền.

Nhưng báo cáo đã chỉ ra rằng trong gần 10 năm luật có hiệu lực, không hề có bất cứ một văn phòng luật hay văn phòng công chứng nào thực hiện xây dựng quy chế hay đơn giản là nộp kiểm toán nội bộ. Quy định về chuyện này hoàn toàn… cho vui.

Tôi đem chuyện này hỏi một người bạn là giám đốc công ty luật, anh trả lời lý do đơn giản rằng thực tế vào thời điểm ban hành, chuyện rửa tiền là một cái gì đó chỉ có trên… phim ảnh: “Rửa cốc rửa ly còn biết chứ rửa tiền ai mà hình dung ra. Cơ quan quản lý cũng không nhắc nhở thường xuyên. Công tác tuyên truyền để các công ty luật biết là có cái quy định như thế cũng không có”.

Anh chỉ phát hiện ra là có cái quy định như thế khi hợp tác làm một vụ với một công ty kiểm toán nước ngoài có tiếng. Các tập đoàn nước ngoài rất quan tâm đến việc tuân thủ hành lang pháp lý nước sở tại.

Có một quy định nữa cũng chỉ tồn tại trên giấy tờ cũng chừng ấy thời gian là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (2012): khoản 6 điều 9 quy định rằng không được bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Nhưng thực tế là ở bất cứ cửa hàng bách hóa nào, bạn cũng có thể bắt gặp vài thiếu niên đầu xanh đầu đỏ mua thuốc hút phì phèo. Hoặc một cậu nhóc lũn cũn đưa tiền cho người bán hàng và cầm bao thuốc về vì “bố cháu bảo đi mua”. Những cảnh như thế phổ biến đến mức giờ đây, chúng ta không còn chất vấn lại tính hợp lý của nó nữa. Thậm chí bạn còn có thể đồng cảm. Chẳng hạn nếu người bán hàng hỏi chứng minh thư của người mua, thì tự nhiên khung cảnh lại trở thành… bất thường. Ai lại nghiêm trọng đến mức ấy, vì một bao thuốc lá.

Có một quy định khác cũng đang có nguy cơ rơi vào cảnh này: Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định rằng các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước không được phép thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể, hoặc sử dụng nó không đúng mục đích. Thực tế đang diễn ra như thế nào? Thông tin cá nhân liên tục bị tuồn ra ngoài cho các doanh nghiệp khai thác, thậm chí từ chính người của nhà mạng. Khi đi mua hàng ở bất cứ đâu, nhân viên sẽ đều hỏi số điện thoại của bạn, và đa số chúng ta sẽ dễ dàng cung cấp cho họ.

Quá trình nghiền nát tính thực tiễn của một văn bản pháp luật diễn ra từng ngày, từng giờ như thế: ban đầu, chúng ta cố gắng khuếch đại tính nghiêm túc của nó và tuyên truyền như thể đấy là điều quan trọng nhất trong hệ thống văn bản; sau đó, các thông lệ xã hội bắt đầu bảo rằng không được đâu, làm sao mà người ta thi hành nổi chuyện này; bước cuối cùng, cơ quan quản lý không nhắc nhở, giám sát, và ngừng luôn tuyên truyền. Thế là một văn bản chết.

Trong quá trình đọc lại Luật Phòng, chống rửa tiền, tôi đọc được cả các điều khoản liên quan đến cách rửa tiền thông qua tiền điện tử. Văn bản này đã đi trước thời đại: trong vài năm trở lại đây, đây là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Kỹ thuật lập pháp, trong trường hợp này, làm tôi rất ngạc nhiên.

Nếu rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật từ trước đến nay của Việt Nam, bạn có thể sẽ phải “ố”, “á” liên tục kiểu thế. Hóa ra chúng ta lập pháp không hề tệ: rất nhiều ngõ ngách của đời sống đã được pháp luật quy định, và dù chúng được ban ra đã lâu, vẫn không hề lỗi thời. Nhưng làm sao để văn bản đó sống được trong thực tế lại là một câu chuyện khác. Bạn có thể đổ lỗi cho ý thức người dân và thông lệ xã hội, những thứ đã gặm nhấm sức sống của văn bản từng ngày. Nhưng việc các cơ quan quản lý chấp nhận nó như một thực tế, mới biến sự lờ đi ấy thành một cái gì đó “hợp pháp”.

Phạm An

Chính sách trên mây

Mấy người Mông đứng trên bức tường đất của căn nhà cũ. Mấy chục năm trước, cả gia đình đã đứng đúng ở vị trí đó, độ cao đó, cùng “trình” đất xuống thành bức tường che nắng mưa. Mấy chục năm trước, họ đã dựng căn nhà trình tường theo lối kiến trúc của tổ tiên.

Những ngôi nhà trình tường bằng đất ngày càng hiếm hoi ở miền núi.

Nhưng hôm nay họ đứng đó, trên bức tường chỉ còn một nửa, hai tay cầm xà beng phang cật lực xuống để phá nó đi. Họ đang phá nhà trình tường theo sự khuyến khích của chính quyền.

Logic rất đơn giản, một cộng một bằng hai. Bộ Xây dựng từ lâu ban hành tiêu chí “3 cứng” cho nhà ở nông thôn, gồm nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng. Nhà trình tường, và rất nhiều lối kiến trúc truyền thống khác, gồm cả nhà sàn, nhà rông,… của nhiều vùng đồng bào dân tộc ít người không nằm trong bộ tiêu chí “3 cứng” này.

Và để địa phương về đích chương trình Nông thôn mới, chính quyền sở tại khuyến khích bà con thay thế nhà truyền thống bằng những căn nhà “3 cứng”.

Đó là một logic tàn nhẫn: một căn nhà xây bằng gạch xỉ, lợp mái fibrocement, những vật liệu công nghiệp rẻ tiền ngột ngạt vào mùa hè và lạnh buốt vào mùa đông vẫn đảm bảo tiêu chí. Còn một căn nhà trình tường với những bức tường dày 60-80cm, loại vật liệu được giới kiến trúc toàn cầu ca ngợi về khả năng tạo vi khí hậu, mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, cần phải được phá bỏ.

Những bức tường đất là một di sản văn hóa – chúng là một trong những vật liệu cổ xưa nhất để kiến tạo nên những nền văn minh. Nhưng hơn thế, chúng còn là một loại vật liệu với nhiều ưu điểm. Nhiều kiến trúc sư tại các quốc gia phát triển đang xây dựng những resort hay biệt thự đồ sộ bằng đất nén.

Có thể phương thức xây dựng thủ công của đồng bào không đảm bảo được độ “cứng” của những căn nhà. Nhưng chưa từng có ai, và thật ra cũng chẳng ai có trách nhiệm nghiên cứu cải thiện phương thức sử dụng cái vật liệu có tính di sản đó. Phá di sản đi và thay bằng mấy viên gạch ba banh là xong.

Tôi đã mô tả khung cảnh những người Mông ở vùng Si Ma Cai phá căn nhà trình tường của mình từ năm 2016. Tôi đã phân tích sự vô lý của bộ tiêu chí Nông thôn mới kia. Hồi ấy, nhiều độc giả chua xót. Bảy năm trôi qua, tôi lại mới nghe thấy một phân tích y hệt trong hội thảo – từ các nhà văn hóa và kiến trúc sư. Lần này, tôi thấy có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đáp lời, ghi nhận ý kiến.

Bảy năm đó, đã có bao nhiêu căn nhà xây theo lối kiến trúc truyền thống bị đập đi? Bảy năm sau, với lời “ghi nhận ý kiến” của Bộ trưởng, liệu việc này có dừng lại?

Đôi khi, có những chính sách được thiết kế không cần phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Và trừ khi xung đột đủ mạnh để biến họ thành những người khiếu nại, tạo ra những cuộc thanh tra… những chính sách này cứ lẳng lặng tồn tại.

Ngay trong bộ tiêu chí Nông thôn mới thôi, có bao nhiêu quy định “cứng” đã được phân tích suốt thập niên qua là không phù hợp với thực tiễn, nhưng nó cứ ở đó, và tạo ra những tình huống buồn thảm ở đây và ở kia. Có phải xã nào cũng cần chợ, và xã nào cũng cần “nhà văn hóa” không? Chắc chắn là không: tìm chợ kiên cố bỏ hoang ở vùng nông thôn bây giờ còn dễ hơn tìm cửa hàng tiện lợi.

Tôi vừa đi Bắc Giang. Ở đó, anh chủ nhiệm hợp tác xã người Nùng phấn khởi khoe với tôi cái nhà đất anh xây. Nhà đất cũng là một truyền thống văn hóa riêng biệt của người Nùng, với lối bài trí không gian đặc trưng. Nhưng cái nhà ấy giờ anh chỉ để bày đồ cổ. Tóm lại là để chơi. Anh có 20 héc-ta vải organic xuất khẩu; và trang trại của anh là một khu du lịch sinh thái, nên anh có điều kiện chơi thế thôi. Kiến trúc truyền thống đã được xếp vào diện trưng bày – ngay trong chính cộng đồng của nó.

Nhà trình tường, hay là nhà đất (adobe house) nói chung, đã có vô số giải pháp kiên cố hóa – bằng việc phối trộn vật liệu, bằng công nghệ thi công mới, sử dụng máy móc. Và ngay cả những người nông dân chưa được học về marketing, cũng hiểu rằng trên đồi, giữa vườn cây, mọc lên căn nhà màu vàng đất với bề mặt có những vết rạn tự nhiên, là một dạng tài nguyên. Chúng sinh lợi cho họ, sinh lợi cho vùng đất, và nếu nghĩ kỹ về di sản, mấy căn nhà đó có lợi ích của quốc gia.

Nhưng chính sách không được thiết kế để linh hoạt đến mức độ đó. Nó được thiết kế, lâu nay, bởi một thái độ nổi tiếng tên là “không quản được thì cấm”. Liệt kê ra những thứ từng bị cấm vì nhà quản lý không biết phải ứng xử thế nào cho linh hoạt, thì thành một cuốn từ điển có thể gối đầu ngủ trưa.

Thập kỷ trước, taxi công nghệ còn từng bị xử lý vì không biết quản kiểu gì. Cái may của taxi công nghệ, so với nhà trình tường, là bởi nó được tạo ra bởi các tập đoàn công nghệ tỉ đô. Tôi có thời được chứng kiến những tập đoàn này đi vận động chính sách để hợp pháp hóa – với sự tư vấn của một lực lượng luật sư cùng một đội ngũ truyền thông hùng hậu và đắt tiền.

Người Nùng và người Mông, cùng những tiếc nhớ của họ, không có người đại diện xịn như thế. Mấy bác xích lô du lịch ở Hà Nội – dù đã vào khuôn khổ và có môn bài – đến lúc người ta thấy… khó quản cũng đòi cấm, tất nhiên cũng không có nguồn lực mà cãi. Còn rất nhiều lực lượng trong xã hội, vì không phải là lực lượng kinh tế tỷ đô để gân cổ lên cãi, cứ âm thầm làm theo những chính sách không quan tâm đến thực tiễn.

Hậu quả rất khó đo lường. Vì có lúc, chính sách sống đủ lâu để thành thực tiễn. Những cộng đồng người Mông, người Hà Nhì, người Nùng đến một ngày chẳng còn cái nhà trình tường nào trong cộng đồng nữa. Bộ mặt của nền văn minh, thế là, có thể được quyết định bằng trí tuệ của một anh chuyên viên ngoài Hà Nội.

Đức Hoàng

Công lý phải được thực thi nhưng…

Hà Nội những ngày này có gì lạ? Sẽ không thiếu người trả lời câu hỏi này bằng ý “Các quán bia vắng hẳn người, những vỉa hè đã thông thoáng hẳn”. Đó chính là kết quả của một quá trình nỗ lực và liên tục lập lại kỷ cương của pháp luật thông qua các chiến dịch đo nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông và dẹp sạch vỉa hè.

Do vướng cơ chế, nhiều bệnh viện đã từng không thể sử dụng những thiết bị y tế hiện đại để điều trị cho bệnh nhân.

Cũng đã có những người ngạc nhiên khi đọc báo có tin một người đi bộ băng qua đường không đúng vạch chỉ dẫn, không theo đèn tín hiệu đã bị xử lý. Và không ít người bật cười khi nghe được chuyện người phụ nữ chuyên nấu rượu bị đo nồng độ cồn và xử phạt khi đang đi xe đạp. Các xử lý kể trên là đúng luật. Song, chúng ta ngạc nhiên, hoặc bật cười, vì nó chưa từng diễn ra ở Việt Nam bao giờ. Cơ bản, tự bản thân mỗi chúng ta vốn dĩ đã mang theo mình một suy nghĩ “phiên phiến với luật” nhiều thập niên qua. Có thể nói, tinh thần chấp pháp của đại đa số người Việt là chưa cao. Và một khi sống giữa một xã hội thiếu thượng tôn pháp luật đến thế, chuyện lập lại kỷ cương là quá cần thiết, đúng đắn và kịp thời.

Nhưng chúng ta cũng có thể dễ dàng hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu các chiến dịch kể trên qua đi. Đâu lại vào đó? Tập quán cũ rích sẽ lại trỗi dậy? Sự vô tổ chức trong đời sống thường nhật sẽ lại hiện hình? Biện minh cho nó, không ít người tặc lưỡi “Ừ thì đời sống nó phải thế. Con người ta phải mưu sinh trước đã chứ”. Mà chuyện chiến dịch qua đi là chuyện không xa lạ gì. Lực lượng Công an không thể chỉ dồn sức cho mỗi một nhiệm vụ đo nồng độ cồn và lập lại trật tự vỉa hè. An ninh công cộng còn bao nhiêu thứ phải giải quyết. Còn cả trăm nhiệm vụ khác nữa vẫn đang chờ họ mỗi ngày mà trong đó có những nhiệm vụ nếu không thực hiện ngay chắc chắn sẽ để lại những bức xúc, hiểu lầm không đáng có từ người dân. Chiến dịch ra quân mà lực lượng Công an làm đầu tàu chỉ là để phát động một ý thức, tạo dựng một tập quán mới. Để tập quán ấy hình thành, để ý thức ấy bền chặt, rất cần nhiều đơn vị khác trong bộ máy công quyền phải cùng tham gia chứ không thể phó mặc cho Công an mãi được.

Một trong những thứ góp phần tạo dựng nên ý thức và tập quán kể trên phải là chính sách. Chính sách phải đặt người dân làm trọng tâm để người dân nhận thấy lợi ích cận kề của mình trong đó. Từ quan điểm ấy, chính sách mới có thể trở thành bệ đỡ cho luật pháp và giúp cho lực lượng chấp pháp giảm áp lực.

Đơn cử như câu chuyện vỉa hè. Kể từ Nghị định 36 hồi thập niên 90 cho tới việc Phó chủ tịch UBND quận 1, TP Hồ Chí Minh ngày ngày đi “tuần” ở các vỉa hè cách đây vài năm, chúng ta chưa có một chính sách nào thực tế đủ để tự người dân có ý thức giữ gìn vỉa hè thông thoáng cả. Sau đợt ra quân rầm rộ, khi thu quân rồi, ghế đẩu; bàn trà; gánh gồng… lại bày đầy vỉa hè và người đi bộ tiếp tục xuống lòng đường như thường lệ. Như vậy là lỗi nằm ở luật pháp, ở người chấp pháp hay nằm ở chính sách? Xin thưa, lỗi nằm ở chính sách 100%.

Chưa có một quy hoạch cụ thể nào, ở bất kỳ một đô thị nào ở Việt Nam, chỉ ra rõ ràng khả năng khai thác kinh doanh dịch vụ vỉa hè cả. Mà việc ấy thực tế không khó. Vỉa hè rộng tối thiểu bao nhiêu thì được khai thác kinh doanh dịch vụ ở phạm vi bao nhiêu là một phép tính không cần phải được đào tạo chuyên môn quá phức tạp. Những khu phố đặc trưng nào thì dân được khai thác vỉa hè để kinh doanh dịch vụ cũng không phải là bài toán đánh đố. Thứ được xem là bài toán duy nhất chỉ là nếu được phép khai thác, các chính sách thuê mướn cụ thể sẽ như thế nào. Vô tình, khi thiếu vắng những chính sách như thế, các chính quyền địa phương đã để mất đi một nguồn thu khổng lồ, đặc biệt là ở các tỉnh thành khai thác du lịch, và tạo lỗ hổng để nạn tham nhũng vặt lộng hành.

Ở các nước khác, tại các đô thị thu hút du khách, kinh doanh vỉa hè là vàng. Chính quyền các đô thị ấy thường áp dụng chính sách cho thuê có điều kiện ngặt nghèo. Cụ thể, người thuê phải lên bản kế hoạch chi tiết sẽ kinh doanh ngành nghề gì; sẽ đặt bao nhiêu bộ bàn ghế trong khoảng thời gian nào trong ngày; hình ảnh mẫu mã loại bàn ghế mà họ mong muốn sử dụng; diện tích đặt bàn ghế nằm trong phạm vi nào… Từ đó, sau khi được duyệt, đơn giá thuê sẽ tính theo diện tích và số lượng bộ bàn ghế được cấp phép. Song song với đó là kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Chỉ cần sai phạm, chủ kinh doanh sẽ bị thu hồi giấy phép theo thời hạn hoặc vĩnh viễn tùy theo mức độ sai phạm của mình. Paris chính là một đô thị đã khai thác quá tốt chính sách kiểm soát kinh doanh vỉa hè này và theo ước tính, nguồn thu từ vỉa hè của chính quyền thủ đô nước Pháp tương đương GDP một nước nhỏ ở châu Âu.

Quay lại với Hà Nội, nếu song song với chiến dịch ra quân làm sạch lại vỉa hè là một chính sách khai thác vỉa hè cụ thể của UBND Thành phố, chắc chắn người dân sẽ hưởng ứng bởi họ nhìn thấy cái lợi lâu dài của mình nằm ở đó. Và một khi nguồn sống của những người bám vỉa hè mà sống không bị ảnh hưởng, thái độ của họ với những chiến dịch kể trên cũng sẽ rất khác. Còn lúc này, tất cả những gì người dân đang làm chỉ là chờ. Họ chờ cho đợt ra quân qua đi để rồi họ lại đâu vào đấy với nếp quen bao nhiêu năm vốn có.

Câu chuyện vỉa hè chỉ là chuyện nhỏ. Câu chuyện y tế thời gian qua mới đáng quan tâm hơn. Đối với mua sắm trang thiết bị y tế, theo quy định cũ, bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá. Trong điều kiện không tham khảo được 3 báo giá và các tài liệu tham khảo theo quy định khác thì không có quy định giao cho chủ đầu tư quyết định xây dựng giá kế hoạch lựa chọn nhà thầu… Việc đấu thầu vật tư, thiết bị y tế rõ ràng rất cần được thực hiện nghiêm túc, minh bạch, nhất là sau một đại án như Việt Á. Song, có những thiết bị y tế thuộc diện độc quyền từ hãng sản xuất nên dẫn tới không thể nào có đủ 3 bảng báo giá cho một đợt mở thầu. Điều đó đã khiến một số bệnh viện lớn phải lựa chọn có thể ngưng một số hoạt động y khoa quan trọng. Chỉ đến khi Chính phủ ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30 mới cơ bản giải quyết được những vấn đề mà nhiều bệnh viện gặp phải về mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, giúp các bệnh viện hoạt động bình thường trở lại.

Lord Mansfield (William Murray), Chánh án Tòa án tối cao Hoàng gia Anh hồi thế kỷ 18, từng có một tuyên bố lịch sử khi ông xử vụ Sommerset. “Fiat justitia ruat cealum”, câu nói của ông, trong tiếng Latin có nghĩa là “Công lý phải được thực thi dù thiên đường có sụp đổ”. Nó thể hiện một ý chí tuân thủ luật lệ tối thượng. Song, luật lệ có thể cứng nhắc đến mức khiến những thứ khác cũng quan trọng không kém trong đời sống phải “sụp đổ” hay không? Với người dân, một cuộc sống ổn định có thể là thiên đường và công lý vẫn phải được thực thi mà thiên đường ấy không bị sụp đổ. Đấy mới là thách thức lớn với những người hoạch định chính sách, những người vốn dĩ đang ỷ lại vào các công cụ luật pháp nhiều năm qua. Và cũng chính Lord Manànield, ở phiên tòa kể trên, đã tuyên rằng “luật lệ là để diễn giải thấu đáo chứ không phải để thực thi đơn thuần”. Để diễn giải thấu đáo, tất nhiên rất cần sự gần gũi với đời sống mà giữa luật lệ và đời sống là gì? Là những chính sách khiến cộng đồng tâm phục khẩu phục.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/luat-le-chinh-sach-va-doi-song-i689742/