Lũ quét, sạt lở đất khó lường, cần chuẩn bị đồ dự phòng khẩn cấp nào để ứng phó?

Trước khi thiên tai xảy ra, trong mỗi gia đình, đặc biệt là chủ hộ cần chủ động có kế hoạch để ứng phó; Chuẩn bị các đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bị cô lập khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

33 điểm "nóng" về lũ quét, sạt lở

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 6 giờ qua (từ 01-07h/18/8) tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu đã có mưa vừa, mưa to: La Pan Tẩn 62,4mm (Lào Cai), Tân Phượng 60,8mm (Yên Bái), Tả Lèng 43,4mm (Lai Châu)… Trong 6 giờ tới, tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm.

Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Lai Châu đặc biệt các huyện: Lào Cai: Mường Khương, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên, Văn Bàn; Yên Bái: Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên; Lai Châu: Tam Đường, Mường Tè, Sìn Hồ, Tân Uyên....

Người dân cần chuẩn bị các phương án ứng phó với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn dài ngày.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sạt lở đất có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới và nó có thể lan rộng hơn bất kỳ hiện tượng địa chất nào khác. Chúng xảy ra khi khối lượng lớn đất, đá hoặc mảnh vụn di chuyển xuống dốc do hiện tượng tự nhiên hoặc hoạt động của con người.

Một số khu vực dễ bị sạt lở nhất gồm: Nơi có địa hình dốc, bao gồm các khu vực thấp nhất của hẻm núi; vùng đất từng hứng chịu cháy rừng; vùng đất đã bị biến đổi do hoạt động của con người, chẳng hạn như phá rừng hoặc xây dựng; các con kênh dọc theo suối hoặc sông.

Sạt lở đất có thể gây ra tỷ lệ tử vong và thương tích cao do nước và mảnh vụn chảy xiết. Mỗi năm, thế giới ghi nhận hàng nghìn người thiệt mạng do sạt lở đất. Tại Mỹ, con số này rơi vào khoảng 25-50 người/năm. Nguyên nhân tử vong phổ biến nhất trong các vụ lở đất là chấn thương hoặc ngạt thở do mắc kẹt. Sạt lở đất cũng có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế và các dịch vụ thiết yếu như nước, điện hoặc đường dây thông tin liên lạc.

Người dân ở các khu vực nếu trên nếu nghi ngờ có nguy hiểm sắp xảy ra, hãy sơ tán ngay lập tức. Nếu có thể, hãy thông báo cho những người hàng xóm cũng có thể chịu ảnh hưởng của sạt lở. Ngoài ra, cần báo tin cho cơ quan chức năng, cơ quan phòng chống thiên tai... Lắng nghe xem có âm thanh bất thường cho thấy các mảnh vụn đang di chuyển hay không, chẳng hạn như tiếng gãy cây hoặc đất đá va vào nhau.

Đề phòng bị cô lập khi bị lũ quét, mưa lớn

Theo PGS.TS. Trần Tân Văn, chuyên gia địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, độ ổn định sườn dốc thường do ba nhóm yếu tố quyết định, đó là: Hình thái sườn dốc, thí dụ độ dốc, chiều cao, các chiều dài, rộng… Tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc, thí dụ ở các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ có chiều dầy lớn, tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá hủy kết cấu khi bão hòa nước, có thể xếp vào loại đất "có vấn đề".

Khi mưa lớn, nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt. Những đợt mưa lớn, kéo dài ngày khiến đất đá bị bão hòa chính là yếu tố "kích hoạt" trực tiếp gây sạt trượt. Tại những nơi có địa hình dốc và các hoạt động nhân sinh như san gạt lấy mặt bằng xây nhà cửa, công trình, làm đường sá…, làm mất chân sườn dốc sẽ có nguy cơ trượt lở cao khi mưa lớn kéo dài ngày khiến đất đá bị bão hòa.

Hiện nay, Tổng cục Khí tượng Thủy văn có cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại địa chỉ http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn/ với 3 mức cảnh báo trung bình, cao và rất cao tương ứng với màu vàng, đỏ và tím. Người dân có thể truy cập vào địa chỉ này để cập nhật về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất mới nhất tại địa phương mình sinh sống.

Theo chuyên gia, trước khi thiên tai xảy ra, trong mỗi gia đình, đặc biệt là chủ hộ cần chủ động có kế hoạch để ứng phó với thiên tai. Đặc biệt là chủ động phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong gia đình để chuẩn bị các đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bị cô lập khi lũ quét, sạt lở đất xảy ra.

Các đồ dự phòng khẩn cấp cụ thể như sau: Sử dụng túi không thấm nước để đựng quần áo dự phòng, diêm/bật lửa, nước uống, thực phẩm khô, đuốc, giấy tờ quan trọng, kiểm tra định kỳ mọi thứ trong túi để bảo đảm rằng các đồ vật cần thiết luôn luôn trong tình trạng tốt và sẵn sàng sử dụng. Chú ý bảo vệ các đồ quý giá, giấy tờ quan trọng và để cùng với các dụng cụ cần thiết; bảo đảm đủ thức ăn và nước trong ít nhất một tuần ở vị trí cao và an toàn. Chuẩn bị các công cụ phục vụ thông tin, liên lạc như: Loa cầm tay, đài caset, kẻng, trống… để truyền thông tin khi có dấu hiệu xuất hiện lũ quét, sạt lở đất.

Xác định trước cách di chuyển ra khỏi nhà khi xuất hiện dấu hiệu của lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời xác định phương tiện để di dời và địa điểm sẽ đến. Chủ động tìm hiểu các khu vực dòng chảy, kênh thoát nước, hẻm núi và các khu vực khác có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Đồng thời, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác nếu sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở, gần sông, suối, khu vực sườn đồi, núi có độ dốc lớn, đất đá kém ổn định cần chủ động phòng, tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy cơ, tạm thời đến những nơi an toàn trú ẩn.

Chủ động sơ tán người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ trước khi có cảnh báo xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Khi làm nhà ở cần tránh những vị trí có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất như: Sườn đồi núi có độ dốc lớn, đất đá kém ổn định, vùng trũng, thấp ven sông suối, khu vực từng xảy ra lũ quét, sạt lở đất...

Người dân cần phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác định vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chủ động tham gia các hoạt động phòng, ngừa thiên tai tại địa bàn cư trú; tham gia ý kiến vào kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai của cấp thôn, bản. Không lưu thông qua những đoạn đường dốc có nguy cơ sạt lở cao hoặc khu vực ngầm, tràn có nước chảy siết; không vớt củi, bắt cá, lội qua suối,… khi đang có mưa, lũ.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lu-quet-sat-lo-dat-kho-luong-can-chuan-bi-do-du-phong-khan-cap-nao-de-ung-pho-169230818092914092.htm