Lũ lụt kinh hoàng ở các tỉnh Bắc miền Trung

Hàng chục người chết, mất tích và bị thương; hàng ngàn con gia súc, gia cầm chết; hàng vạn ngôi nhà, héc-ta hoa màu chìm ngập trong biển nước… đó là những gì đã và đang diễn ra tại các tỉnh Bắc miền Trung. Đói rét, bệnh tật đang cận kề đối với người dân vùng ngập lũ. Hiện, Đảng, Chính phủ và chính quyền địa phương đang ra sức nỗ lực tiếp cận vùng ngập lũ, cũng như có các phương án khắc phục hậu quả sau cơn lũ.

Nước lũ mênh mông tại H. Vĩnh Linh.

Bàng hoàng vì lũ dữ…

Có mặt tại rốn lũ Hương Khê (Hà Tĩnh), chúng tôi chứng kiến mưa trắng trời, nước lũ mênh mông, hàng ngàn ngôi nhà, tài sản, hoa màu của người dân các xã Lộc Yên, Phương Mỹ, Phương Điền, Hương Thủy... chìm sâu trong nước lũ từ 1- 3m. Để tiếp cận các nhà dân, phương tiện duy nhất là dùng thuyền đi men theo các dòng sông. Theo người dân địa phương, nguyên nhân họ chịu thiệt hại lớn ngoài việc mưa to, thì việc thủy điện Hố Hô bất ngờ xả lũ trong đêm khiến họ trở tay không kịp. Ông Mai Hải Tấn, trú xóm 5 xã Lộc Yên, bất bình: “Khoảng 10 giờ tối ngày 14- 10 do mưa lớn và thủy điện xả lũ nên chỉ sau một thời gian ngắn nước đã ngập gần lên đến mái nhà. Nước dâng quá nhanh, đa số người dân chỉ kịp chạy lấy người, nhiều đồ đạc do bị động nên chìm ngập hư hỏng hết”. Lũ về bất ngờ vào ban đêm nên người dân bất lực nhìn nhà cửa, tài sản trôi theo dòng nước lũ. “Đêm tối nước lũ từ thượng nguồn đổ về ào ào, thấy đồ đạc, vật nuôi bị dòng nước cuồn cuộn cuốn trôi nhưng đành bất lực đứng nhìn. Xót xa quá!” - chị Đặng Thị Sen, trú xã Lộc Yên bàng hoàng nhớ lại. Nước lũ lên quá nhanh, tài sản, hoa màu đều bị cuốn trôi hết khiến cuộc sống của người dân ở vùng rốn lũ đang phải đối diện với chồng chất khó khăn. “Đồ đạc, hoa màu bị nước cuốn hết cả rồi, sắp tới không biết lấy gì để sống qua ngày nữa”- chị Nguyễn Thị Hương, trú xã Phương Mỹ kêu trời.

Trong chuyến thị sát tình hình mưa lũ tại H.Hương Khê, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã tới làm việc với BQL thủy điện Hố Hô, qua đó yêu cầu nhà máy điều tiết xả ở mức tối thiểu cho phép, tránh ngập lụt cho vùng hạ du, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hồ. Ngay sau khi nhận sự chỉ đạo, căn cứ vào lượng mưa và lượng nước trong hồ, Nhà máy thủy điện Hố Hô đã cho giảm lưu lượng xả lũ từ 270m3/s xuống còn 150m3/s.

Lực lượng CA tỉnh Quảng Bình chuẩn bị nhu yếu phẩm để tiếp cận vùng lũ.

Trường THPT Phúc Trạch, Quảng Bình dọn dẹp sau lũ.

Vỡ đê ngăn mặn

Tại Quảng Bình, lũ dữ tràn qua nhiều làng mạc gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Khoảng 3 giờ ngày 16-10, mưa lớn những ngày qua đã khiến 20m tuyến đê ngăn mặn tại xã Bắc Trạch (H. Bố Trạch, Quảng Bình) vỡ tràn tại vị trí cống 4 cửa xả Bắc Trạch. Tuyến đê ngăn mặn xã Bắc Trạch có chiều dài 1.300m, được xây dựng từ năm 2015 từ nguồn vốn Trung ương. Đây là tuyến đê xung yếu ngăn mặn liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp của các xã vùng ngoài huyện Bố Trạch như Bắc Trạch, Mỹ Trạch, Hạ Trạch và Thanh Trạch. Tuyến đê ngăn mặn bị vỡ gây nguy hại đến các hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, khiến nhiều hộ dân tại đây hoang mang, lo lắng.

Trận mưa lớn lịch sử từ ngày 13 đến 15-10 đã khiến nhiều hệ thống đê kè, kênh mương thủy lợi trên địa bàn Quảng Bình bị thiệt hại nặng. Đặc biệt là tại H. Lệ Thủy, mưa lũ đã làm hư hỏng 30km kênh mương, khối lượng đê bao bị sạt lở 3.000m3 và khe cát bị vùi lấp là 20.000m3; H. Minh Hóa đập Trầm (xã Hồng Hóa) bị vỡ, gây hư hỏng 30m kênh mương. Hồ cây Trâm (xã Hướng Hóa, H. Tuyên Hóa) cũng bị tràn, ống bị trôi, kênh mương bị vùi lấp hư hỏng nặng...

Vào khoảng 8 giờ ngày 16-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng hải, Quân khu IV và Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã cứu nạn thành công 4 thuyền viên trên tàu hàng ND 2626 chở Clinke thuộc Cty Vận tải Thương mại Trường Thành đang bị nạn do bão lũ gây ra tại cửa sông Gianh (thuộc H. Quảng Trạch, Quảng Bình)… Tàu hàng ND 2626 khi neo đậu tránh trú gió tại cửa sông Gianh đã bị lũ lớn đẩy rê neo gây mắc cạn, cô lập giữa bốn bề sóng nước. Mặc dù phát hiện sớm nhưng việc tiếp cận để thực hiện công tác cứu nạn gặp khó khăn do tàu bị mắc kẹt trên vùng bãi cạn, có sóng to, gió lớn, dòng nước lại chảy xiết.

Tại khu vực cửa Gianh, hiện nay, 3 tàu vận tải khác cũng của Công ty Vận tải Thương mại Trường Thành đang gặp phải tai nạn, trong đó, có một tàu bị mắc cạn, hai tàu bị chìm với 5 thuyền viên mất tích. Hiện lực lượng Cục Hàng hải, Quân khu IV và Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đang tích cực phối hợp thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn 5 thuyền viên mất tích; đẩy mạnh việc xác định vị trí, tọa độ của tàu chìm để cắm biển cảnh báo cho các tàu thuyền tránh khỏi vùng nguy hiểm.

Thủy điện Hố Hô xả lũ.

Lũ dâng cao bất thình lình

Tại Quảng Trị, ngày 16–10, vẫn có mưa lớn từng đợt, ghi nhận tại H. Vĩnh Linh, địa bàn ngập lụt nặng nhất Quảng Trị trong đêm 14 và ngày 15–10, nước lũ đang rút. Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND H. Vĩnh Linh cho biết giao thông tại các xã bị ngập nặng là Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy và Vĩnh Long cơ bản đã được giải phóng dù trước đó đều bị cô lập, gián đoạn và hơn 1.000 nhà dân, cơ sở trường học, trạm y tế tại các xã này đều bị nước lũ bủa vây, trong đó khoảng 500 ngôi nhà bị nước ngập từ 1m trở lên.

“Cả ngày 14–10 không mưa mấy, đến đêm thì mưa lớn, nhiều đợt kéo từ 1 giờ đến 4 giờ ngày 15 – 10. Bỗng dưng nước tràn vô nhà rồi dâng lên ngập ghế, giường. Có nhà ngập sâu 1,5m. Nước lên nhanh, cảm tưởng có hồ chứa nào đó bị vỡ hoặc hồ đập Bảo Đài xả lũ mạnh. Ai nấy chạy lũ, cấp tập cứu lúa, gia súc, may mà người già, trẻ em đã được sớm sơ tán trước đó” - anh Lê Văn Thủy, xã Vĩnh Lâm nhớ lại. Trao đổi vấn đề này, ông Trần Hữu Hùng cho biết: “Đã chủ động các phương án phòng chống lụt bão, sơ tán người dân mà chủ yếu là trẻ em và người già đến nơi an toàn từ sớm. Trong đêm 14 rạng sáng 15 – 10 lượng mưa lớn, đặc biệt trên thượng nguồn đổ về dữ dội gây ngập lụt diện rộng, không có chuyện vỡ hồ đập trên địa bàn hay hồ chứa xả nước đột ngột.

Hồ Bảo Đài đã có kế hoạch và thông báo xả nước điều tiết cụ thể”. Ông Hồ Xuân Hòe, Phó GĐ Sở NN và PTNT Quảng Trị kiểm tra tình hình các hồ chứa tại Vĩnh Linh cũng cho biết hồ Bảo Đài có dung tích thiết kế 25,5 triệu m3, gần trưa 15 – 10 thì lượng nước tại hồ đã vượt qua dung tích thiết kế, đạt 30 triệu m3, đến thời điểm đó buộc xả nước 4 cửa, tổng lưu lượng xả là 100m3/giây. Ngày 16–10, việc xả nước tại hồ chứa trên cũng đã ngừng. Công tác dọn dẹp, khắc phục sau lũ đang khẩn trương.

Lũ vẫn còn cao ở xã Phương Mỹ, H. Hương Khê, Hà Tĩnh.

CAH Tuyên Hóa (Quảng Bình) trao mỳ tôm cho người dân vùng lũ.

Nỗ lực cứu thành công 4 thuyền viên tàu HD 2138 vào bờ an toàn.

Nhà chị Dương Như Hải ở Hương Trạch, H. Hương Khê tan hoang sau lũ.

Những cái chết thương tâm

Sáng ngày 16- 10, ông Nguyễn Thái Dương- Chủ tịch UBND thị trấn Nghèn, H. Can Lộc (Hà Tĩnh) cho biết, do ngày chủ nhật được nghỉ học, em Nguyễn Văn Bảo (2009) và Nguyễn Đình Vũ (2008, là anh em họ, đều trú thị trấn Nghèn) rủ nhau ra cánh đồng chơi. Do nước lớn, Bảo và Vũ không may bị sẩy chân. Khi người thân phát hiện sự việc thì bé Bảo đã tử vong. Bé Vũ được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng cũng không qua khỏi.

Sáng cùng ngày, người dân P.Quảng Thuận, TX Ba Đồn (Quảng Bình) đã tìm thấy thi thể 2 anh Nguyễn Văn Hà (1973, trú tổ dân phố Chùa, P.Quảng Thuận) cùng con gái là Nguyễn Thị Kiều Linh (1998). Trước đó, khoảng 21 giờ ngày 14- 10, anh Hà và con gái ra bờ sông Gianh ven P.Quảng Thuận để thả lưới bắt cá. Sau đó, hai cha con anh Hà đã bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với gia đình nạn nhân tổ chức an táng 2 bố con theo phong tục địa phương.

Nước không ngừng dâng, chị Nguyễn Thị Loan (1981, trú P. Đại Nài, TP Hà Tĩnh) chèo thuyền đi mua bọc ni-lông về bọc lúa. Tuy nhiên, do nước chảy xiết, chiếc thuyền bị lật khiến chị tử vong. Được biết, hoàn cảnh gia đình chị Loan cực kỳ khó khăn. Chồng đi làm ăn xa, chị ở nhà nuôi 2 con nhỏ và mẹ chồng ngoài 70 tuổi. Sự ra đi của chị Loan để lại sự tiếc thương vô vàn cho gia đình, người thân và bà con chòm xóm.

Rất nhiều trường hợp tử vong do thiên tai như anh Lê Văn Thân (48 tuổi, trú xã Lý Trạch, H.Bố Trạch, Quảng Bình) bị sét đánh vào ngày 14- 10; bà Nguyễn Thị Dương (1939, trú P.Quảng Long, thị xã Ba Đồn) tử vong do ngã khi leo lên sửa mái nhà bị dột; bà Võ Thị Lài (1966, trú xã Võ Ninh, Quảng Ninh) bị đuối nước do lốc xoáy làm lật thuyền...

Nỗ lực khắc phục hậu quả

Sáng 16- 10, tại Hương Khê, một số điểm tại các xã Hương Đô, Hương Trạch, Lộc Yên nước lũ đã rút, để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Tại nhà chị Dương Như Hải (xã Hương Trạch), nước lũ đi qua, các đồ dùng gia đình hầu như trôi hết, chỉ còn lại bàn ghế, giường tủ nằm ngổn ngang. Cố hất đám bùn non ra khỏi nhà, chị Hải chua xót cho biết: “Lũ về quá nhanh nên không kịp trở tay. Thôi thì của đi thay người. Giữ được tính mạng là may mắn lắm rồi”.

Tại điểm trường THPT Phúc Trạch, khi nước rút, thầy và trò cùng nhau vệ sinh môi trường, lau dọn bàn ghế để chuẩn bị cho buổi học đầu tuần. Tại điểm Trường Mầm non Hương Đô, bị ngập khoảng 3m, nhiều trang thiết bị đồ dùng dạy học hư hỏng nặng, hơn 30m tường rào bị sập đổ. Trường Tiểu học Hương Phúc và Trường Tiểu học Hương Trạch, nước dâng cao gây ngập úng hơn 1m, hơn 30m tường rào cũng bị sập đổ. Nước rút, các cô giáo và chính quyền địa phương đã vào dọn dẹp, vét bùn, lau rửa bàn ghế, đồ dùng phục vụ công tác dạy học... Được biết, trên địa bàn H. Hương Khê có 15 Trường THCS, Tiểu học và Mần non bị ngập; đến nay, có 10 trường nước đã rút dần.

H. Tuyên Hóa là một trong những điểm được xem là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Bình. Theo ghi nhận, mặc dù nước đã rút nhưng tại một số điểm trường học và nhà dân vẫn đang trong tình trạng ngập.

Tại điểm Trường THCS Văn Hóa, nước lũ đi qua đã để lại thảm cảnh bùn đất lầy lội từ phòng học cho đến toàn bộ sân trường. Thầy Lê Hải Châu- Hiệu phó nhà trường cho biết: “Nước lũ dâng cao đột ngột khiến nhà trường không kịp trở tay. Chúng tôi đã cố gắng di chuyển tất cả những thứ có thể lên các phòng tầng trên để giảm bớt thiệt hại. Nhưng có nhiều vật dụng cố định không thể di chuyển bị ngâm nước hư hỏng hết”. Cũng Theo thầy Châu, toàn trường có tất cả 176 học sinh, khi nhận được thông tin về lũ thì trường đã kịp thời thông báo cho học sinh nghỉ học để tránh sự cố đáng tiếc, rất may toàn trường không có thương vong về người.

Đối diện với Trường THCS Văn Hóa là Trường Mầm non Văn Hóa. Cô giáo Trần Thị Bích Hạ- Hiệu trưởng cho biết: “Toàn bộ cơ sở vật chất như đồ dùng học tập của các cháu, giáo án giảng dạy của giáo viên đều bị hư hỏng hết”. Theo cô Hạ, trước khi lũ tới toàn bộ bàn ghế và các dụng cụ cần thiết đã được di chuyển lên tầng 2 của trường nhưng nước lũ dâng quá cao ngập luôn cả tầng trên nên tất cả đều bị ướt và hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Cũng trong sáng nay, nhiều phụ huynh đã đến trường phụ dọn dẹp lại bàn ghế và các vật dụng cần thiết cho nhà trường.

Nhóm P.V thời sự

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 16-10, mưa lũ trong những ngày qua tại các tỉnh miền Trung gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã làm 15 người chết (Nghệ An 2 người, Hà Tĩnh 2 người, Quảng Bình 9 người, Thừa Thiên-Huế 2 người); 9 người mất tích (Hà Tĩnh 1 người, Quảng Bình 8 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 3 người, Thừa Thiên-Huế 2 người).

Mưa lũ cũng làm 7 nhà bị sập; tổng số nhà hiện còn ngập: 98.215 nhà; diện tích lúa bị ngập: 1.598ha; hoa màu bị ngập: 9.143 ha.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_156188_lu-lu-t-kinh-hoa-ng-o-ca-c-ti-nh-ba-c-mie-n-trung.aspx