Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9): Nâng cao hiệu quả xử lý bom, mìn trên địa bàn Tây Nam

Những năm qua, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) đã khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả việc xử lý bom, mìn trên địa bàn

Xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là nhiệm vụ đặc thù với độ nguy hiểm và mất an toàn cao. Địa hình ở các khu vực bị ô nhiễm bom rất đa dạng, phức tạp; quá trình tác nghiệp, cán bộ, chiến sĩ phải lặn ngụp trong các vùng nước ô nhiễm, dò tìm trong sình lầy, độc hại, khiêng vác bom, đạn, vật nổ trên địa hình hiểm trở...

Những năm qua, Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) đã khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả việc xử lý bom, mìn trên địa bàn

Trả lại màu xanh cho đất

Trung tuần tháng 7-2022, trong lúc đang điều khiển máy xúc để cải tạo nền ao tôm của gia đình, ông Lê Văn Chăm, 54 tuổi, ngụ tại phường 1, thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) phát hiện vệt dầu loang nổi lên. Đào sâu hơn, ông Chăm thấy nhiều khối kim loại nên đã lấy để bán sắt vụn. Ngay khi phát hiện sự việc, lực lượng chức năng đã tổ chức xác minh, phong tỏa, bảo vệ hiện trường, đồng thời báo lên cấp trên để xử lý. Qua khảo sát, lực lượng chức năng phát hiện đó là nhiều bộ phận của xác máy bay có ký hiệu “US.NAVI” cùng thông tin nhà sản xuất, năm sản xuất...

Lữ đoàn Công binh 25 tổ chức tìm kiếm, thu hồi mảnh vỡ của xác máy bay tại thị xã Duyên Hải (Trà Vinh).

Được sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân khu 9, Lữ đoàn Công binh 25 đã cử lực lượng, phương tiện đến hiện trường để tổ chức tìm kiếm, thu hồi hầu hết các mảnh vỡ của xác máy bay; đặc biệt còn xử lý thành công quả bom 250 LBS ở độ sâu 5m nằm chung với các mảnh vỡ của xác máy bay. Trước đó, tháng 6-2020, Đội rà phá bom, mìn, vật liệu nổ của Lữ đoàn Công binh 25 đã tổ chức vận chuyển một quả bom hóa học từ tỉnh Đồng Tháp đến bãi hủy nổ tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) theo phương án vận chuyển vũ khí hóa học, bảo đảm an toàn tuyệt đối...

Thượng tá Vi Đức Hân, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 25, cho biết: “Với phương châm lãnh đạo toàn diện, chỉ huy thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm an toàn tuyệt đối, Đảng ủy, Ban chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, chủ trương, biện pháp, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trên cơ sở đó, giáo dục bộ đội hiểu rõ ý nghĩa, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ, nắm chắc địa bàn hoạt động... qua đó nhận thức tốt nhiệm vụ, phát huy trách nhiệm cao nhất”.

Từ năm 2017 đến nay, Lữ đoàn Công binh 25 đã dò tìm, thu gom, xử lý hủy nổ an toàn hơn 93 tấn bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có 269 quả bom trọng lượng từ 100 đến 1.000 LBS đủ chủng loại, bảo đảm an toàn, làm sạch gần 1.500ha đất. Cùng với đó, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ dò tìm vật nổ, bảo đảm an toàn cho các sự kiện chính trị, kinh tế lớn diễn ra trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đơn vị tổ chức dò tìm, di chuyển, phá hủy các loại bom, mìn, làm sạch đất cho những công trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 vận chuyển bom, mìn về nơi tập kết.

An toàn được đặt lên hàng đầu

Đứng chân trên địa bàn các khu vực bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ đa dạng, phức tạp, gây khó khăn cho cơ động triển khai lực lượng và phương tiện làm nhiệm vụ, quá trình tác nghiệp, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 phải lặn ngụp trong các vùng nước ô nhiễm, dò tìm trong sình lầy, độc hại, khiêng vác bom, đạn, vật nổ trên địa hình hiểm trở tác động đến tâm lý, sức khỏe.

Do vậy, cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, Lữ đoàn tập trung huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ thuần thục kỹ năng dò tìm, xử lý, khả năng nhận biết chủng loại bom, mìn cũng như sử dụng thành thạo các loại trang bị, phương tiện.

Song song với đó, Lữ đoàn yêu cầu lực lượng đảm nhiệm luôn quán triệt, thực hiện nghiêm các quy tắc an toàn, tuân thủ quy trình xử lý từng kiểu loại bom, mìn, vật nổ. Thực tiễn cho thấy, ngoài quy trình xử lý chung như dò tìm, tập kết, vận chuyển và hủy nổ, mỗi đợt làm nhiệm vụ đều có những vấn đề riêng do điều kiện địa hình, thời tiết, chủng loại bom, mìn chi phối... nên các tổ, đội phải tính toán, dự liệu chi tiết, không chủ quan, bỏ qua bất kỳ khâu, bước nào.

Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển, tập kết và xử lý luôn đặt lên hàng đầu trong từng bước, động tác; nhất là sắp xếp, gói buộc, di dời cẩn thận cũng như không để sót vật liệu nổ sau khi hủy.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 25 huấn luyện kỹ thuật dò tìm, xử lý bom, mìn.

Thượng tá Đỗ Văn Trường, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 25, chia sẻ: “Mỗi khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, khảo sát nơi phát hiện bom, mìn, vật nổ; thống kê đầy đủ chủng loại, thống nhất kế hoạch, biện pháp di dời, vận chuyển và các phương án bảo đảm an toàn. Quá trình xử lý, đơn vị thường phải di dời, vận chuyển bom, mìn trên quãng đường xa, qua nhiều loại địa hình nên phải hiệp đồng cụ thể, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự và nhân dân các địa phương ở địa bàn có bom, mìn cũng như trên các cung, chặng đường vận chuyển. Thời gian qua, đơn vị đã dò tìm, di dời, vận chuyển nhiều loại bom, mìn, vật nổ bảo đảm an toàn tuyệt đối, được các cấp và địa phương trên địa bàn đánh giá cao”.

Thượng tá Trần Đình Công, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 25, cho biết thêm: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu để xảy ra sai sót thì có thể phải đổ máu, thương vong, do vậy sau từng khâu, từng bước dò tìm, thu gom, vận chuyển, hủy nổ, chúng tôi tổ chức rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả xử lý, bảo đảm an toàn. Trong đó, chú trọng làm rõ nguyên nhân thiếu sót, quy trách nhiệm đối với từng tập thể, cá nhân; đồng thời làm tốt công tác động viên, khen thưởng và các chế độ đãi ngộ với lực lượng làm nhiệm vụ”.

Theo số liệu chưa đầy đủ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Hành động bom, mìn Quốc gia (VNMAC) ước tính, hiện nay số bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn; tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom, mìn là hơn 6,1 triệu héc-ta.

Riêng ở địa bàn Quân khu 9, các địa phương còn ô nhiễm nhiều là: Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh... Cuộc chiến với tử thần còn sót lại sau chiến tranh chưa có hồi kết, nhưng những kết quả và kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ dò tìm, thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ thời gian qua là cơ sở để Lữ đoàn Công binh 25 tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt làm sạch địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long.

Bài và ảnh: QUANG ĐỨC

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-cong-binh-25-quan-khu-9-nang-cao-hieu-qua-xu-ly-bom-min-tren-dia-ban-tay-nam-743442