Lớp học tiếng Khmer đặc biệt ở Sóc Trăng

Khi tiếng ve kêu báo hiệu mùa hè đến, các em nhỏ người Khmer ở Sóc Trăng lại háo hức cắp sách tới chùa học chữ. Lớp dạy miễn phí từ những người thầy đặc biệt trong tấm áo tu hành không chỉ cung cấp cho các em kiến thức mà còn góp phần bảo tồn, gìn giữ tiếng mẹ đẻ và những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Rộn ràng học tiếng Khmer

Chúng tôi đến chùa Serey Tamon (còn được gọi là chùa Tà Mơn) ở ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào một sáng mùa hè tràn ngập nắng và gió phương Nam. Ở gian phòng rộng chừng 50 m2 phía bên trái ngôi chánh điện uy nghi, sừng sững, đồ sộ với nét đặc thù rất tiêu biểu cho kiến trúc Khmer truyền thống, hơn 30 em nhỏ đang say sưa đánh vần chữ Khmer theo lời giảng của sư Kim Chí Thành (29 tuổi).

Chưa kịp để chúng tôi hỏi, Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Serey Tamon đã tiết lộ, hè năm nay, chùa có 4 lớp học cho trẻ em Khmer gồm: 2 lớp 1 với trên 100 học sinh, 1 lớp 2 với 40 học sinh và 1 lớp 3 với 7 học sinh. Các lớp được tổ chức trong 2 tháng rưỡi với 3 người thầy là các nhà sư trong chùa. Vì là lớp học miễn phí nên trẻ em theo học nơi đây sẽ được các Phật tử trong các ấp, phum, sóc trang bị sách, vở, dụng cụ học tập.

Lớp học chữ Khmer do sư Kim Chí Thành giảng dạy tại chùa Serey Tamon.

“Trước khi nghỉ hè 2-3 tháng, chùa đã thực hiện một “chiến dịch vận động”, cử người đến từng gia đình ở các ấp, thôn xung quanh, kêu gọi bà con cho con em mình theo học tiếng Khmer. Ban đầu, cũng gặp nhiều khó khăn do bà con còn ngại ngùng, nhất là lo lắng về chi phí học. Sau, biết các lớp học được miễn phí, con em mình được học chữ Khmer, được giảng dạy về đạo lý làm người, bà con phấn khởi lắm và càng ngày càng có nhiều người cho con em theo học. So với những năm trước, mùa hè năm nay, số lượng các em đến chùa học chữ Khmer tăng gần gấp đôi. Do đó, nhà chùa cũng bố trí phòng học, sắp xếp thời gian, chia lớp cho phù hợp theo từng lứa tuổi để giúp các em dễ học và tiếp thu”, Thượng tọa Trần Văn Tha nói.

Trao đổi thêm về quá trình dạy chữ Khmer cho các em, sư Kim Chí Thành cho hay, lớp sư đang dạy hiện tại đều là các học sinh mới. Để giúp các em làm quen với tiếng Khmer, sư dạy từ việc nhận biết chữ cái cho đến cách đánh vần. Các lớp cao hơn mới tập đọc, học viết; cao hơn nữa thì học các môn văn hóa như Toán, Văn, Lịch sử... bằng tiếng Khmer. Song song với việc dạy tiếng Khmer, các sư còn dạy học sinh về văn hóa của người Khmer, cách đối nhân xử thế, lòng biết ơn, giáo lý nhà Phật... Qua đó, giúp các em nâng cao kiến thức, rèn luyện nhân cách để trở thành những người sống có ích cho gia đình và xã hội.

Để giúp các em làm quen với tiếng Khmer, các sư thường giảng dạy từ việc nhận biết chữ cái cho đến cách đánh vần.

Ngồi ngay bàn đầu, em Danh Thị Trình (12 tuổi, xã Viên Bình, huyện Trần Đề) hồ hởi kể về việc ngày nào cũng được đến chùa học và vui chơi cùng các bạn. Trình cho biết, ở trường em cũng được học tiếng Khmer, nhưng mỗi tuần chỉ có 1 tiết nên em chưa thạo. Học tại chùa, em được chỉ dạy rất kỹ, từ chữ cái đến phát âm, đánh vần... Còn em Lý Mạnh Hân (14 tuổi, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), đi học cùng em gái 10 tuổi thì tâm sự: “Em đã học tới lớp 4 rồi. Ở nhà nói tiếng Khmer nhưng không được dạy chữ. Đây là lần đầu tiên bố mẹ em cho hai chị em đi học chữ Khmer. Ngoài học chữ, giờ nghỉ, hai chị em lại dọn dẹp, quét dọn trong chùa...”.

Rời chùa Serey Tamon, chúng tôi đến thăm chùa Serey Kandal ở phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Đây là ngôi chùa có số học sinh đông nhất với gần 500 em đang theo học tiếng Khmer ở các trình độ khác nhau. Trong thời gian nghỉ hè, các sư trong chùa dạy tiếng Khmer từ 8h-10h và chiều từ 13h-15h30. Em nào theo học cũng được yêu cầu cố gắng tham gia 6 buổi một tuần. Em Triệu Chí Quân (thị xã Vĩnh Châu) phấn khởi kể: “Từ khi nghỉ hè đến nay, được cha mẹ cho đi học chữ Khmer tại chùa Serey Kandal, em cảm thấy vui lắm. Khi sư thầy dạy, em cố gắng lắng nghe, đọc và viết theo. Những chữ cái em viết chưa đúng thì được sư thầy cầm tay hướng dẫn rất nhiệt tình. Qua 2 tuần theo học, bây giờ em đã đọc được nhiều chữ cái, biết thêm được nhiều điều hay về tiếng Khmer”.

Các lớp học ở chùa Sro Loun được trang bị màn hình led, máy tính... phục vụ công tác giảng dạy.

Trong khi đó, tại chùa Tepearam Preychop ở xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, các lớp học tiếng Khmer được bố trí dạy vào buổi chiều tất cả các ngày trong tuần và cả thứ Bảy, Chủ nhật. Thạch Huy Sa (13 tuổi, vừa từ Campuchia trở về Việt Nam được chừng 5 tháng) phấn khởi khoe với chúng tôi: “Trước đây, em chưa từng được học chữ. Nhưng, giờ em biết chữ và biết viết cả tên của mình. Ở chùa, em có bạn nên được chơi trốn tìm, tắm mưa thích lắm”. Ngoài giờ học, Huy Sa quét dọn, giúp đỡ những việc vặt trong nhà chùa.

Giữ gìn và lan tỏa

Hòa thượng Thạch Huôn, Ban Chứng minh - Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Tepearam Preychop chia sẻ: “Chùa không chỉ là địa chỉ sinh hoạt tôn giáo của đồng bào mà còn là nơi giảng dạy giáo lý và chữ viết cho các tăng sinh và con em Phật tử trong phum, sóc. Việc nhà chùa tổ chức các lớp giảng dạy và bồi dưỡng chữ Khmer góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc; đồng thời, giúp cho con em đồng bào có được môi trường sinh hoạt lành mạnh và trau dồi thêm vốn kiến thức. Lớp học chỉ kéo dài trong thời gian ngắn dịp nghỉ hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, ngược lại, còn giúp các em vừa biết chữ quốc ngữ, vừa biết chữ Khmer”.

Cũng theo Hòa thượng Thạch Huôn, cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các cơ sở tôn giáo, chức sắc, chức việc ở thị xã hoạt động; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, trong việc bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Khmer, chính quyền cũng đã hỗ trợ các kinh phí về giảng dạy và giúp các sư sãi trong chùa vận động bà con xung quanh cho phép con em mình được tham gia các lớp học tiếng Khmer vào dịp hè.

Trẻ em Khmer đạp xe đến chùa học tiếng dân tộc.

Đáng chú ý là bên cạnh các lớp hè dạy tiếng Khmer cho trẻ em trong vùng, nhiều chùa còn mở các lớp tiếng Khmer cho sư tăng. Như, tại chùa Sro Loun (còn gọi là chùa Chén Kiểu) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, lớp học được mở ra với mục đích vừa dạy giáo lý, kinh Phật, vừa đào tạo chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học xong chương trình này, các vị sư có thể học thêm ở cấp cao hơn tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ ở thành phố Sóc Trăng; ai xuất tu, rời chùa thì vào học tiếp ở các trường dân tộc nội trú nếu có điều kiện. Các lớp học ở đây được đầu tư trang thiết bị hiện đại như màn hình LED, máy tính để phục vụ công tác giảng dạy. Thầy giáo đứng lớp được nhà chùa mời về dạy đều có kinh nghiệm lâu năm...

Hòa thượng Tăng Nô, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc dạy và học chữ Khmer trong các nhà chùa ở Sóc Trăng đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết Khmer, giúp lớp trẻ tự hào về các phong tục truyền thống và văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình. Thời gian gần đây, tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm, đầu tư các khóa đào tạo tiếng dân tộc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con; có thể giao tiếp để hiểu tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn của bà con. Tỉnh đã giao cho Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ - đơn vị sự nghiệp sử dụng kinh phí toàn bộ của Nhà nước, nhiệm vụ là ngoài chức năng giảng dạy cho các tăng sinh, thực hiện thêm đề án đào tạo tiếng Khmer cho các cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh với chương trình giảng dạy 3 cấp: căn bản, nâng cao và biên, phiên dịch.

Các sư tăng tham gia lớp học tiếng Khmer vừa được giảng dạy giáo lý, kinh Phật, vừa được đào tạo chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Diện - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đang theo học lớp Pali nâng cao 2 cho biết: “Cán bộ hội phụ nữ như tôi thường xuyên đi công tác cơ sở và tiếp xúc với đồng bào nên phải trang bị kiến thức tiếng Khmer để phục vụ công việc. Đồng bào nhiều nơi ít biết tiếng Kinh nên hai bên khó tương tác, trò chuyện. Vì vậy, khi tôi tuyên truyền vận động đồng bào và chào hỏi bằng tiếng Khmer sẽ tạo được sự gần gũi, thân thiết, khiến đồng bào dễ dàng cởi mở hơn”.

Đồng quan điểm này, anh Lâm Văn Tiền, Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Tân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) nhấn mạnh: “Theo tôi, vấn đề học tiếng Khmer cần được nhân rộng, cán bộ biết được tiếng, chữ Khmer càng nhiều càng tốt. Không chỉ cán bộ dân tộc Khmer, cán bộ các dân tộc khác tại địa phương cũng cần biết thêm những vấn đề bản sắc, văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer”.

Sông Thương

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/lop-hoc-tieng-khmer-dac-biet-o-soc-trang-i721026/