Lòng tin vào vẻ đẹp di sản

Sau một năm chính thức đi vào hoạt động, Bảo tàng gốm cổ sông Hương và Lan viên cố tích của GS.TS. Thái Kim Lan đã trở thành địa chỉ 'phải đến' cho những người yêu văn hóa Huế, góp phần làm cho đời sống văn hóa của Huế giàu có hơn, sống động hơn, hiện thực hóa hoài bão từ thủa thanh xuân của bà.

Nhân dịp ra Hà Nội mới đây, GS.TS. THÁI KIM LAN đã dành cho PV Báo Đại biểu Nhân dân cuộc trò chuyện về quá trình bà dấn thân làm văn hóa, đánh thức di sản của cha ông.

Hiện thực hóa hoài vọng thuở thanh xuân

- Sau hơn 50 năm sống và làm việc ở Đức, bà đã trở về Huế “khởi nghiệp” ở tuổi 80, tạo dựng một địa chỉ văn hóa mới trên nền tảng ký ức và cội nguồn. Quyết định “làm văn hóa” sau nhiều năm nghiên cứu, trăn trở về văn hóa có ý nghĩa thế nào?

- Sau một thời gian dài nói về văn hóa, vận động về văn hóa, đi thuyết giảng về vai trò quan trọng của văn hóa trong tương quan với kinh tế, điều thú vị nhất của tôi là cuối đời lại có thể thực hiện được một số ý tưởng đưa ra từ thuở thanh xuân, những hoài vọng đặt ra trong lúc đi tìm bản lai diện mục văn hóa Việt Nam, làm được điều mà mình quảng bá từ lâu, đó là sáng tạo trên di sản. Câu nói này là một chủ đề tôi thường đi diễn thuyết và trăn trở, bây giờ sau những cuộc bể dâu, sau những cuộc đi sưu tầm, gìn giữ những cái mà mình quý nhất trong đời và thấy giá trị với Huế, với Việt Nam, cuối cùng công cuộc đó đã trở thành hiện thực.

Và như em nói, Thái Kim Lan “khởi nghiệp” rất muộn màng, nhưng sự khởi nghiệp này là kết quả của một quá trình âm thầm, không nói năng mà chỉ hành động, lượm lặt từng món đồ cổ, gìn giữ từng tấm áo, từng cái chén, từng nồi đồng vung méo... Tất cả giờ trở thành những bộ sưu tập và may thay, nhất là bộ sưu tập gốm cổ sông Hương, giờ đã có nơi cư ngụ, không còn lăn lóc ở góc nhà, vỉa hè nữa. Cái nơi cư ngụ đó suốt một năm nay trở thành địa chỉ tiêu biểu của sự tìm tòi và duy trì lại di sản, di sản của gia đình nói riêng, di sản của Huế nói chung và có thể là di sản của Việt Nam, mà cũng có thể nói là của thế giới nữa.

Dấn thân và không hình thức

- Bảo tàng gốm cổ sông Hương hiện được đánh giá là một bảo tàng tư nhân hoạt động khá sôi nổi, năng động tại Huế, thu hút sự chú ý cả của công chúng và các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa...?

- Bảo tàng gốm cổ sông Hương là sự kết nối lịch sử, lịch sử của một dòng sông, lịch sử của địa dư, lịch sử của truyền thống, lịch sử của tinh thần và vật chất mà Huế đang còn lưu giữ. Và từ đây, bảo tàng rất trẻ này đã có những hoạt động cụ thể, gây được chú ý của nhiều tầng lớp. Cơ quan quản lý văn hóa của Huế cũng thấy nơi đây rất ý nghĩa cho sự tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tiếp cận văn hóa của người trẻ và cũng là một điểm thu hút du khách về Huế.

Tuy nhiên, đối với tôi, chuyện thu hút du khách ít ý nghĩa hơn là làm thế nào để đời sống văn hóa của Huế được giàu có. Đó là hoài bão của tôi từ lúc đi học cho đến khi thành tài, làm nên sự nghiệp ở nước ngoài, luôn trăn trở để có những thí dụ điển hình giới thiệu về văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam.

Tôi rất vui khi có người đã nói đây là "cuộc phục hưng lộng lẫy".

- Để có “cuộc phục hưng lộng lẫy” đó hẳn cũng phải hy sinh?

- Đúng thế. Không dễ để xây dựng, nuôi sống và cho bảo tàng có một đời sống đặc biệt. Tuy nhiên, mọi cố gắng may thay lại được sự công nhận của công chúng. Mỗi cố gắng của mình trong mỗi triển lãm hay sinh hoạt văn hóa tại Lan viên cố tích thời gian qua đều mang ý nghĩa mà tiên phong, tìm cái khác trong cái cũ. Ví dụ việc tái hiện những nghi thức cổ như lễ thượng nêu, hạ nêu... mặc dù nhân viên ít, sức người có hạn, nhưng đã tạo ra được một thí dụ điển hình về sự trở về truyền thống mang tính văn hóa.

Làm thế nào để thổi hồn vào những hoạt động truyền thống đầy tính văn hóa đó là quan trọng, song cũng khó khăn nhất, nhưng mang đến rất nhiều thú vị và tâm đắc. Nhiều người nói lễ thượng nêu tại Lan viên cố tích khác với ở những nơi khác, vì luôn có sự sống, sinh khí. Tôi nghĩ đó là do mình làm trong tư cách một người dấn thân, một người đang có cảm xúc về câu chuyện chứ không chỉ là cờ xí, hình thức.

Phải “đụng chạm, trăn trở”, di sản mới lộ diện

- Khi quyết định lập bảo tàng tức là chia sẻ các bộ sưu tập của cá nhân và gia đình với cộng đồng. Nhưng các món đồ giá trị khi trưng ra cũng có rủi ro. Để quyết định như vậy, bà có phải đấu tranh với chính mình không và có lường trước những cái được và có thể cả mất?

- Điều này là dĩ nhiên rồi. Tôi luôn lo sợ về sự mất mát nào đó. Nhưng không hiểu sao tôi lại có một sự tin tưởng là nếu làm tốt và làm không chỉ riêng cho mình mà thành cái gì đó đẹp đẽ cho mọi người, thì sẽ thuyết phục được tất cả. Và tôi nghĩ với niềm tin như vậy mới đứng được, còn nếu luôn lo sợ và nghi ngờ thì không bao giờ làm được gì cả.

Tái hiện lễ thượng nêu tại Lan viên cố tích. Ảnh: FB nhân vật

Tái hiện lễ thượng nêu tại Lan viên cố tích. Ảnh: FB nhân vật

Việc tin tưởng này thoạt tiên có vẻ siêu hình, nhưng chính nhờ nó mà một dự án được thực hiện, và trong quá trình thực hiện, chính nó có sức mạnh thuyết phục sự tham gia của người khác khám phá ra tính thiện đang tiềm tàng và vẻ đẹp của công trình còn ẩn giấu. Dĩ nhiên có lúc mình cũng buồn và khổ sở vì hắn (bảo tàng)!

- Nhưng quá trình góp nhặt những hiện vật cổ xưa trong căn nhà xưa trên nền đất xưa để xây dựng bảo tàng, bà cũng được nhiều chứ, chẳng hạn như được trở lại, trò chuyện với tiền nhân?

- Trong quá trình nghiên cứu, ta hay nói sáng tạo trên di sản, nhưng khi dấn thân vào thực tế thì câu đó thoạt tiên có vẻ lý thuyết nhiều hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lại hiện ra một thực tế khác là quả nhiên ta trải nghiệm cảm giác sống được cái điều mình đã nói và nghĩ chỉ là lý thuyết mơ hồ. Trải nghiệm ấy chính là kết nối được với quá khứ và chính mình khám phá ra được những cái người đi trước đã làm có ý nghĩa như thế nào trong hiện tại. Phải đụng chạm, trăn trở với nó, thì di sản mới lộ diện và đó không còn là một khái niệm nữa mà là cụ thể.

Thành thử chính trong quá trình tu sửa và xây dựng bảo tàng, như tôi đã nhiều lần nói, mình có thể tiếp cận được với quá khứ, với người đi trước và hiểu được người đi trước hơn là khi chỉ nói điều ấy trên lý thuyết. Đây là một thành quả hay là một sở đắc thu lượm được và chính điều đó nuôi dưỡng lòng tin vào công việc của mình. Và lòng tin này chính là lòng tin vào vẻ đẹp của di sản.

- Mong mỏi nhất của bà hiện nay là gì, để Lan viên cố tích tiếp tục sứ mệnh của nó như bà mong muốn và dành tâm huyết?

- Cuối tháng 4.2023, tôi khai trương “Điểm gặp liên văn hóa” - Lan viên cố tích 2 tại 94-96-98 Bạch Đằng, TP. Huế, là không gian kết nối văn hóa Huế và quốc tế, tạo diễn đàn văn học nghệ thuật, giao lưu văn hóa Đông - Tây. Ý tưởng thì rất nhiều. Tôi mong muốn có sự ủng hộ tích cực của ngay cả các cộng tác viên và giới trẻ ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc cùng tôi.

- Xin cảm ơn bà?

Hương Linh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/long-tin-vao-ve-dep-di-san-i326979/