Lòng thành kính tri ân của người dân cuối trời Nam với cội nguồn

Nhiều năm qua, đền thờ Đức Quốc Tổ đã trở thành điểm đến tâm linh không thể thiếu của người dân nơi vùng đất Mũi Cà Mau. Hàng năm, lễ tri ân công đức Quốc Tổ Lạc Long Quân luôn được diễn ra nơi đây với không khí trang nghiêm thành kính nhất.

Bí thư Tỉnh Ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải thực hiện nghi thức thỉnh trống tại buổi lễ (Hoàng Nam)

Không khí trang nghiêm của ngày lễ đã được duy trì nhiều năm qua (Hoàng Nam)

Địa chỉ tâm linh của người dân Đất Mũi

Năm 2019, UBND TP Hà Nội đã xây dựng hoàn thành và trao tặng Cột cờ Hà Nội cho nhân dân tỉnh Cà Mau. Cột cờ đặt tại Đất Mũi linh thiêng, vừa là biểu tượng văn hóa, vừa có ý nghĩa quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Ngày khánh thành Cột cờ Hà Nội tại Đất Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau cũng tổ chức lễ khánh thành công trình đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và tượng Mẹ Âu Cơ tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau từ nguồn xã hội hóa.

Cùng với Đền thờ Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ, Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do nhân dân Thủ Đô trao tặng đã trở thành cụm quần thể công trình tâm linh đặc biệt tại Đất Mũi (Hoàng Nam)

Sự hiện diện của những công trình trên như “sợi chỉ đỏ” kết nối và tô thắm thêm tình đoàn kết gắn bó giữa Nhân dân Thủ đô Hà Nội với Nhân dân cả nước nói chung, với nhân dân Cà Mau và miền Nam ruột thịt nói riêng. Đã tạo thành một tổng thể công trình có ý nghĩa sâu sắc về văn hóa - lịch sử - truyền thống của dân tộc Việt Nam tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Điều này khẳng định chân lý tất cả chúng ta đều là cây một cội, là con một nhà, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.”

Mâm lê vật truyền thống của người Việt trong buổi lễ được làm từ sản vật ngon nhất, tốt nhất của Cà Mau (Hoàng Nam).

Kể từ ấy, những năm qua tổng thể các công trình đã trở thành cụm địa điểm tâm linh không thể thiếu đối với người Cà Mau, và đặc biệt là du khách khi đến với Đất Mũi Cà Mau. Lễ tri ân công đức Quốc Tổ Lạc Long Quân luôn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt về chính trị của tỉnh.

Năm nay, lễ tri ân đã được tỉnh tổ chức gắn với chương trình “Cà Mau - Điểm đến năm 2024", phần lễ và hội của lễ viếng và dâng hương, tri ân công đức Đức Quốc tổ Lạc Long Quân là chuỗi sự kiện đánh dấu mùa cao điểm kích cầu du lịch tại huyện Ngọc Hiển và tỉnh Cà Mau. Đây còn là dịp để người dân và du khách tham quan, trải nghiệm tại Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, hòa mình cùng thiên nhiên rừng - biển, thăm cột mốc tọa độ quốc gia, điểm cuối đường Hồ Chí Minh, cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau… Nhân dịp này, Ban tổ chức đẩy mạnh các hoạt động gắn kết, quảng bá, giới thiệu đến du khách về nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân Cà Mau.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, 73 tuổi, một cựu chiến binh đến từ Cần Thơ cho biết, đền thờ Đức Quốc Tổ tại Mũi Cà Mau là một đặc biệt. “Vì khi đặt chân đến nơi cuối bản đồ Việt Nam mới càng cảm nhận và tự hào có dòng máu dân tộc con rồng cháu tiên đang chảy rực trong lòng người Việt: 50 con lên rừng, 50 con xuống biển” – ông Trần Thanh Sơn xúc động nói.

Tấm lòng những người con nơi cuối cùng Tổ quốc

Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau (VHTT&DL) phối hợp với UBND huyện Ngọc Hiển tổ chức lễ viếng và dâng hương, tri ân công đức Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại Đền thờ Lạc Long Quân (Khu du lịch Mũi Cà Mau, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Buổi lễ diễn ra theo nghi thức truyền thống ở địa phương, mang tính cộng đồng sâu sắc, tạo không khí tưởng niệm thiêng liêng, hướng về cội nguồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, khẳng định vai trò, vị trí và ý nghĩa quan trọng, to lớn của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. Đồng thời, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp, sự biết ơn của mỗi người dân đối với tổ tiên.

Tại mỗi buổi lễ, người đứng đầu của tỉnh Cà Mau sẽ chủ trì nghi thức tiến hành dâng hương Đức Quốc Tổ. Lễ vật hàng năm đều là những sản vật truyền thống của người Việt, nguyên liệu chủ yếu từ nguồn có sẵn tươi ngon nhất tại địa phương. Thể hiện tấm lòng thành kính biết ơn của người dân cuối trời Nam đối với cội nguồn. Người Cà Mau luôn tâm niệm rằng, Quốc Tổ Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ sẽ mãi là điểm tựa tinh thần để các thế hệ hôm nay, mai sau giữ vững niềm tin, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ độc lập và sự phát triển trường tồn của dân tộc.

Nhiều năm qua, Lễ tri ân Đức Quốc Tổ luôn diễn ra không không khí trang nghiêm thành kính (Hoàng Nam).

Trong buổi lễ tri ân vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho rằng, tri ân công lao trời biển của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và các bậc tiền nhân có công dựng nước, các thế hệ con cháu Lạc Hồng hôm nay xin nguyện tiếp nối truyền thống tiên rồng, không ngừng rèn luyện, cùng đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách. “Qua đó, phấn đấu hết mình vì sự nghiệp dựng nước, giữ nước của cha, ông, góp tâm sức, trí tuệ để xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, thịnh vượng, phát triển, sánh vai cùng năm châu, bốn biển; cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang, vật thịnh” – ông Huỳnh Quốc Việt khẳng định.

Hoàng Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/long-thanh-kinh-tri-an-cua-nguoi-dan-cuoi-troi-nam-voi-coi-nguon.html