Long An không ngừng đổi mới, phát triển

Phát huy tinh thần Quốc khánh 2/9 cũng như truyền thống anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, sự sáng tạo, đột phá trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Long An ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông (Trong ảnh: Cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây - hạng mục quan trọngcủa đường Vành đai TP.Tân An sẽ hợp long vào ngày 01/9)

Quê hương đổi mới

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, chỉ sau vài năm, Long An đối mặt với chiến tranh biên giới Tây Nam, hứng chịu trận lũ lụt lớn nhất trong lịch sử. Hệ thống kết cấu hạ tầng nghèo nàn, lạc hậu, nạn thiếu lương thực và khan hiếm hàng tiêu dùng thiết yếu xảy ra khá phổ biến,...

Ngày 27/6/1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nghị quyết “thử nghiệm” về việc mua bán hàng hóa theo giá thỏa thuận trong phạm vi toàn tỉnh. Đây được xem là nghị quyết lịch sử đánh dấu cho sự đổi mới của tỉnh.

Từ thực tiễn đã chứng minh chủ trương cải tiến phân phối lưu thông (giá - lương - tiền) của Đảng bộ tỉnh là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tế và quy luật kinh tế khách quan, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Từ đó, Long An góp phần cùng cả nước xóa dần quản lý theo cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, chuyển sang quản lý theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước.

Tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới để thu hút và phát triển công nghiệp

Thành tích đáng tự hào của Đảng bộ tỉnh từ khi thực hiện đường lối đổi mới năm 1986 là chủ trương khai phá tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười khi khai hoang và đưa vào sử dụng 50.000ha đất trồng lúa; đồng thời, tiếp nhận nhiều hộ dân từ các địa phương trong và ngoài tỉnh đến sản xuất, định cư, lập nghiệp,...

Từ chủ trương đúng đắn này đã đưa vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh trở thành một trong những vựa lúa lớn của cả nước, Long An trở thành tỉnh có thế mạnh trong xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, lần đầu tiên Đảng bộ tỉnh đề ra 4 chương trình trọng điểm về KT-XH, gồm: Chương trình dân sinh vùng lũ; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vùng kinh tế trọng điểm; giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; đào tạo, phát huy nguồn nhân lực.

Đây là những chính sách mang tính đột phá, thể hiện sự năng động, sáng tạo, tạo tiền đề để các kỳ Đại hội VIII, IX, X và XI tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt.

Nông dân xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh trồng sầu riêng, mang lại thu nhập cao

Từng là du kích xã, bà Lê Thị Yến (ấp Bằng Lăng, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) không bao giờ quên những tháng ngày gian khó. Sau chiến tranh, không chỉ nơi bà ở mà hầu như trong tỉnh, đất đai hoang hóa, nhiễm phèn nặng, giao thông trắc trở, cuộc sống người dân khó khăn trăm bề. Nhờ chủ trương tiến quân khai phá vùng Đồng Tháp Mười cùng với việc mở đường 49 (Quốc lộ 62 ngày nay), vùng đất nhiễm phèn năm nào trở thành cánh đồng trù phú, bạt ngàn.

Đặc biệt, từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những cánh đồng lúa trong quy hoạch được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, năng suất, sản lượng ngày càng tăng so với trước đây. “Quê tôi ngày nay đổi mới lắm. Tân Lập đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, đang trong hành trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Không chỉ trồng lúa, một số hộ dân còn chuyển đổi sang trồng mít Thái, sầu riêng” - bà Yến nói.

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

“Điểm sáng” trong phát triển kinh tế

Nhờ những chủ trương đúng đắn, quyết sách sáng tạo, Long An ngày nay phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ngành công nghiệp và xây dựng của tỉnh chiếm trên 50% cơ cấu kinh tế. An sinh xã hội bảo đảm, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh được tăng cường. Thương mại đầu tư và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, quy mô kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 13% trên tổng quy mô của vùng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2015-2020 đạt trên 9%/năm. Tuy nhiên, năm 2021, do tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng GRDP chỉ đạt 1,02%.

Năm 2022 là năm chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục trong phát triển KT-XH của tỉnh khi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,46%; các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh dần lấy lại đà tăng trưởng.

Tỉnh có nhiều lợi thế, là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư (Trong ảnh: Cảng Quốc tế Long An)

Với nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tỉnh có bước tiến đáng kể khi tăng 6 bậc, vươn lên vị trí tốp 10 các tỉnh, thành phố có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất năm 2022.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, thách thức nhưng Long An tiếp tục là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỉnh tiếp tục dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về lĩnh vực này.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính cho rằng, Long An có vị trí vô cùng thuận lợi. Đây là tỉnh duy nhất nằm ở vùng giao thoa kết nối giữa 2 vùng: Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Lợi thế địa kinh tế đưa Long An trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP.HCM và Vùng Đông Nam bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Long An là vùng đất địa linh nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước; có truyền thống lịch sử hào hùng; có nhiều đổi mới; là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa; là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây và hành lang kinh tế ven biển; có thêm nhiều kinh nghiệm và tiềm lực sau hơn 35 năm đổi mới.

Hiện nay, kết cấu hạ tầng của tỉnh dần hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Thời gian tới là thời điểm “vàng” để hạ tầng giao thông của tỉnh có thể bứt phá, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Đây cũng chính là “chìa khóa” để tỉnh thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, góp phần đưa Long An trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững.

Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh 2/9, chúng ta càng thêm tự hào về chặng đường lịch sử hào hùng của dân tộc. Tinh thần Quốc khánh 2/9 khơi dậy ý chí và khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu về xây dựng Đảng, phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Thanh Nga

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/long-an-khong-ngung-doi-moi-phat-trien-a162052.html