Long An khẩn cấp gia cố đê bao cứu lúa

Trong những ngày qua, vùng Đồng Tháp Mười do ảnh hưởng của nước thượng nguồn đổ về mạnh kết hợp lượng mưa lớn tại chỗ đã làm cho nước trong nội đồng các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường... (tỉnh Long An) lên nhanh làm hàng nghìn héc-ta lúa hè thu bị mất trắng và phải thu hoạch sớm. Các địa phương đang khẩn trương gia cố các tuyến đê bao cứu lúa.

Thu hoạch lúa hè thu 2017 bị ngập nước lũ tại Láng Sen, xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng).

Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Nguyễn Văn Thắm cho biết: Đến thời điểm này, nước lũ đã làm mất trắng hơn 94 ha lúa hè thu tại các xã Thạnh Hưng, Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại, Vĩnh Thạnh; hơn 247 ha giảm năng suất từ 70% đến 80%; hơn 2.000 ha giảm năng suất từ 20% đến 30%. Ngoài ra, toàn huyện có hơn 673 ha lúa đang bị ngập, hơn 1.000 ha bị lũ đe dọa. Trước tình hình nêu trên, UBND huyện Tân Hưng đã chỉ đạo các địa phương huy động cơ chế giúp dân gia cố đê bao tại 13 khu vực của bảy xã với chiều dài hơn 22 km. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chi viện gia cố năm tuyến đê bao với chiều dài gần 14,5 km. Cùng với đó, huyện đã điều hơn 500 cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, dân quân các xã giúp người dân thu hoạch lúa hè thu bị ngập nặng và gia cố 9 km đê bao. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng) cho hay, toàn xã hiện có hơn 50 ha lúa đang ngập sâu do lũ, mức thiệt hại khoảng 70% năng suất. Vụ lúa hè thu năm 2017 bị thiệt hại nặng là do lũ về sớm hơn cùng kỳ 2016, người dân chủ quan và nghĩ năm nay lũ nhỏ như năm trước cho nên xuống giống ở những khu vực chưa có đê bao khép kín. Bình quân mỗi héc-ta lúa hè thu nông dân thua lỗ khoảng từ 12 đến 18 triệu đồng. Ông Trương Văn Tây, ấp Cả Sậy, xã Vĩnh Đại thuê 7 ha đất trồng lúa hè thu gần tới ngày thu hoạch lũ dâng ngập sâu không thu được lúa, mất trắng 125 triệu đồng vốn đầu tư. Nếu tìm được nhân công thu hoạch thì chủ ruộng phải chấp nhận chia đôi sản lượng lúa thu hoạch với người lao động. Mặt khác, lúa bị ngập nước thì thương lái chỉ mua với giá 4.000 đồng/kg, thấp hơn lúa thu hoạch bằng máy gặt khoảng 1.200 đồng/kg.

Ở huyện Vĩnh Hưng đã có 30 ha lúa hè thu đang phải thu hoạch chạy lũ, 8.400 ha có khả năng bị ảnh hưởng do lũ, còn lại hơn 8.500 ha đã được gia cố đê bao tương đối vững chắc và cao hơn mực nước bên ngoài đê từ 70 cm đến 100 cm. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng Trương Văn Điệp cho biết: Huyện đã huy động 25 xe múc đất, sáu xáng cạp (sà-lan có cần cẩu) gia cố và đào đắp mới 89 tuyến đê xung yếu với chiều dài hơn 100 km để bảo vệ lúa hè thu. UBND các xã vận động người dân gia cố những đoạn xung yếu trên phần ruộng của mình, cùng sự giúp đỡ của bộ đội.

Tại huyện Mộc Hóa, số diện tích có khả năng bị ảnh hưởng lũ sớm là 5.886 ha, trong đó có 305 ha tại xã Tân Lập chưa có đê bao. Các trà lúa ở các xã Bình Hòa Tây, Bình Hòa Trung, Bình Hòa Đông, Bình Phong Thạnh, Tân Thành và Tân Lập đang ở giai đoạn 60 - 75 ngày tuổi. Đây là những xã vùng trũng và chưa có đê bao. Để bảo vệ phần diện tích này, huyện tiến hành họp dân, vận động hơn 3.000 người, huy động 60 xe múc đất, bốn xáng cạp gia cố gần 100 km đê bao, cao hơn mực nước hiện tại từ 40 đến 50 cm, đắp 123 đầu kênh và bốn đập rạch lớn. Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa Lê Văn Chính cho biết: “Bên cạnh gia cố đê, huyện phân công lực lượng ứng trực 24 giờ hằng ngày nắm bắt tình hình, huy động doanh nghiệp đặt sáu máy bơm điện và 1.000 máy bơm của người dân để bơm nước chống úng. Tới nay, huyện chưa ghi nhận thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Toàn thị xã Kiến Tường có khoảng 8.059 ha sẽ bị ảnh hưởng của nước lũ kết hợp với mưa nhiều. Trước tình hình nêu trên, UBND thị xã đã tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia chống lũ. Hiện tại, toàn thị xã đã đắp được 74 đập ngăn lũ bảo vệ được 3.616 ha. Toàn bộ các diện tích có khả năng bị nước tràn vào đã được bảo vệ an toàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Văn Cảnh cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương theo dõi, cập nhật kịp thời diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, có kế hoạch thi công, gia cố cấp bách các tuyến đê bao lửng để bảo vệ lúa, đồng thời chủ động thu hoạch lúa hè thu, nhất là các khu vực trũng thấp không có đê bao an toàn. Đẩy mạnh công tác tu bổ đê, kè, cống và các công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng và phương án an toàn cho công trình, người dân trong đợt lũ 2017. Các huyện vùng Đồng Tháp Mười cần vận động người dân không gieo sạ tại những vùng không có đê bao an toàn để tránh thiệt hại.

Bài và ảnh: Thanh Phong

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33686902-long-an-khan-cap-gia-co-de-bao-cuu-lua.html