Lợn xuất chuồng 25.000 đồng/kg, bán trăm ngàn: Nỗi đau chung

Người nông dân trồng dưa hấu, lúa hay chăn nuôi lợn đang gặp tình cảnh khốn đốn khi thời gian qua liên tiếp bị các thương lái ép giá.

Thương lái thu lời lớn

Thời gian vừa qua, người nuôi lợn cả nước đứng ngồi không yên khi giá lợn hơi xuất chuồng giảm kỷ lục , xuống chỉ còn 27.000-28.000 đồng/kg. Thậm chí, tại nhiều tỉnh, thành miền Bắc, giá lợn hơi có nơi giảm xuống chỉ còn 22.000-25.000 đồng/kg.

Tuy nhiên khảo sát tại các chợ trên địa bàn Hà Nội cho thấy giá cả các mặt hàng thịt lợn lại không hề giảm mà vẫn giữ ở mức rất cao.

Cụ thể, thịt lợn mông, vai, ba chỉ, chân giò đều ở mức 80.000 đồng/kg, thịt thăn giá dao động từ 90.000-95.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg, móng giò 70.000 đồng/kg,..

Giá thịt lợn giảm mạnh khiến người nông dân điêu đứng

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thừa nhận, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang giảm chưa từng có. Thế nhưng, giá ở chợ và siêu thị vẫn cao ngất ngưởng.

“Tôi về quê mua thịt lợn thì giá đã giảm còn 65.000 đồng/kg, nhưng ra Hà Nội, giá thịt hầu như vẫn giữ nguyên”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, sau khi giết thịt, tỷ lệ thịt móc hàm được khoảng 75-78%, tức con lợn 1 tạ, khi giết mổ xong thịt còn khoảng 75-78kg.

“Nếu mua với mức giá lợn hơi thấp như hiện nay thì thương lái đang lãi quá nhiều”, ông Dương nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, khâu trung gian (thương lái) thì nước nào cũng có, nông dân không thể tự đem sản phẩm của mình ra chợ bán được. Thế nên, muốn bán phải thông qua các khâu trung gian. Song, trong chuỗi phân phối, khâu trung gian đang ăn quá nhiều. Kéo theo đó, người chăn nuôi phải bán lợn với giá rẻ, còn người tiêu dùng phải mua lợn với giá đắt.

Kịch bản chung với nông sản Việt

Tình trạng người nông dân Việt bị thương lái chèn ép không phải đến thời điểm bây giờ mới được nhắc đến.

Trước đó, dư luận từng xôn xao trước việc, nhiều người dân trồng lúa ở Đồng bằng Sông Cửu Long bị thương lái ép giá, bắt buộc phải bán giá rẻ.

Ông Nguyễn Văn Tài (một người nông dân tại Long Xuyên, An Giang) chia sẻ, trước khi liên kết với các công ty Nhật Bản, người dân khu vực thường phải trồng lúa để bán cho các thương lái. Tuy nhiên, việc buôn bán kiểu này lại rất bấp bênh, trôi nổi, thậm chí nhiều mùa vụ có người còn không có đồng lãi nào khi bị các thương lái ép giá quá.

Dưa hấu được mùa cũng bị thương lái ép giá thê thảm

“Họ tận dụng trả thấp nhất có thể. Lúc được giá hẹn qua lấy thì lừng chừng, hẹn hết lần này qua lần khác, có lúc còn bể kèo tụi tôi, số lần bể kèo thì tương đối lớn.

Thậm chí, có lúc họ vẫn thu mua lúa cho nông dân, nhưng tìm cách hạn chế bớt thiệt hại bằng cách thương lượng với nông dân để giảm giá thu mua. Nếu sự thương lượng không có kết quả thì có thể tìm cách trì hoãn thời gian thu mua. Người nông dân do không thể để lúa lâu sau khi thu hoạch, không có khả năng phơi sấy và dự trữ nên buộc phải bán cho thương lái với mức giá họ đưa ra”, bác Tài than phiền.

Tương tự mặt hàng lúa gạo và thịt lợn, người nông dân trồng dưa hấu tại miền Trung thời gian vừa qua cũng “dở khóc dở cười” khi không thể tìm được đầu mối tiêu thụ, thậm chí phải vứt bỏ cho trâu bò ăn.

Tuy nhiên trong siêu thị giá vẫn rất cao

Giá dưa tại vườn tại một số địa phương ở Quảng Nam, Quảng Ngãi rớt xuống còn 1.000-2.000 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua.

Một số hộ khác, do quá sốt ruột đã chở dưa đi bán dạo, nhưng cũng chỉ bán được với giá 2.000-4.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, tại một số siêu thị, dưa hấu vẫn đang bán dưa với mức giá khá cao so với thị trường. Cụ thể, tại siêu thị Co.opmart, dưa hấu được bán với giá 23.500 và 23.900 đồng/kg. Tại siêu thị Metro, dưa hấu được dao động ở mức giá 19.900 - 21.000 đồng/kg (chưa kể thuế VAT), siêu thị FiviMart, dưa có giá 27.000 đồng/kg.

Hoàng Nam (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/lon-xuat-chuong-25000-dongkg-ban-tram-ngan-noi-dau-chung-3333824/