Lời sám hối muộn màng của kẻ tự phong 'giáo sư hớt tóc'

'Tôi đã sai rồi!'. Từ phía sau song sắt nhà giam, 'giáo sư' Nguyễn Văn Nghiêm (SN 1963), trú tại tổ 18, phường Phương Lâm (TP Hòa Binh) đã phải thừa nhận việc 'Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước' được quy định tại khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự là hành vi phạm tội như một lời sám hối muộn màng.

Nguyễn Văn Nghiêm làm việc với cơ quan chức năng, thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật. Quá khứ "bất hảo” Nguyễn Văn Nghiêm sinh ra ở miền quê chiêm trũng Yên Lợi, Ý Yên (Nam Định). Học đến lớp 2, gia đình Nghiêm chuyển đến xã Tử Nê (Tân Lạc), tiếp tục đi học đến hết lớp 10/10. Năm 1981, Nghiêm xin vào làm việc tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Tân Lạc. Tháng 11/1982, Nghiêm nhập ngũ. Sau khi xuất ngũ, tháng 9/1986, Nghiêm chuyển ngành về công tác tại Ngân hàng Nông nghiệp huyện Tân Lạc. Quá trình công tác tại đây, lợi dụng vị trí là kế toán, Nghiêm đã phạm tội "Tham ô tài sản XHCN” hơn 14 triệu đồng, bị TAND tỉnh đưa ra xét xử, tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Không coi đó là bài học răn mình, không chịu lao động, làm ăn lương thiện, sau đó không lâu, Nghiêm đã mang súng đi cướp xe máy của người dân. Ngày 30/6/1993, Nguyễn Văn Nghiêm bị TAND tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đưa ra xét xử về tội "Cướp tài sản công dân” và "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”. Nghiêm bị xử phạt 14 năm tù về tội "Cướp tài sản công dân”, 5 năm tù về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 2 tội là 19 năm tù. Tổng hợp hình phạt do TAND tỉnh Hà Tây cộng với bản án 3 năm tù (treo) của TAND tỉnh Hòa Bình, buộc Nguyễn Văn Nghiêm phải chấp hành hình phạt chung của cả 2 bản án là 20 năm tù. Đầu năm 2005 được đặc xá ra tù, cuối năm Nghiêm vào TP Hồ Chí Minh sinh sống nhằm che giấu thân phận. Năm 2012, Nghiêm đưa vợ con về Hòa Bình sinh sống với nghề cắt tóc. Đáng nói, trong quá trình sinh sống tại địa phương, Nghiêm luôn thể hiện thái độ tiêu cực, bất mãn, chống đối chính quyền. Với hành vi đó, ngày 30/3/ 2018, Nguyễn Văn Nghiêm đã bị UBND TP Hòa Bình xử phạt 49 triệu đồng về hành vi "xuyên tạc sự thật lịch sử; xúc phạm uy tín, danh dự người khác”, nhưng y không nộp phạt mà còn tiếp tục vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn... Lời sám hối muộn màng Theo đó, từ tháng 6/2018 - 6/2019, Nguyễn Văn Nghiêm đã sử dụng tài khoản Facebook "Nghiêm Nguyễn” (Tiến sỹ hớt tóc), trang Facebook "Giáo sư hớt tóc” và kênh youtube "Tiến sỹ hớt tóc” phát trực tiếp và đăng tải 22 video có thời lượng từ 10 - 60 phút. Đưa những nhận định, đánh giá chủ quan của cá nhân về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền, bịa đặt gây hoang mang trong Nhân dân, nhằm mục đích chống phá Nhà nước, mong muốn thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Nguy hiểm hơn, các video Nghiêm phát trực tiếp, đăng tải, chia sẻ đều có hàng nghìn lượt xem, bình luận. Trong đó, có nhiều đối tượng có tư tưởng chống đối chế độ, chống đối Nhà nước. Hành vi của Nguyễn Văn Nghiêm đã được Sở TT&TT xác định: trực tiếp xâm phạm an ninh quốc gia trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, gây tâm lý nghi ngờ, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thể chế chính trị của đất nước, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ XHCN tại Việt Nam. Với hành vi phạm tội nêu trên, ngày 4/11/2019, Nguyễn Văn Nghiêm đã bị Cơ quan ANĐT bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố bị can về hành vi "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” được quy định tại khoản 1, Điều 117, Bộ luật Hình sự. Các quyết định này đã được Viện KSND phê chuẩn. Trong những ngày tháng bị tạm giam, được đối xử tốt và thường xuyên được cán bộ điều tra trò chuyện, tâm tình, Nghiêm đã nhận thức những sai lầm. Từ phía sau song sắt buồng giam, Nghiêm đã thừa nhận: Tôi thừa nhận những hành vi tôi làm là vi phạm pháp luật. Tôi đã sai rồi. Với những sai lầm này tôi sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật để trả giá cho những lỗi lầm này... Những lời sám hối muộn màng của kẻ từng tự phong mình là "giáo sư”, dẫu vẫn biết không thể sớm đưa y trở về với đời sống xã hội, nhưng đó là lời cảnh tỉnh, sự răn đe nghiêm khắc dành cho những kẻ tự cho mình cái quyền đứng lên trên cái quyền của Nhân dân, chống phá nhằm lật đổ Nhà nước của Nhân dân. Vũ Phong

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/142526/loi-sam-hoi-muon-mang-cua-ke-tu-ph111ng-giao-su-hot-toc.htm