Lời nguyện cầu trên chiếc bè lang thang

'Tôi không biết chiến tranh thế giới thứ III sẽ sử dụng vũ khí nào nhưng tôi biết rằng chiến tranh thế giới thứ IV sẽ sử dụng gậy gộc và đá!' - người được cho là thông minh nhất thế kỷ XX, nhà bác học Albert Einstein, lúc còn sống đã cảnh báo về tương lai man dã mông muội trở lại với địa cầu.

Hôm nay tôi dừng chân trên một bè đánh cá của ngư dân. Ở đâu đó, tên lửa, bom đạn vẫn đang rơi trên xứ sở của thế nhân. Ở nơi kia chỗ nọ, những hội nghị thượng đỉnh về điều này, chuyện kia liên quan đến cõi nhân quần diễn ra. Tất thảy là hơi thở của thế giới loài người, cho sự tốt đẹp hoặc những mưu tính xấu xa ở phía trước. Dù dưới dạng thức và mục đích nào thì cũng là hiển thị của cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế giới loài người.

Đấu tranh sinh tồn ở thế giới loài người là khốc liệt nhất, là giành đất, giành miếng ăn, giành lợi lộc hoặc niềm tự hào về phía cộng đồng (đất nước), triều đại hay phe nhóm mình, hoặc cho chính bản thân một đế vương. Tôi giật mình, tạm dừng cuộc lang thang để “cảm” gì đó về loài mình, loài người, về thế giới của mình…

Cảm hứng... lãnh thổ

Thế giới có khó hiểu không? Không có gì ghê gớm hay khó hiểu cả. Nhìn lại tiến trình lịch sử loài người ba vạn năm qua cho đến nay, rốt cuộc ở mọi lãnh thổ (hay quốc gia bất kỳ) nó chỉ là: (1) không gian cho một cộng đồng sinh tồn; (2) cái ăn, việc làm cho chúng sinh trong cộng đồng; (3) phúc lợi được chia cho cộng đồng đó. Mẫu số của nó là bá tánh được hạnh phúc, an toàn, đúng tư cách của con người (khác các loài động vật khác trên dương thế).

Để có không gian sinh tồn người ta phải bảo vệ được lãnh thổ. Để có công ăn việc làm người ta phải tìm cách phát triển kinh tế. Để phúc lợi được chia cho chúng sinh, người ta phải thiết kế bộ máy nhà nước hợp lý để tiết kiệm của cải xã hội làm ra và điều khiển trong sạch việc phân chia đó công bằng.

Và con người xung phong (nhưng thực chất là giành nhau) nhận cái quyền điều khiển cộng đồng đó, từ ngữ đẹp đẽ gọi là lãnh đạo. Bởi đặc điểm đấu tranh sinh tồn đó mà “chiến tranh thì liên miên, liên miên”, hiểu cho tới nơi tới chốn thì nó không bao giờ thôi ở thế giới loài người. Con người nghĩ ra mọi thủ đoạn, mọi cách thức để “giành” và “giữ” cho được sinh tồn đó.

Để giết nhau, con người chế tạo ra những thứ vũ khí sát toàn diệt tận và đặt tên cho nó là những “thế hệ” tên lửa, bom, xe tăng, tàu ngầm mới. Ai không tỉnh táo sẽ nghĩ đó là tài giỏi, “văn minh”, “hiện đại”, ai tỉnh táo thì sẽ nhận ra đó là chỉ dấu man rợ, ghê tởm.

Ảnh: Kiếng Cận

Ở thời hỗn mang, một cộng đồng nhỏ, một nhóm người, hoặc một dòng họ nào mạnh thì lập ra chính quyền trên phần không gian đất đai và bá tánh mà họ sở hữu được thì được gọi là “triều đại”, “vương quốc”, “nhà A, B, C...”. Rồi các nước mạnh tại các châu lục đi làm thuộc địa ngay tại châu lục mình: chiếm lấy, sáp nhập các nước nhỏ xung quanh vào lãnh thổ mình, hoặc biến thành thành bang, tỉnh quận, chư hầu, thần phục (kiểu Trung Hoa, Nga, Ba Tư, Thổ...).

Các nước mạnh nhưng không gian châu lục mình đã chật chội thì đi mở thuộc địa ở các châu lục xa xôi khác (xu hướng phương Tây, như Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp…). Chẳng có quốc gia to mạnh nào mà bằng lòng với phần lãnh thổ mình đang có và không có máu “thuộc địa”. Cả nhân loại chưa bao giờ được thái bình. Cả địa cầu chưa bao giờ chung sống có luật lệ. Đó là dọc dài hỗn mang, cùng đều là man dã, mọi rợ, vị kỷ.

Xã hội loài người chỉ chớm định hình lề lối để chung sống, nghĩa là cùng tồn tại nhưng theo trật tự, quy ước, quy tắc, ngôn từ đơn giản gọi là “luật chơi” mới gần tám mươi năm nay. Lãnh thổ và biên giới các nước được cơ bản định hình kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Cõi người tạm có được trật tự và lối đi để bước đến cái phổ quát cần thiết cho một giống loài để loài người khác những động vật man dã khác. Dù nó chưa thực chất, hoàn hảo hay công bằng, nhưng hình dạng ước ao đó đã lộ ra, và dù chiến tranh thì vẫn cứ xuất hiện trong các nội quốc (nội chiến), tiểu vùng, hay lãnh thổ, nhưng không phải phạm vi toàn cầu.

Tinh thần hợp chủng, tức hướng đến mọi sắc tộc đều chung sống, tồn tại, trân quý sự đa đạng chủng nòi, văn hóa, khác biệt, được lan tỏa khắp nơi, khởi đi từ vùng đất non trẻ nhất, Bắc Mỹ.

“Thế giới mới” hay là sự lừa bịp?

Gần đây xu hướng bất chấp trật tự, xới tung luật lệ, phá vỡ quy tắc văn minh đã bắt đầu hiện ra, trỗi dậy. Nhân loại đang quay lại bản năng và vị kỷ, mông muội, man dã, dù tiện nghi sống thì ở nhà xây, cao ốc, đi lại bằng máy bay, xe hơi, tàu điện ngầm, đều mặc áo veston, váy, đầm và sử dụng internet. Đúng là không thể đưa “rừng” ra khỏi con khỉ.

Lãnh thổ của cộng đồng/quê hương người ta, nhưng phút chốc kẻ khác dùng vũ lực cùng thủ thuật cưỡng chiếm xảo quyệt để “sáp nhập” vào lãnh thổ mình. Một tiền lệ nhỡn tiền đang diễn ra và làm cho mọi quốc gia nhỏ đó đây liên hệ đến số phận mình. Vậy trật tự mới mà vài nước đang khuấy lên là trật tự gì vậy? Thế giới đa cực là bao nhiêu cực? Các cộng đồng bé mọn có còn tồn tại nền văn hóa của họ, thế giới tâm linh, tâm hồn của họ?

Nhân loại cần sự đa dạng về chủng nòi cũng như văn hóa nhưng đây đó có những nước không muốn điều đó. Thậm chí họ muốn viết lại cả lịch sử theo nhu cầu hiện tại và ý chí của họ, dù mọi con người đều biết lịch sử là tất cả những sự thật đã diễn ra trong quá khứ, trên mặt đất, trong từng phận người trước kia.

*

Mới hôm nào quốc gia này đi xâm lược quốc gia kia nhưng không quên mang những bức tranh, cổ vật văn hóa về. Chiến tranh là chết chóc và xâm lược là tàn bạo, nhưng với văn hóa thì vẫn còn sự quý trọng nơi những kẻ xâm lược. Nhưng lại có những quốc gia, khi xâm chiếm những quốc gia khác thì xóa sạch nền văn hóa của nước khác; đốt từ tranh, tượng đến tàng thư, nghĩa là xóa sạch lịch sử lẫn các giá trị của cộng đồng khác để dễ đồng hóa. Phải nhìn rõ bản chất của những kẻ đang bày cuộc chơi mới, những tay chơi lớn, nhìn từ lịch sử xa xưa cho đến đương thời. Nhìn cho rõ tính “thú” ở con người, khát khao và tham vọng vị kỷ.

Đúng lẽ trời đất thì nhân loại sẽ không có đơn cực hay đa cực mà phát triển tự nhiên. Tự nhiên là giao hòa, bình đẳng, không có kẻ trên người dưới, chiếu trên chiếu dưới, không có cả sự tự tôn, niềm tự hào, cái “ngã” riêng của một cá nhân, nhóm người, hay đất nước nào cả. Sự bình đẳng đã bị đánh cắp từ khi có đơn cực. Và nó sẽ càng bị đánh cắp nhiều hơn khi cái bánh đa cực vẽ ra. Thay vì một kẻ dẫn dắt thì giờ vài kẻ xâu xé sự dẫn dắt đó, cho mục đích cùng lợi ích vị kỷ của họ.

Như đã nói, đa cực là điều không bao giờ diễn ra và tồn tại, mà chỉ có vài kẻ “chơi chính” thôi, bởi sẽ có vài nhóm “cửa trên” hay đôi ba cá nhân nào đó tìm cách để đứng trên muôn người từ nỗi thèm khát đỉnh cao và sự thống lĩnh. Điều này không khó hiểu vì ngay cả các loài động vật cũng luôn có con chiếm ngôi đầu đàn để dẫn cả đàn theo, như loài chim khi bay, như con sư tử mạnh nhất trên thảo nguyên, con cá khỏe nhất trong nước, hay đàn kiến dưới đất.

Nghĩa rằng bất cứ loài động vật nào cũng có con đầu đàn, mà con người cũng chỉ là một loài động vật và là loài có nhiều mục đích, tham lam, cơ cầu danh vọng nhất. Bản chất của niềm tự hào, kiêu hãnh đã là đơn cực. Đơn cực là thiên lệch mà đa cực là càng thiên lệch, không còn chuẩn. Một đơn cực có thể (thành) chuẩn nhưng rơi vào vài cực hay đa cực nó sẽ thành loạn chuẩn, bị quậy phá, nếu luật chơi không được tuân thủ, mà tham vọng lãnh đạo nhân loại là “món” quá ngon ở cõi người này!

Nên sẽ không bao giờ có một thế giới mới, mà chỉ là xuất hiện một kiểu đấu tranh sinh tồn mới ở loài người, ở đó sẽ là nhiều mánh khóe, mưu mẹo, tranh giành khác đi, hình thức khác, khốc liệt hơn, nghĩa là đi cùng với nó là một dạng thức thống lĩnh mới (kẻ đứng đầu) và chịu đựng mới (chúng sinh).

Các giống nòi yếm thế sẽ về đâu...

Các cộng đồng bé mọn/nước nhỏ hẳn biết việc trước tiên và quan trọng nhất trong quản lý tổ quốc là bảo vệ, gìn giữ không gian sinh tồn của dân tộc mình. Bởi có thể GDP và phúc lợi quốc gia chưa chia đều cho chúng sinh, thể chế chưa hoàn thiện, tham nhũng chưa thể giải quyết xong, nhưng không gian sinh tồn của dân tộc là việc cốt tử sống còn, không có đường lùi, không thể làm lại. Bởi đơn giản, theo quy luật của lòng tham và niềm kiêu hãnh thì không cộng đồng/quốc gia nào khi chiếm được thước đất, thước biển của cộng đồng/nước khác mà tự nguyện mang trả lại. Mười ngàn năm nay lịch sử loài người đã hiển thị rõ ràng điều này.

Nhìn vào hiện hữu để tư duy tương lai.

Nhìn vào cái cụ thể để tư duy cái bao trùm.

Nước giàu chưa hẳn là văn minh hay được tôn trọng, và nước nhỏ không phải là không làm được điều lớn và có được sự nể trọng toàn cầu, ví như Qatar tổ chức World Cup, Israel trong phát triển nông nghiệp và quân sự để bảo vệ không gian cho cộng đồng mình, Phần Lan trong phát triển giáo dục và công nghệ, Hà Lan trong khả năng tồn tại dưới mực nước biển; Thụy Điển, Bhutan hay Singapore trong chia đều của cải xã hội cho chúng sinh... Còn có nơi (địa chỉ) bảo an cho sự toàn vẹn lãnh thổ/ không gian sinh tồn thì các nước nhỏ kia mới tồn tại được và kiến tạo được hạnh phúc thật cùng lẽ sống đúng nghĩa con người cho bá tánh trên xứ sở mình.

Chưa bao giờ thế giới nhiều “bẫy” như bây giờ. Những cái bẫy được tô son phấn: son phấn tăng trưởng, son phấn hạ tầng, son phấn phát triển, giả hình hữu nghị, giả hình ngoại giao, giả hình thương dân các nước (trong khi chính dân nước mình đã được tôn trọng và thương chưa?)... John Adams, chính trị gia, một trong những người lập ra nước Mỹ và đưa nước này độc lập khỏi đế quốc Anh hồi thế kỷ XVIII và cũng là tổng thống thứ hai của nước ấy, đã cảnh tỉnh cho thân phận các nước nghèo yếu khi phải chung sống với nước mạnh hơn: “Người ta có hai cách để chinh phục và nô dịch hóa một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh kiếm. Cách thứ hai là bằng nợ nần”.

Ngày nay, trật tự mới đâu không thấy, chỉ thấy ló dạng một kiểu làm thuộc địa mới, thâm hiểm và man rợ hơn, diễn ra ở khắp các nước nghèo và nhỏ. Trong bối cảnh nhiễu loạn giá trị này, các giống nòi yếm thế sẽ về đâu? Chấp nhận mọi kiểu rối loạn mà kẻ chơi mới khác tạo ra là đang “ổn định” ư?

Ảnh: Tuân Nguyễn

“Ổn định” chỉ thật có khi nó không có nguy cơ và không còn nguy hiểm. Ổn định là công chính trước thế giới, minh bạch, và được phán xét, là đưa ra trước nhân loại, để từ đó được ủng hộ, bênh vực và bảo vệ. Nghĩa là khi quốc gia nhỏ chính nghĩa bị xâm chiếm lãnh thổ hay lãnh hải, phải quyết liệt kiện kẻ xâm lấn kia ra tòa án công lý quốc tế. Kiện, tức là đang bảo vệ, là tự vệ, là tránh chiến tranh, đỡ tốn xương máu, là kiến tạo sự ổn định thật, cho lâu dài, và thêm nữa cũng là đóng góp vào hòa bình cũng như văn minh của nhân loại.

“Ổn định” dựa trên luật lệ và công lý, cách bảo vệ thông minh nhất và chính nghĩa, khi mà nỗ lực ở sự chân thành, hữu hảo và ngoại giao đã không có tác dụng. Là cách để cả thế giới giám sát, để không bị chèn ép tiếp tục hay chơi ăn gian, không bị mất mát thêm, và không bị nuốt chửng, mất sạch.

*

“Trật tự” là gì, đơn giản chỉ là chúng sinh được che chở, bình yên, được tôn trọng tư cách con người, và công bằng, thế thôi. Vậy thì làm khỉ gì có “mới” hay “cũ’. Mấy ngài làm chính trị hay mấy bạn chữ nghĩa salon ngồi nặn bậy nặn bạ ra, gây hoang mang bá tánh, làm phức tạp cái đơn giản, hiển nhiên, như thị.

Thế giới này đã khổ đau nhiều rồi, đừng vì mục tiêu kiêu hãnh dân tộc vị kỷ hay cái ngai của mình mà gây thêm đau khổ cho loài người, làm rối loạn trái đất. Những gì Liên Hợp Quốc thiết lập gần tám mươi năm nay đã tốt lắm rồi, chỉ cần thực hiện nó thực sự, rốt ráo, sòng phẳng, không thỏa hiệp và nương tay, ngoài mục tiêu duy nhất là vì phẩm giá con người và phẩm giá của mọi quốc gia. Nhân loại sẽ phải chuẩn bị một cuộc chơi mới. Đôi kẻ muốn soạn luật chơi mới cho mục đích của mình. “Mới”, nhưng chắc chắn sẽ rất khó hiểu, mà gây rối rắm, ngang trái, đau đầu nhân loại, khó có thuận hòa, bình đẳng, và bất công hơn nhiều. Các cộng đồng nhỏ, nước nhỏ, có nền văn hóa đặc thù lâu đời đa dạng sẽ rất hồi hộp đây.

Trên chiếc bè lang thang thế này, tôi không nghiêng về cực xu hướng nào cả, ngoài giá trị phổ quát đắc lý cho hạnh phúc con người, mà tôi cảm nhận như thị về thế giới loài người của tôi mà tôi đang sống, và những ảnh hưởng của nó vào hơi thở, cọng rau, con cá, chai nước, lít xăng, cũng như tâm hồn tôi.

Tôi không ngại sự chết, vì khi đã dám chọn cuộc sống bơi đánh cá giữa giông gió thiên tai khắc nghiệt từ vũ trụ thế này thì không có cái gì ở cõi người làm cho tôi e ngán, chẳng còn cái gì là to tát, quan trọng nữa, kể cả thân xác này.

Bởi tôi thương yêu loài người của tôi.

Nguyễn Hàng Tình

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/loi-nguyen-cau-tren-chiec-be-lang-thang-38526.html