Lời mời

Được gia đình một người bạn cũ mời đến dự một bữa cơm thân mật tại gia nhân một sự kiện, tôi đã đến từ rất sớm. Chủ nhà chuẩn bị một bữa ăn đơn giản nhưng thịnh soạn.

Cơm dọn ra, chủ và khách ngồi chờ mãi hai "quý tử" của gia chủ mới lững thững từ tầng trên đi xuống. Khi hai cô cậu ngồi vào mâm, bưng bát chuẩn bị ăn, anh bạn tôi liền nhắc: - Các con mời bác với bố mẹ chưa đấy? Cậu con trai nhỏ nhanh nhảu, vừa gắp miếng chả rán cho vào miệng nhai nhồm nhoàm vừa lúng búng: - Thì mời... Mời bác, mời bố mẹ ăn cơm! Cô con gái cúi mặt, có vẻ miễn cưỡng khi được gọi xuống ăn và cũng miễn cưỡng khi bị bắt phải mời: - Mời cả nhà ăn cơm... Chị vợ lừ mắt, nhắc "Mấy đứa mời lại đi! Hương (cô con gái lớn) không mời trống không cả nhà như thế. Con phải nói: Cháu mời bác, con mời bố mẹ xơi cơm ạ!". Thế nhưng cả hai cô cậu chẳng đáp lời, cứ cúi mặt ăn... (Không biết vì ngượng hay là thấy không cần thiết). Thú thực là chứng kiến cảnh này, tôi cảm thấy thật ngao ngán. Mời hay mời chào là tỏ thái độ chào đón, mời mọc ai đó một cách lịch sự. Trong cuộc sống, nhiều khi ta phải có lời mời người khác và người khác mời lại ta. Đến một đám cưới, một cuộc họp, một gia đình... nào đó, chủ nhân ra đón tiếp phải có lời chào, sau đó là lời mời: Mời các anh chị vào phòng khách uống nước ạ! Kính mời các quý vị dự bữa cơm thân mật cùng gia đình! Mời bác đại diện cho gia đình nhà gái phát biểu! Hiện tại trong giao tiếp tiếng Việt, chưa có một sự "quy chuẩn" nào cho các lời mời. Nhưng mọi người cũng đều tự hiểu, tự điều chỉnh để lựa chọn một cách mời sao cho phải. Trước hết là phải chọn cách xưng hô hợp lý. Tiếp đó là thể hiện một lời mời sao cho nhẹ nhàng và lịch sự, bất luận người đó là ai, ngay cả với những người được mời ở vị thế thấp hơn hoặc ít tuổi hơn. Bởi sự trân trọng là yêu cầu cần thiết trong những bối cảnh như thế. Trở lại câu chuyện mời trong bữa cơm gia đình. Đây là thói quen, là nghi thức cần phải có đối với mọi dân tộc trên thế giới. Ngôn ngữ học xếp việc mời vào nhóm hành vi điều khiển (gồm khuyến lệnh, yêu cầu, mời mọc...). Khác với ra lệnh, yêu cầu, đề nghị (là bắt buộc), mời mọc thể hiện một thịnh tình, một thái độ... nên các biểu thức thể hiện lời mời thường thêm những lời lẽ lịch sự, nhã nhặn. Cũng là mời nhưng nghe những lời mời cộc lốc, vô hồn, như "đấm vào tai" thì ta còn gì hứng thú để tham dự nữa. Hay nhiều khi ta thấy người mời hờ hững, chiếu lệ, mời khách nhưng lại nhìn đi đâu. Ở mỗi gia đình, lời mời giữ một vai trò quan trọng trong nền nếp gia phong, cách ứng xử văn hóa. Mỗi thành viên phải có trách nhiệm biết, tuân thủ như một bổn phận không thể thiếu (con cháu mời cha mẹ, ông bà và ngược lại). Nhiều gia đình bây giờ, vì nhiều lý do, đã không còn duy trì được thói quen đó. Anh bạn (mà tôi vừa nói trong bài) là một doanh nghiệp. Cả hai vợ chồng bận tối ngày. Mọi việc trong nhà phó mặc toàn bộ cho người giúp việc. Từ chuyện trông nhà, đưa đón con đi học đến đi chợ, nấu ăn... Thường cứ tối muộn mới về. Thành ra không có những bữa cơm đầy đủ các thành viên để bố mẹ có điều kiện dạy con những hành vi cần thiết. Từ chuyện tự thu xếp công việc học hành, sinh hoạt đến việc phải ứng xử ra sao khi có khách đến nhà, trong bữa cơm chung. Chính vì vậy mà con cái nhiều nhà bây giờ mất hẳn thói quen mời người trên trước khi ăn (như bố mẹ, ông bà, người thân, khách khứa...). Chưa nói lời mời, hoặc chưa nói một lời mời cho phải lẽ, ta cảm thấy áy náy, như thiếu một cái gì. Dân gian có câu "Lời chào cao hơn mâm cỗ". Lời chào, lời mời chính là một nét văn hóa mang tính xã hội mà mỗi gia đình cần phải thấm nhuần và thực hiện.

PGS.TS. PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/loi-moi-610688.bld