Lời khẩn cầu của bệnh nhân nghèo

Hằng ngày, để được khám chữa bệnh, bệnh nhân từ khắp nơi phải rồng rắn có mặt tại Bệnh viện Ung bướu chờ bốc thăm số thứ tự từ lúc... 3h. Sự quá tải đến ngột ngạt càng khiến nỗi đau của người bệnh thêm "nặng" bởi phải chờ đợi trong sự mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Theo chân những người đang âu lo bị chứng bệnh ung thư tấn công, PV Báo CAND ghi nhận nhiều nỗi niềm trăn trở của người bệnh và thân nhân họ khi bị cò "quay" đến chóng mặt.

Đoạn trường lúc nửa đêm về sáng Do phải "gánh" lượng bệnh nhân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Đông Nam Bộ và cả khu vực miền Trung nên Bệnh viện Ung bướu (số 3 Nơ Trang Long, phường 7, quận Bình Thạnh) luôn trong tình trạng quá tải. Cùng chúng tôi đi thực địa tình cảnh khốn khó của người nghèo chẳng may bị các chứng bệnh ung bướu quái ác tấn công đang đeo bám tại bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị, anh Nguyễn Văn H., một trong nhiều "Mạnh Thường Quân" thường xuyên giúp đỡ cơm cháo cho bệnh nhân nghèo bị ung thư và cũng là một trong nhiều bạn đọc phản ánh nỗi khổ của người bệnh trước nạn quá tải, liên tục thở dài trước hình ảnh người bệnh và thân nhân của họ nằm vạ vật trên vỉa hè, trên các dãy hành lang trong khuôn viên bệnh viện. Thấy chúng tôi giương máy ảnh chụp hình cảnh một phụ nữ ăn vận lam lũ đang ngủ mê mệt trên đống quần áo, mền chiếu nhàu nát sau mấy chiếc ghế đá, một bệnh nhân bị ung thư vòm họng tên Hùng, đầu trọc nhẵn do di chứng của việc hóa trị (truyền hóa chất vào cơ thể) giọng cám cảnh: "Chị này quê ở Đắk Lắk, đến bệnh viện chiều hôm qua. Do đến lúc có quá đông người bệnh chờ đến lượt khám nên chị ấy đành đợi đến sáng mai bốc số thứ tự để được vào phòng khám". Chiều hôm ấy, có rất nhiều bệnh nhân đến từ nhiều tỉnh, thành xa xôi như Cà Mau, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi… kẻ chờ đến sáng mai được khám bệnh, người hy vọng lúc rạng sáng sẽ bốc được con số thứ tự đầu tiên để được khám sớm, đỡ phải chờ đợi trong âu lo, khắc khoải. Tuy đến từ nhiều vùng miền, tỉnh, thành khác nhau nhưng cả thảy họ có điểm chung là thần sắc héo sầu, khuôn mặt nhợt nhạt, rũ rượi và nghèo khó. "Những người có tiền thì thuê khách sạn, nhà nghỉ lưu trú chứ nằm vạ vật ở đây làm gì cho khổ thân. Muốn hiểu nỗi khổ của bệnh nhân ung thư trước cảnh bệnh viện quá tải, 3h sáng anh ghé bệnh viện sẽ tận tường thôi. Có đến bệnh viện lúc ấy mới thấy thương người bệnh" - anh H. gợi ý. Đêm chầm chậm buông trong từng tiếng thở dài và ánh mắt mệt mỏi, âu lo của người bệnh. 3h, giữa lúc thành phố chìm sâu trong giấc ngủ, chúng tôi có mặt tại "hiện trường" và bất ngờ trước cảnh người bệnh rũ rượi nối đuôi, xí chỗ chờ đến 4h30' để được bốc số thứ tự khám bệnh. Để có được những con phiếu ở số hàng chục, nhiều người cho biết họ đã có mặt xếp hàng chen chúc từ lúc 2h… Những tiếng kêu xé lòng Tình trạng quá tải tại Bệnh viện Ung bướu kéo dài từ nhiều năm qua, mỗi lúc một nặng nề do số lượng bệnh nhân ngày một bùng phát nhưng bệnh viện thì không "nở" ra được. Chính điều này làm khổ nhiều người bệnh và thân nhân của họ. Bị chứng bệnh ung thư máu trói buộc tại bệnh viện gần 2 năm qua, bệnh nhân tên Hồ, quê ở Đắk Lắk, trò chuyện với chúng tôi trong nước mắt: "Nạn quá tải đã tạo điều kiện cho nhiều kẻ xấu trục lợi người bệnh không thương tiếc. Nắm bắt tâm lý của người bệnh muốn được khám nhanh, được bác sỹ tư vấn tận tình, bọn xấu đã vẽ vời, dụ dỗ và đưa nhiều người bệnh vào các phòng xét nghiệm, phòng khám tư để ăn tiền hoa hồng từ những nơi này. Hồi mới chân ướt chân ráo đến bệnh viện, tôi cũng bị chúng giở bài hù "chờ đến chết nhưng khám thì khám ẩu" mà tiêu tốn khoản tiền không nhỏ". Anh Hồ khẩn khoản đề nghị: "Nếu các anh không vạch trần thủ đoạn của bọn cò thì còn nhiều bệnh nhân lâm cảnh sứt bứt sang bang, khổ đau chồng chất vì đang lúc bệnh tật nguy nan còn chưa biết sống chết ra sao nay lại bị người ta đưa lên "bàn mổ" trục lợi". Anh Hồ chỉ là một trong rất nhiều đại diện người dân, người bệnh bức xúc phản ánh với Báo CAND về nỗi khổ quá tải của bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu và hành vi bất nhẫn của những kẻ ký sinh, chuyên kiếm tiền trên nỗi khổ đau của người bệnh. Trong thư gửi Báo CAND, một nhóm người là người thân của các bệnh nhân nghèo mắc chứng bệnh ung thư, phẫn nộ cho biết: "Từng giờ từng phút đấu tranh với những cơn đau và cái chết, chúng tôi sống nhờ vào tình thương và sự đùm bọc của các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm hằng buổi cấp phát cơm, cháo, sữa, đường, nước sôi… Và chúng tôi cũng ngày ngày chứng kiến các tay cò lợi dụng sự quá tải của bệnh viện làm tiền những bệnh nhân ở các vùng quê, tỉnh thành lần đầu đến khám tại bệnh viện. Những người này cấu kết với các phòng khám, phòng xét nghiệm siêu âm tư nhân quanh bệnh viện dụ dỗ, dẫn dắt bệnh nhân vào những nơi này để ăn tiền cò". Ông N.V.B., một cán bộ hưu trí sống tại khu vực này cho chúng tôi biết ở đây từng xảy ra những "thảm cảnh" cò sau khi chở khách đến phòng khám tư đã lật lọng đòi khách phải trả đến 200.000 đồng cho quãng đường chỉ vài trăm mét. Ở nơi đất lạ, giữa đêm tối, bị cò trở mặt hăm dọa, bệnh nhân đành ngậm ngùi trả tiền vì sợ bị hành hung. "Chém" người bệnh rồi, sau đó cò còn được hưởng thêm phần trăm tiền công dắt mối từ các phòng khám tư nhân, phòng khám ngoài giờ quanh bệnh viện. (Bài sau: Nhận diện các loại cò)

Nguồn CAND: http://ca.cand.com.vn/vi-vn/bandocvacand/dttheoyeucau/2010/9/169127.cand