Lợi ích và rủi ro khi tắm nước nóng

Tắm nước nóng giúp tăng cường lưu thông máu, giảm căng cơ, giải tỏa mệt mỏi nhưng cũng có thể mang lại những nguy cơ tiềm ẩn cho da và sức khỏe nói chung.

Trong những ngày mùa đông nhiệt độ xuống thấp, chúng ta có xu hướng sử dụng nước nóng khi tắm gội, rửa mặt để làm ấm cơ thể, xua tan giá rét.

Nhiệt độ nước nóng từ vòi hoa sen có thể lên đến 60 độ C hoặc hơn nhưng khi tắm nước nóng, nghĩa là bạn sử dụng nước có nhiệt độ từ 40-50 độ C.

Trong khi đó, nhiệt độ nước tắm lý tưởng (không quá nóng, không quá lạnh) được khuyến nghị chỉ cao hơn nhiệt độ cơ thể một chút, trong khoảng 36-40 độ C.

1. Lợi ích của việc tắm nước nóng

- Làm tăng lưu thông máu: Tương tự như tập thể dục, tắm nước nóng làm tăng lưu lượng máu đến các tế bào và mô bằng cách mở rộng các mạch máu, kích thích cơ thể điều chỉnh nhiệt độ, giúp máu lưu thông. Kết quả là cơ thể tỏa nhiệt và trở nên bình tĩnh, thư thái.

Bên cạnh đó, khi tắm nước nóng còn giúp giảm huyết áp do tĩnh mạch được mở rộng hơn và mang lại cảm giác dễ chịu hơn. Sức nóng từ nước có thể giúp làm dịu các cơ bị đau hoặc căng cứng.

Để có trải nghiệm thư giãn hơn nữa, bạn có thể kết hợp một số liệu pháp mùi hương vào thói quen tắm với các loại tinh dầu như hoa oải hương hoặc khuynh diệp để thúc đẩy thư giãn và giảm bớt căng thẳng.

- Cải thiện giấc ngủ: Các nhà khoa học cho rằng tắm nước nóng trước khi đi ngủ 90 phút giúp làm ấm da, giúp cơ thể giảm căng thẳng, cải thiện lưu thông máu trong não và hỗ trợ chất lượng giấc ngủ.

Tắm nước nóng hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.

- Làm mềm và giúp da hấp thu tốt kem dưỡng: Tắm nước nóng có một số lợi ích cho da, đặc biệt nếu bạn đang bị khô da do nhiệt độ của nước có thể làm mềm và bổ sung nước cho da, giúp da dễ tiếp nhận các loại kem dưỡng da hoặc kem dưỡng ẩm.

Ngoài ra, tắm nước nóng có thể giúp làm dịu vết mẩn đỏ trên da, đặc biệt với những người mắc các bệnh da như bệnh chàm... Tuy nhiên, cần tránh để nước quá nóng, vì điều này có thể làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da và dẫn đến khô, ngứa và lão hóa da sớm.

- Giảm lượng đường trong máu: Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp xúc với nhiệt thường xuyên khi tắm nước nóng, tắm hơi hoặc ngâm mình trong nước spa nóng có thể làm giảm khả năng mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2.

Nguyên nhân do nước nóng làm tăng lưu thông máu, làm cho nhiều glucose sẽ được đẩy vào cơ và mô, làm giảm mức đường huyết. Một nghiên cứu năm 2019 cũng tiết lộ rằng ngâm nước nóng trong thời gian dài giúp làm giảm nồng độ đường huyết lúc đói.

Tắm nước nóng giúp giảm lượng đường trong máu.

- Giảm cảm lạnh hoặc sốt: Khi mùa thay đổi hay trong thời tiết lạnh của mùa đông, tình trạng cảm lạnh và cúm thường xuyên xảy ra. Tắm nước nóng có tác dụng chữa trị tức thì cho tình trạng nhức đầu và nghẹt mũi.

Nước nóng làm thư giãn các mạch máu bị co thắt gần não, giảm bớt áp lực và đau đầu. Hơi nước cũng làm loãng đờm, làm thông mũi và cổ họng khỏi nghẹt mũi. Tắm bằng nước nóng cũng giúp tỏa nhiệt cơ thể và hạ sốt, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

Ngoài ra, tắm nước nóng ở nhiệt độ phù hợp với cơ thể còn giúp cải thiện sức khỏe cơ và khớp, cải thiện sức khỏe não bộ, giảm căng thẳng…

Tắm nước nóng làm giảm triệu chứng ngạt mũi, nhức đầu do cảm lạnh

2. Rủi ro khi tắm nước nóng

Mặc dù tắm nước nóng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe từ việc tăng cường lưu lượng máu đến cải thiện giấc ngủ, giảm căng thẳng… nhưng nếu bạn lạm dụng tắm nước quá nóng hay tắm quá lâu, quá thường xuyên có thể gây ra những mối nguy hiểm nhất định.

- Làm trầm trọng một số tình trạng bệnh da: Nước nóng gây tổn thương cho các tế bào keratin nằm ở lớp biểu bì, lớp ngoài cùng của da khiến da khô và ngăn không cho tế bào giữ độ ẩm. Bên cạnh đó, tắm nước quá nóng cũng có thể làm cho một số tình trạng da trở nên tồi tệ hơn do nhiệt độ cao hơn khiến da dễ bị khô hơn và khiến các tình trạng như bệnh chàm trở nên. Điều này cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, dị ứng và các kích ứng da khác.

Tắm nước quá nóng dễ dẫn đến khô và làm trầm trọng thêm một số bệnh da.

- Tăng nguy cơ mọc mụn: Tắm nước nóng còn tạo điều kiện cho mụn nổi lên. Nguyên nhân do nước nóng sẽ loại bỏ lớp dầu tự nhiên và vi khuẩn lành mạnh trên da có vai trò chính trong việc giữ ẩm cũng như loại bỏ những chất có hại, gây tình trạng khô da khiến tuyến bã nhờn tiết ra nhiều bã nhờn hơn.

Đây là nguyên nhân khiến nước nóng có thể làm tình trạng mụn trứng cá đã có từ trước trở nên trầm trọng hơn hoặc gây ra mụn.

- Gây ngứa da: Nhiệt có thể khiến các tế bào mast (có chứa histamine) giải phóng chất chứa trong da và gây ngứa.

- Làm tăng huyết áp: Nếu bạn có vấn đề về huyết áp cao hoặc bệnh tim mạch, tắm nước quá nóng có thể khiến những tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

3. Làm thế nào để tận dụng được lợi ích của việc tắm nước nóng và loại bỏ những mối nguy hiểm?

BS. Alana Biggers, Đại học Y khoa Chicago, Mỹ cho biết, tắm nước nóng vừa đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có những nguy hiểm tiềm ẩn. Do đó, lời khuyên tốt nhất dành cho bạn chính là tắm nước ở nhiệt độ phù hợp.

Nhiệt độ thích hợp là nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh, là nhiệt độ vừa phải đối với mỗi người nhằm đạt mục tiêu thư giãn, giảm căng thẳng hay hướng đến giấc ngủ ngon…

Mời bạn xem tiếp video:

Tắm ngay sau khi đi nắng nguy hiểm thế nào? | SKĐS

Lê Mỹ Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loi-ich-va-rui-ro-khi-tam-nuoc-nong-169240104143016757.htm