Lợi ích chiến lược

Chính sách 'cây gậy và củ cà-rốt' mà Mỹ thực thi đối với một số quốc gia ở khu vực Trung Đông, châu Phi ngày càng lộ rõ. Mới nhất là 'phần thưởng' dành cho Xu-đăng với việc rút quốc gia Đông Phi này khỏi danh sách 'tài trợ khủng bố', hay 'đòn trừng phạt' áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan bản hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Những bước đi của Oa-sinh-tơn không ngoài mục tiêu bảo vệ các lợi ích chiến lược.

Chính sách “cây gậy và củ cà-rốt” mà Mỹ thực thi đối với một số quốc gia ở khu vực Trung Đông, châu Phi ngày càng lộ rõ. Mới nhất là “phần thưởng” dành cho Xu-đăng với việc rút quốc gia Đông Phi này khỏi danh sách “tài trợ khủng bố”, hay “đòn trừng phạt” áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan bản hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Những bước đi của Oa-sinh-tơn không ngoài mục tiêu bảo vệ các lợi ích chiến lược.

Mỹ chính thức đưa Xu-đăng ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố sau 27 năm quốc gia Đông Phi có tên trong “danh sách đen”. Đây được coi là “phần thưởng” cho chính quyền mới ở Xu-đăng vì đã hợp tác với Mỹ trong nhiều vấn đề. Việc bị nêu tên trong danh sách nước tài trợ khủng bố từ năm 1993 khiến Chính phủ Xu-đăng gặp khó khăn trong việc tiếp cận đầu tư nước ngoài và các thỏa thuận giãn nợ khẩn cấp. Sau khi Tổng thống Xu-đăng A.Ba-sia bị lật đổ, chính quyền chuyển tiếp ở nước này đã có nhiều động thái cải cách và hợp tác đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Xu-đăng đồng ý bồi thường tổng cộng 335 triệu USD cho các nạn nhân người Mỹ sống sót và thân nhân những người chết trong hai vụ tiến công đại sứ quán Mỹ ở Kê-ni-a và Tan-da-ni-a năm 1998, cũng như vụ tiến công năm 2000 nhằm vào tàu khu trục USS Cole ngoài khơi Y-ê-men. Mới đây nhất, dưới sự trung gian của Mỹ, Xu-đăng đã trở thành quốc gia A-rập thứ ba ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với I-xra-en, đồng minh chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. Sau những động thái thiện chí của Xu-đăng, Tổng thống Đ.Trăm đã “bật đèn xanh” để ngỏ khả năng đưa nước này ra khỏi “danh sách đen” của Mỹ.

Bước đột phá ngoại giao trong quan hệ với Mỹ cho phép Xu-đăng thoát khỏi thế bị cô lập, hưởng lợi về kinh tế và có được công nghệ để phát triển đất nước. Bên cạnh đó, Xu-đăng có thể tiếp cận các nguồn viện trợ để thực hiện thỏa thuận hòa bình ký kết với các nhóm phiến quân. Bộ Ngoại giao Xu-đăng khẳng định, quyết định của Oa-sinh-tơn đưa Khắc-tum khỏi “danh sách đen” mở ra cánh cửa để khẳng định sự trở lại của Xu-đăng với cộng đồng quốc tế và sự tái hòa nhập của nước này trong hệ thống tài chính và ngân hàng toàn cầu. Với quyết định mới của Mỹ, Xu-đăng có đủ điều kiện để được miễn trừ khoản nợ hơn 60 tỷ USD và mở ra cơ hội nhận các khoản đầu tư mới, giúp hỗ trợ tái thiết Hãng hàng không quốc gia Sudan Airways, các công ty vận tải đường sông, đường sắt cũng như phát triển nông nghiệp và khai thác khoáng sản, những nhân tố quan trọng giúp Xu-đăng thoát khỏi suy thoái kinh tế kéo dài.

Trong khi đó, một phái đoàn do Cố vấn Nhà trắng G.Cu-snơ dẫn đầu sẽ tới I-xra-en và Ma-rốc vào tuần tới để thảo luận về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mà hai quốc gia này đã đạt được, dưới vai trò trung gian của Mỹ. Sau khi Ma-rốc trở thành nước A-rập thứ tư ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với I-xra-en trong năm nay, Mỹ đã thành công trong thực thi các chính sách nhằm duy trì tầm ảnh hưởng tại Trung Đông, châu Phi. Việc bốn quốc gia A-rập cải thiện quan hệ với đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực này giúp bảo vệ tối đa các lợi ích của Mỹ. Mỹ và Ma-rốc vốn có hợp tác quân sự khăng khít, được thể hiện qua việc tổ chức các cuộc tập trận chung, trao đổi thông tin và hỗ trợ đào tạo. Mỹ hiện là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Ma-rốc, theo đó Oa-sinh-tơn bán cho Ra-bát nhiều máy bay chiến đấu, tàu chiến, xe tăng cùng nhiều phương tiện. Ma-rốc là nơi tổ chức cuộc tập trận “Sư tử châu Phi” hằng năm dưới sự dẫn dắt của Bộ Chỉ huy châu Phi (AFRICOM) của quân đội Mỹ.

Dành “củ cà rốt” cho các nước hợp tác tốt, Mỹ cũng luôn sẵn sàng “cây gậy trừng phạt” để sử dụng trong các tình huống cần thiết. Mỹ mới đây đã thẳng tay giáng “đòn trừng phạt” với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan hợp đồng của đồng minh NATO mua vũ khí của Nga. Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Ủy ban Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), người đứng đầu SSB cùng ba nhân viên cơ quan này liên quan việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ là “sai lầm nghiêm trọng” và kêu gọi Oa-sinh-tơn thay đổi quyết định gây tổn hại quan hệ đồng minh.

Việc Mỹ đưa ra các chính sách khích lệ hợp tác, hay áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nước như Xu-đăng, Ma-rốc, Thổ Nhĩ Kỳ là điều không mới. “Cây gậy” và “củ cà-rốt” luôn song hành trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nhằm giúp Oa-sinh-tơn đạt các mục tiêu, cũng như bảo vệ lợi ích chiến lược.

Thái An

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/loi-ich-chien-luoc-628397/