Lối đi nào cho diêm dân?

QĐND - “Thời gian gần đây, việc diêm dân bỏ nghề, tha hương kiếm sống không còn là chuyện lạ. Người dân chưa thực sự sống được bằng nghề muối, thu nhập khoảng 60.000 đồng/ngày không thể bảo đảm được đời sống trong bối cảnh vật giá tăng cao như hiện nay”. Đó là băn khoăn mà ông Phạm Thanh Bằng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc bày tỏ tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngành muối năm 2011 mới đây.

Vậy, lối đi nào cho diêm dân, cho ngành muối?

Nghịch lý thừa và thiếu muối!

Trên thực tế, còn rất nhiều vấn đề “nóng” đang được đặt ra như: Việc thừa muối ăn nhưng thiếu muối công nghiệp dẫn đến phải nhập cả trăm nghìn tấn muối mỗi năm; bằng cách nào để ổn định ngành muối và đời sống diêm dân… Theo ông Phạm Thanh Bằng, hiện sản xuất muối đang xảy ra một nghịch lý là vừa thiếu lại vừa thừa. Muối ăn chất lượng thấp, diêm dân sản xuất ra không tiêu thụ được, tồn dư hằng năm từ 200.000 đến 300.000 tấn. Trong khi muối nguyên liệu chất lượng cao cho sản xuất công nghiệp lại thiếu, nhu cầu hằng năm là 300.000 tấn, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được gần 100.000 tấn, số thiếu hụt đang trông chờ vào nhập khẩu.

Nông dân huyện Giao Thủy (Nam Định) thu hoạch vụ muối năm 2011. Ảnh: Đình Huệ

Đại diện một số địa phương sản xuất muối đồng tình với phương án nhập khẩu muối chất lượng cao cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành y tế, nhưng vấn đề là cần sử dụng hợp lý nguồn muối này, tránh để xảy ra những tiêu cực. Trường hợp của Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam là một ví dụ. Lợi dụng cơ chế nhập khẩu muối sử dụng trong công nghiệp, doanh nghiệp này đã “phù phép” để biến thành muối ăn (đã bán ra thị trường hơn 23.000 tấn). Vụ việc này như mồi lửa thổi bùng lên bức xúc của diêm dân. Họ cho rằng, giữa lúc giá muối trong nước bấp bênh, đời sống khó khăn, cộng thêm sức ép giảm giá từ việc nhập khẩu muối, thì có nhiều doanh nghiệp lợi dụng cơ chế của nhà nước làm rối loạn thị trường muối trong nước, đẩy người dân đến “bước đường cùng” phải bỏ nghề.

Ông Trịnh Ngọc Chu, Chủ nhiệm HTX muối Bạch Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) bức xúc: Việc này đã xảy ra trực tiếp tại xã Bạch Long từ năm 2009, các doanh nghiệp đưa hơn 10.000 tấn muối nhập về sản xuất muối ăn, dẫn đến giá muối giảm mạnh. Còn năm 2011, giá muối trong nước đang bán 1.500 đồng/kg, nhưng khi có chủ trương nhập 50.000 tấn muối, giá lập tức hạ xuống 1000 đồng/kg.

Đâu là nguyên nhân?

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hồ Xuân Hùng, giải thích: Để xảy ra sự việc nghiêm trọng tại Công ty TNHH một thành viên Hóa chất cơ bản miền Nam, có phần trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Đây là vụ việc đầu tiên phát hiện được từ trước đến nay và có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đó là chưa quản lý liên tục từ khâu cấp phép nhập khẩu đến phân phối sử dụng. Từ đó, để lộ ra những kẽ hở, tạo cơ hội cho doanh nghiệp lợi dụng. Vì vậy, ông Hùng yêu cầu xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị xin nhập nhưng lại không sử dụng đúng mục đích; còn về mặt quản lý nhà nước cũng phải kiểm tra nghiêm ngặt khi cấp phép, phải xem xét cụ thể đối với đơn vị xin nhập.

Việc nhập khẩu muối là dựa trên thỏa thuận giữa Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương. Bộ Công Thương căn cứ nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến công nghiệp để cấp hạn ngạch nhập khẩu và giám sát đúng đối tượng cần xin nhập. Còn Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm ban hành tiêu chí chất lượng muối nhập khẩu để Tổng cục Hải quan kiểm tra. Thế nhưng, việc giám sát nhập và sử dụng muối lâu nay vẫn còn lơi lỏng...

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay nước ta hoàn toàn có thể chủ động được nguồn muối chất lượng cao. Việc hằng năm vẫn phải nhập khẩu một số lượng muối công nghiệp lớn là do chậm đổi mới phương thức sản xuất muối. “Đây là hệ lụy từ việc diêm dân khó tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng. Có tới 99% diêm dân phải đi vay để sản xuất thì chỉ có khoảng 1 đến 2% trong số họ có thể tự trang trải cho việc đầu tư trang, thiết bị sản xuất muối chất lượng cao. Không có vốn đầu tư nên hầu hết sản xuất muối vẫn theo phương thức thủ công, phụ thuộc vào thời tiết. Đồng nghĩa với việc này là chất lượng muối, sản lượng muối đều thấp” - Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho biết.

Giải pháp tháo gỡ

Bà Trần Thị Bình, diêm dân ở tỉnh Nam Định, chia sẻ: “Người làm muối vất vả quanh năm suốt tháng mà không đủ sống. Xót xa lắm khi nghĩ đến giá muối. Mong sao diêm dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi, được nhận nguồn vốn hỗ trợ từ nhà nước để mồ hôi của người làm muối không còn mặn đắng nữa”.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong ngành muối, ổn định đời sống của diêm dân, Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề án “Thu mua muối và sản xuất, cung ứng muối i-ốt”. Mục tiêu của đề án là hằng năm sẽ thu mua khoảng 30 đến 40% khối lượng muối do diêm dân sản xuất. Thay vì thu mua tạm trữ muối cho diêm dân mỗi khi rớt giá, Tổng công ty Lương thực miền Bắc làm đầu mối, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh muối trong cả nước thu mua định kỳ mỗi năm khoảng 200.000 tấn muối cho diêm dân, với mức giá bảo đảm diêm dân có lãi từ 20 đến 30%. Trên cơ sở đó, sẽ sản xuất khoảng 133.000 tấn muối i-ốt, trong đó sẽ cấp không 22.664 tấn cho người dân miền núi cả nước theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg. Thực hiện đề án sẽ giải quyết cơ bản bài toán được mùa mất giá, cải thiện đời sống cho hơn 70.000 diêm dân trên cả nước; cung cấp muối i-ốt bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng, góp phần đẩy lùi bệnh tật.

Bộ NNPTNT cũng sẽ điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành muối, tập trung vào những vùng sản xuất muối hiệu quả. Còn những vùng sản xuất kém chất lượng, năng suất thấp sẽ tìm giải pháp chuyển nghề cho người lao động. Đối với những vùng nằm trong quy hoạch, không thể chuyển đổi sang ngành nghề khác thì đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng muối; hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho diêm dân ứng dụng những kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt, sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất muối sạch, tạo nguồn cung cấp nguyên liệu muối chất lượng cao cho các ngành công nghiệp. Điển hình như đồng muối Quán Thẻ (Ninh Thuận), Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Vĩnh Hảo (Bình Thuận)… là những nơi có khả năng đầu tư tập trung. Hiện nay, Bộ NNPTNT cũng đang xúc tiến nhanh việc thực hiện 5 dự án xây dựng mô hình sản xuất muối sạch tại các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng lưu ý, bình quân mỗi năm nước ta chỉ nhập khẩu từ 120.000 đến 150.000 tấn muối (chiếm khoảng 10% so với sản lượng muối trong nước), nhưng việc công bố thời điểm cho phép nhập khẩu muối phục vụ sản xuất công nghiệp cũng phải thích hợp, không để làm vỡ thị trường muối trong nước, ảnh hưởng đến đời sống của diêm dân.

Các đại diện của tỉnh Nam Định, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu… đề xuất ngành nông nghiệp cần xây dựng mô hình liên minh HTX sản xuất muối, tăng cường đầu tư hạ tầng sản xuất, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, tạo đầu ra ổn định giá muối. Đồng thời, đề nghị Bộ NNPTNT nhanh chóng xây dựng các kho dự trữ muối quốc gia. Điều này, góp phần bình ổn và điều tiết cung cầu khi cần thiết (những kho này sẽ do họ tự bỏ vốn, chỉ cần tạo điều kiện về mặt hành lang pháp lý)…

Có thể nói, bức tranh về ngành muối hiện khá ảm đạm, nhưng vẫn thấy điểm xuyết những gam màu sáng. Tiêu biểu như công nghệ kết tinh muối trên bạt ni-lông (được ứng dụng tại tỉnh Nam Định) làm tăng năng suất lên 1,3 tới 1,4 lần so với sản xuất muối trên nền xi măng; áp dụng công nghệ phủ bạt che mưa ô kết tinh, kết tinh dài ngày đưa chất lượng muối lên loại I ở Khu công nghiệp Tri Hải tỉnh Ninh Thuận… Đây là những mô hình thúc đẩy cho ngành muối phát triển, mở lối đi cho diêm dân, cần được khuyến khích, mở rộng.

Bộ NNPTNT dự báo sản xuất muối năm 2012 với diện tích 14.040ha, sản lượng 1 triệu tấn, trong đó sản lượng muối thủ công 750.000 tấn; sản lượng muối công nghiệp 250.000 tấn. Cũng trong năm 2012, Bộ sẽ thực hiện xây dựng quy hoạch phát triển muối 2015-2020, tầm nhìn đến 2030 trên cơ sở rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch vùng muối trên phạm vi cả nước theo hướng tập trung vào những vùng thuận lợi sản xuất muối.

(Nguồn: Bộ NNPTNT)

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/165618/Default.aspx