Loay hoay du lịch bảo tàng

Quảng Nam sở hữu nhiều bảo tàng với hàng nghìn hiện vật có giá trị độc đáo, đáng chú ý hầu hết bảo tàng đều nằm trên các tuyến đường du lịch, dù vậy việc phát huy giá trị, lợi thế những điểm đến này vẫn chưa như kỳ vọng.

Thúc đẩy du lịch bảo tàng phát triển không chỉ tạo thêm sự phong phú điểm đến mà còn góp phần giới thiệu hình ảnh văn hóa, lịch sử vùng đất Quảng Nam. Ảnh: V.L

Chưa kết nối doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Dũng - hướng dẫn viên Công ty Du lịch An Phú tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe nói về những bộ đèn cổ quý đang trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. “Thật sự, đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến điều này” - ông Dũng nói.

Hơn 15 năm đưa khách du lịch từ Hội An lên Mỹ Sơn tham quan với hàng nghìn lần qua lại bảo tàng, ông Dũng chưa bao giờ nghĩ Bảo tàng Điện Bàn có nhiều hiện vật quý. Đây cũng là thực trạng của nhiều bảo tàng trên địa bàn tỉnh khi rất thiếu thông tin hoặc công tác quảng bá, giới thiệu rất mờ nhạt.

Tại Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên (xã Duy Sơn) mặc dù nằm trên tuyến ĐT 610 dẫn đến Khu di tích Mỹ Sơn và là nơi trưng bày, giới thiệu hơn 300 hiện vật giá trị thuộc 2 nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, tuy nhiên lượng khách ít ỏi.

Bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật như mộ chum, trang sức (khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, chuỗi mã não, thủy tinh…) cùng hàng trăm hiện vật Champa có niên đại từ thế kỷ 1- 8 như đồ dân dụng (đĩa gốm, nồi gốm, ấm, chuỗi hạt, đá mài, quả cân đá, đinh đồng, dao đồng, chỉ lưới, bi gốm); vật trang trí kiến trúc đền tháp (tai lửa, chóp tháp, gạch Chăm; tượng thần, tu sĩ, linga - yoni…).

Thống kê qua 9 tháng của năm 2023, nơi đây đón khoảng 1.500 lượt khách, phần lớn là học sinh, nhà nghiên cứu, thỉnh thoảng khách du lịch nước ngoài đi lẻ hoặc nhóm, nhưng số lượng không nhiều.

Tương tự, Bảo tàng Điện Bàn, từ đầu năm đến nay hầu như không có khách du lịch nào ghé thăm, chủ yếu chỉ có học sinh đến tìm hiểu, học tập. Bảo tàng Điện Bàn là nơi duy nhất ở Quảng Nam, kể cả miền Trung đang lưu giữ bộ đèn cổ quý hiếm với hơn 500 chiếc, niên đại từ thế kỷ 16 - 20.

Theo đại diện lãnh đạo Trung tâm VH-TT&TT-TH thị xã Điện Bàn (quản lý Bảo tàng Điện Bàn), những năm qua đơn vị cũng đã làm nhiều cách từ phát tờ gấp, giới thiệu trên website, miễn phí tham quan, kết nối với một số doanh nghiệp du lịch tại Hội An… nhưng hầu như không hiệu quả.

Có thể thấy, mặc dù sở hữu nhiều hiện vật độc đáo, nhưng để phát huy giá trị hiện vật bảo tàng gắn với du lịch là vấn đề không hề đơn giản. Một trong những yếu tố quan trọng chính là sự thiếu kết nối với doanh nghiệp và du khách.

Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam khẳng định, đối tượng khách bảo tàng hướng tới chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên, các đoàn thể… thỉnh thoảng có vài nhóm khách nước ngoài đến tìm hiểu, nghiên cứu như cựu chiến binh Mỹ, Hàn Quốc… nhưng số lượng này không đáng kể. Khách du lịch hầu như không có.

Đẩy mạnh truyền thông

Một trong những yếu tố gắn kết du lịch với bảo tàng chính là sự độc đáo của hiện vật cũng như cách trưng bày sinh động, mang tính trải nghiệm, tương tác với người xem. Đặc biệt, công tác quảng bá giới thiệu phải được đưa lên hàng đầu.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng - hướng dẫn viên Công ty Du lịch An Phú, ngoài đẩy mạnh truyền thông, thì việc trưng bày hiện vật cũng rất quan trọng nhằm mang đến sự hấp dẫn, lôi cuốn khách.

“Khách từ Hội An đi Mỹ Sơn hầu như đã có chương trình, thời gian định sẵn rất khó có thể thay thế hoặc bổ sung thêm điểm đến nếu như những thông tin về các bảo tàng này khách chưa từng biết. Cho nên, đa số khách không quan tâm hoặc thấy không cần thiết phải ghé vào những điểm này” - ông Dũng phân tích.

Dịch chuyển không gian du lịch ra ngoài phố cổ Hội An là một trong những mục tiêu đang được ngành du lịch Quảng Nam triển khai, trong đó những điểm đến sinh thái, văn hóa như bảo tàng rất được chú trọng.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nhìn nhận, du lịch bảo tàng dù khó khăn nhưng không phải không thể thực hiện. Trong đó, sự thành công của một số mô hình bảo tàng trong nước như Quảng Ninh hay Đà Nẵng, đặc biệt là hệ thống bảo tàng chuyên đề Hội An là minh chứng cho sức hấp của loại hình du lịch này.

“Bên cạnh những hiện vật quý, một vấn đề khác chính là cách thực hiện và kết nối doanh nghiệp. Như Bảo tàng Điện Bàn, thật sự đến bây giờ tôi không hề biết đang trưng bày nhiều bộ đèn cổ quý nơi đây” - ông Thủy nói.

Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, bảo tàng là sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao. Do đó, để du khách biết đến, ngoài công tác trưng bày hiện vật nhằm tạo sự hấp dẫn, mới lạ lôi cuốn khách thì vấn đề truyền thông phải được chú trọng nhằm tạo sức hút cho bảo tàng.

Được biết, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn ngoài quản lý Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên còn quản lý Bảo tàng Mỹ Sơn. Riêng tại Bảo tàng Mỹ Sơn, kể từ khi các chuyên gia Italia hỗ trợ trưng bày lại hiện vật, mỗi ngày có khoảng 70% khách tham quan khu đền tháp ghé thăm.

Với Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Champa Duy Xuyên, bên cạnh rà soát lại việc trưng bày, thời gian tới cũng sẽ nghiên cứu phát triển các dịch vụ nhằm không chỉ tạo nguồn thu mà còn tạo điểm dừng chân ấn tượng trên hành trình khám phá Mỹ Sơn.

VĨNH LỘC

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/van-hoa/loay-hoay-du-lich-bao-tang-152262.html