"Loạn" thuốc BVTV: Cơ quan quản lý “bó tay”, người tiêu dùng chịu thiệt

Đến bao giờ cảnh đại lý thuốc BVTV “mờ mắt” vì lợi nhuận mà bán thuốc độc cho khách hàng, người nông dân “nhắm mắt” phun thuốc, cơ quan quản lý “hoa mắt” vì quá nhiều loại thuốc, người tiêu dùng chặc lưỡi “khuất mắt trông coi” mới hết?

Một khảo sát của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) cho thấy, hầu hết thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sử dụng ở Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Trung bình, hằng năm, Việt Nam nhập khẩu trên 70.000 tấn thành phẩm, với giá trị từ 210 - 500 triệu USD, trong đó có tới hơn 90% nhập khẩu từ Trung Quốc. Báo cáo của Cục BVTV cũng cho hay, từ năm 2004 đến nay đã tăng cao, cá biệt như năm 2008, lượng thuốc BVTV nhập khẩu lên tới hơn 100.000 tấn. Phần lớn số thuốc BVTV này đều được “sử dụng tại chỗ” chỉ có khoảng 2.000 tấn được xuất sang nước thứ ba.

Theo thống kê của Cục BVTV, Bộ NN&PTNT, trên thị trường Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.100 loại thuốc trừ sâu với đủ loại giá, tên gọi, thương hiệu.

Thuốc đã lắm loại, toàn tên nước ngoài, hệ thống phân phối cũng “loằng ngoằng” chẳng kém. Theo các cơ quan chức năng, riêng khu vực đồng bằng sông Hồng có khoảng 1.000 đại lý thuốc BVTV gồm cả những đại lý có đăng ký và các đại lý “không có trong danh sách nhưng vẫn bán thuốc đều đều”. Năm ngoái, Chi cục BVTV Hà Nội kiểm tra tại 39 cửa hàng, công ty buôn bán thuốc BVTV, đã phát hiện 9 trường hợp vi phạm. Vừa qua, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phát hiện 13 loại thuốc đã hết hạn sử dụng với hàng trăm gói, nhưng vẫn được lưu giữ ở cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV Dũng Hà ở thị trấn Tây Đằng, Ba Vì.

Kiểm tra kỹ hơn, các cán bộ BVTV “giật nảy mình” khi phát hiện đại lý Dũng Hà có tới 3 kho chứa đủ các loại thuốc, từ loại đóng gói đến đóng chai, từ thuốc sinh học đến các loại thuốc cực độc. Tại kho hàng phía sau, lực lượng kiểm tra đã phát hiện một bao tải đựng thuốc thúc chín hoa quả xuất xứ Trung Quốc. Một cán bộ trong Đoàn kiểm tra cho hay: “Đây là thuốc ngoài luồng, vì Cục BVTV chưa cấp phép cho bất kỳ loại thuốc bảo quản hoa quả nào được sử dụng ở Việt Nam”. Chủ đại lý, khi được hỏi về nguồn gốc số thuốc trên, trả lời, mình chỉ “mua hộ” và mua của “người đi đường”(?!) Song, khi được hỏi người khách đặt mua lượng lớn số thuốc thúc chín hoa quả này là ai, bà chủ lắc đầu, chỉ trả lời là “không biết”.

Số thuốc thúc chín hoa quả phát hiện tại đại lý Dũng Hà lên tới hơn 1.500 ống. Vậy mà, trước đây 2 tháng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Hà Nội lại báo cáo Bộ NN&PTN rằng qua kiểm tra, không phát hiện tình trạng sử dụng loại thuốc ngoài luồng để “ép” chín hoa quả tại Hà Nội?

Thêm nữa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Phùng Hữu Hào cho rằng, thuốc thúc chín hoa quả hiện nay, chủ yếu là Ethephon, không độc, không gây ung thư, về bản chất gây nguy hại với sức khỏe con người không cao.

Tuy nhiên, trên bao bì của loại thuốc “thúc chín tố” vừa được Thanh tra Sở NN&PTNT phát hiện tại huyện Ba Vì có in nhãn mác phụ bằng tiếng Việt ghi rõ: “Loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da”. Một loại thuốc có tính năng ăn mòn kim loại thì liệu có không gây độc cho người tiêu dùng như lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản nói. Và còn bao nhiêu đại lý thuốc BVTV đang hằng ngày, hằng giờ bán những loại thuốc độc để bà con nông dân phun lên rau, hoa quả phục vụ thị trường Thủ đô?

Đến bao giờ cảnh đại lý thuốc BVTV “mờ mắt” vì lợi nhuận mà bán thuốc độc cho khách hàng, người nông dân “nhắm mắt” phun thuốc, cơ quan quản lý “hoa mắt” vì quá nhiều loại thuốc, người tiêu dùng chặc lưỡi “khuất mắt trông coi” mới hết?

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2013/10/211662.cand