Loạn thông tin về thủ phạm vụ khủng bố ở Moscow

Ngay sau vụ tấn công đẫm máu làm hơn 100 người thương vong tại Moscow hôm 22/3, ISIS-K, một chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã đứng ra nhận trách nhiệm. Nhưng, truyền thông Nga cho hay, dư luận nước này vẫn nghi ngờ thủ phạm là những lực lượng khác.

Đêm kinh hoàng ở nhà hát

Những khán giả tới theo dõi buổi biểu diễn của ban nhạc rock Picnic tại trung tâm mua sắm và biểu diễn nghệ thuật Crocus City Hall ở ngoại vi thủ đô Moscow (Nga) tối 22/3 hẳn đều không ngờ, đấy lại là một đêm kinh hoàng và chết chóc.

Ngay trước giờ khai mạc đêm nhạc, khi người xem còn chưa kịp ổn định chỗ ngồi thì có một nhóm tay súng mặc quần áo ngụy trang bất ngờ xông vào khán phòng. Chúng vãi đạn vào tất cả những ai trong tầm mắt, đặc biệt là ở những hàng ghế đầu.

Xe cứu thương túc trực bên ngoài, trong khi lực lượng cứu hỏa tiến vào dập đám cháy do nhóm khủng bố gây ra ở Crocus City Hall, ngoại vi Moscow. Ảnh: CNN

Alexei, một nhà sản xuất âm nhạc, kể với hãng tin AFP rằng anh đang tiến vào chỗ ngồi thì nghe thấy tiếng súng và “rất nhiều tiếng la hét”. “Tôi nhận ra ngay rằng đó là tiếng súng trường tự động và hiểu rằng rất có thể đây là điều tồi tệ nhất: một cuộc tấn công khủng bố”, Alexei, người không cho biết họ của mình, thuật lại. Nhà sản xuất âm nhạc này nói thêm, khi mọi người chạy về phía lối thoát hiểm, “có một sự chen lấn khủng khiếp” vì đám đông hỗn loạn trèo lên nhau để thoát ra ngoài.

Sau khi sát hại hàng chục người trong khán phòng, các tay súng rút lui và phóng hỏa làm cháy trung tâm Crocus City Hall, khiến mái của tòa nhà bị phá hủy một phần trong khi khói lửa cũng làm thêm nhiều nạn nhân thương vong.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, vụ hỏa hoạn tại Crocus City Hall đã thiêu rụi một diện tích lên tới 12.900 mét vuông và sau nỗ lực cứu hỏa bằng mọi phương tiện, bao gồm cả máy bay trực thăng, vào khoảng 1h sáng ngày 23/3, theo giờ Moscow, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Nhưng, những kẻ khủng bố đã kịp thời tẩu thoát trước khi lực lượng an ninh và đặc nhiệm của Nga kịp tới hiện trường.

Hình ảnh camera an ninh ghi lại cảnh những kẻ khủng bố tiến vào phòng hòa nhạc ở Crocus City Hall và nổ sung. Ảnh: Times of India.

Theo TASS cập nhật tối 23/3, có ít nhất 113 nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko hôm 23/3 cho biết, có 115 người phải nhập viện, trong đó có 5 trẻ em và 1 em đang nguy kịch. Trong số 110 người bị thương là người lớn, 60 người rất nặng và một số được cho rằng khó qua khỏi.

Vụ tấn công đã gây sốc trên toàn thế giới. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là một trong những người đầu tiên gửi lời chia buồn khi bày tỏ tin tưởng rằng những kẻ tổ chức và thủ phạm vụ tấn công phải bị trừng phạt thích đáng. Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã giao nhiệm vụ cho lực lượng thực thi pháp luật nước này hỗ trợ các đồng nghiệp Nga nếu cần.

Nguyên thủ của hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, kể cả những nước không thân thiện với Nga, và lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế đều gửi lời hỏi thăm, chia buồn với gia đình các nạn nhân cũng như lên án mạnh mẽ những kẻ thủ ác.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mô tả đây là “vụ tấn công khủng bố tàn bạo và hèn nhát”, đồng thời bày tỏ sự cảm thông và chia buồn “sâu sắc nhất” tới gia đình các nạn nhân và người dân Nga.

Các thành viên Hội đồng cũng tái khẳng định rằng chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó tạo thành “một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất” đối với hòa bình, an ninh quốc tế và nhấn mạnh sự cần thiết phải buộc thủ phạm, người tổ chức, nhà tài trợ cho những hành động khủng bố này phải chịu trách nhiệm trước công lý.

Lực lượng cứu hộ dọn dẹp phòng hòa nhạc đã bị cháy rụi. Ảnh: AP.

ISIS-K nhận trách nhiệm nhưng người Nga chưa tin

Chỉ ít giờ sau vụ tấn công tại Crocus City Hall, ISIS-K, tức Islamic State-Khorasan, một chi nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có trụ sở ở Afghanistan, đã đứng ra nhận trách nhiệm.

Trong một tuyên bố ngắn do Amaq, hãng thông tấn có liên kết với IS, đăng trên ứng dụng nhắn tin Telegram, nhóm khủng bố này cho biết chúng đã tổ chức và thực hiện vụ tấn công tại Moscow và các tay súng của chúng “đã rút lui về căn cứ an toàn”.

Trong khi đó, tờ New York Times và hãng tin CBS News dẫn lời một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cho biết nước này được cho là có thông tin tình báo xác nhận trách nhiệm của IS. Theo đó, các quan chức chống khủng bố Mỹ vào tháng 3 từng thu thập được thông tin tình báo rằng ISIS-K đã lên kế hoạch tấn công Moscow, trong khi nhiều thành viên IS cũng đã hoạt động ở Nga.

Báo South China Morning Post cho biết, vài giờ trước vụ khủng bố ở Crocus City Hall, Cơ quan An ninh Quốc gia Nga (FSB) đã ngăn chặn một cuộc tấn công vào giáo đường Do Thái ở Moscow do ISIS-K thực hiện. Nhưng, tờ báo cũng chưa có thêm manh mối nào cho thấy sự liên hệ giữa sự kiện này và thảm kịch đêm 22/3.

Ngược lại, một số phương tiện truyền thông Nga lại tuyên bố rằng thông tin về việc ISIS-K tiến hành cuộc tấn công là không chính xác, nhất là khi chưa có gì để kiểm chứng ngoài một thông báo trên Telegram. Hãng tin Sputnik thậm chí dẫn lời bà Margarita Simonyan, Tổng Biên tập tập đoàn truyền thông mẹ của Sputnik, Rossiya Segodnya, cho rằng Ukraine và phương Tây đã sử dụng các thông tin giả mạo để thuyết phục mọi người rằng IS đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố.

Người đứng đầu tập đoàn truyền thông của Nga nhấn mạnh rằng tên và nhân dạng của thủ phạm đã được chính quyền biết đến và những kẻ khủng bố đã khai báo mọi thứ trong quá trình thẩm vấn. Tất nhiên, cá nhân bà Segodnya và Sputnik cũng chưa có chứng cứ nào cụ thể để chứng minh điều đó.

Về phía Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng, ông John Kirby khi được hỏi về vấn đề này đã tuyên bố “không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine và người Ukraine có liên quan”. Ukraine cũng phủ nhận mọi sự dính líu đến vụ tấn công. “Ukraine chưa bao giờ sử dụng các phương pháp khủng bố”, Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X. Quân đoàn Tự do Nga, một lực lượng dân quân thân Ukraine thường nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công vào khu vực biên giới của Nga, cũng tuyên bố không liên quan đến vụ khủng bố tại Moscow.

Người dân đặt hoa viếng các nạn nhân tại một địa điểm tưởng niệm dựng tạm bên ngoài hiện trường vụ khủng bố. Ảnh: DW.

Những nghi phạm đầu tiên bị bắt

Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc điều tra truy tìm thủ phạm được lập tức tiến hành sau đó, lực lượng an ninh Nga đã bắt giữ 11 người, trong đó có 4 tay súng bị nghi ngờ liên quan đến vụ khủng bố tại Crocus City Hall.

Điện Kremlin cho biết Giám đốc FSB, ông Alexander Bortnikov đã báo cáo với Tổng thống Vladimir Putin rằng những nghi can bị bắt giữ bao gồm "4 kẻ khủng bố" và cơ quan này đang nỗ lực xác định đồng phạm của chúng.

TASS trích thông báo từ FSB lưu ý rằng, “các nhà điều tra đã xác định rằng cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch cẩn thận. Vũ khí mà những kẻ khủng bố sử dụng đã được cất vào kho từ trước”. Trong khi đó, FSB cho biết thêm, cả 4 nghi phạm này bị bắt cách nhau vài giờ và đều bị giam giữ tại khu vực Bryansk của Nga, giáp biên giới Ukraine.

Theo trang tin Baza của Nga, FSB đã xác minh được danh tính của 4 kẻ bị bắt và tất cả đều mang quốc tịch Tajikistan, bao gồm Nasridinov Makhmadrasul, 37 tuổi; Ismonov Rivozhidin, 51 tuổi; Safolzoda Shokhinjonn, 21 tuổi và Nazarov Zustam, 29 tuổi.

Trước đây, Moscow và các thành phố khác của Nga từng là mục tiêu tấn công của các nhóm phiến quân Hồi giáo nhưng cũng có những vụ việc không mang theo động cơ chính trị rõ ràng. Năm 2002, một sự việc tương tự xảy ra khi các chiến binh ly khai Chechnya bắt 912 người làm con tin tại nhà hát Dubrovka ở Moscow, yêu cầu quân đội Nga rút khỏi khu vực. Đặc nhiệm Nga đã tấn công nhà hát để tiêu diệt nhóm khủng bố và giải cứu con tin nhưng 130 người đã thiệt mạng trong cuộc đột kích này.

Sau vụ khủng bố tại Crocus City Hall hôm 22/3, Nga đã thắt chặt an ninh tại các sân bay, trung tâm giao thông và khắp vùng thủ đô Moscow - khu đô thị rộng lớn với hơn 21 triệu dân. Tất cả các sự kiện công cộng quy mô lớn đều bị hủy bỏ trên khắp đất nước, trong đó có trận bóng đá giao hữu giữa Đội tuyển Nga và Đội tuyển Paraguay dự kiến diễn ra ngày 25/3.

Trong phát biểu đầu tiên trước công chúng sau vụ tấn công, Tổng thống Nga, Vladimir Putin cho biết, các biện pháp chống khủng bố và chống phá hoại bổ sung đã được áp dụng ở Moscow và tất cả các vùng của đất nước. “Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi bây giờ là ngăn chặn những kẻ đứng sau vụ thảm sát đẫm máu này phạm tội khác” người đứng đầu nước Nga nói trong bài phát biểu được hãng tin Sputnik đăng lại toàn văn.

“Tất cả thủ phạm, người tổ chức và chủ mưu của tội ác này sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt công bằng và không thể tránh khỏi, bất kể họ là ai và ai chỉ đạo họ. Tôi nhấn mạnh một lần nữa: chúng tôi sẽ xác định và đưa ra công lý từng cá nhân đứng đằng sau những kẻ khủng bố này, những kẻ đã dàn dựng hành động tàn bạo này chống lại nước Nga và nhân dân chúng tôi”, Tổng thống Putin nhấn mạnh.

ISIS-K là tổ chức nào và vì sao được cho có liên quan?

Nhóm nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Moscow hôm thứ 22/3 là chi nhánh của IS ở Afghanistan có tên là tỉnh Khorasan, một thuật ngữ cũ để chỉ khu vực bao gồm các phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan. Do đó, nhóm này thường được viết tắt là ISIS-K.

Nhóm khủng bố này nổi lên ở miền Đông Afghanistan vào cuối năm 2014 và nhanh chóng tạo dựng được danh tiếng về sự tàn bạo cực độ. Tháng 9/2022, ISIS-K cũng nhận trách nhiệm về vụ đánh bom liều chết tại Đại sứ quán Nga ở Kabul (Afghanistan).

Những tay súng ISIS-K, nhóm khủng bố đã nhận gây ra vụ tấn công tại Moscow. Ảnh: New York Post.

Nhà phân tích Colin Clarke, thuộc Trung tâm Soufan, một tổ chức nghiên cứu an ninh có trụ sở tại New York, cho biết: “ISIS-K đã hướng sự tập trung vào Nga trong 2 năm qua và thường xuyên chỉ trích Tổng thống Vladimir Putin”. Trong khi đó, ông Michael Kugelman, chuyên gia của Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington cho biết, ISIS-K “cáo buộc Nga đồng lõa trong các hoạt động thường xuyên đàn áp người Hồi giáo”. Ông Kugelman nói thêm rằng, nhóm này cũng được coi là thành viên của các lực lượng khủng bố Trung Á có mối thù hận với Moscow.

Đấy là những dữ liệu khá logic để công chúng dễ suy luận ISIS-K là tổ chức đã ra tay trong vụ tấn công tại Moscow. Nhưng, theo phía Nga, để thực sự tin rằng, nhóm khủng bố này là thủ phạm, vẫn cần thêm những bằng chứng cụ thể và xác đáng hơn.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/loan-thong-tin-ve-thu-pham-vu-khung-bo-o-moscow-i726473/