Loạn giá bảo trì thang máy

Thị trường thang máy Việt Nam đang rất sôi động, được định giá lên tới hàng trăm triệu USD. Phía sau sức nóng là những câu chuyện nhức nhối, khó khăn về khâu bảo trì, bảo dưỡng do loạn giá, phụ thuộc nhà phân phối từ nước ngoài…

Với dân số 100 triệu người, trong đó có 40% dân số sống ở thành thị, hiện Việt Nam có khoảng 400.000 thang máy và nhu cầu lắp mới trên 10.000 thang máy/năm. Thị trường này được Research and Markets định giá gần 400 triệu USD.

Thị trường tăng trưởng nóng

Theo báo cáo của Research and Markets, quy mô thị trường thang máy và thang cuốn ở Đông Nam Á được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng là 5,1% trong giai đoạn 2021-2027. Đáng chú ý, cũng theo bộ phận nghiên cứu của đơn vị này, thị trường thang máy Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng là 8,28% trong giai đoạn 2017-2027.

Tủ điều khiển thang máy với ưu điểm là có thiết bị bảo trì từ xa 24/7.

Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân và tổ chức có liên quan đến thị trường thang máy. Trong năm 2022, tại Việt Nam có khoảng 24.600 thang máy được lắp đặt. Trong đó, khối lượng thang máy dùng cho nhà thấp tầng (từ 10 tầng trở xuống) là khoảng 14.600 cây (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng thang máy).

Nhu cầu sử dụng thang máy tại các tòa nhà cao tầng, cơ sở hạ tầng công cộng và khu đô thị hiện đại được dự báo sẽ ngày càng tăng. Điều này tạo ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho thị trường thang máy Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển nóng của ngành, một trong những vấn đề đặt ra và cần phải giải quyết là bảo trì, bảo dưỡng thang máy. Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức cho biết: hiện Việt Nam đã có quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy khâu thiết kế, lắp đặt. Nhưng chúng ta vẫn còn thiếu các quy định pháp lý trong quá trình sử dụng, ví dụ ai sẽ được bảo dưỡng thang, bao lâu thì phải thay thế thiết bị?

Nhập nhèm điều này, nhiều đơn vị kinh doanh chỉ làm nhiệm vụ đơn thuần là bán thang, sau đó thuê đơn vị khác lắp đặt, sửa chữa, bảo trì. Phần lớn các đơn vị này không có sự kiểm soát về chất lượng với nhau cũng như không có sự kiểm soát về chất lượng và cam kết lâu dài. Thậm chí, gần như sau khi bàn giao thang và kiểm tra tải, doanh nghiệp bán thang không còn nghĩa vụ gì với người mua.

Giải pháp nghiên cứu làm chủ công nghệ

Đáng lo hơn, qua khảo sát hiện nay dịch vụ sửa chữa và lắp đặt thang máy đang khá “loạn giá” khiến người tiêu dùng cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan quản nhà nước hoang mang giữa “ma trận”, phí bảo trì, sửa chữa thang máy hư hỏng có thể dao động từ 600.000 đồng/lần tới hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/lần (đối với dòng thang máy cao cấp).

Đơn cử, sản phẩm thang máy khi sử dụng được một thời gian, bộ điều khiển có thể gặp sự cố trong quá trình sử dụng và cần thay thế để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, chi phí của các bộ điều khiển thay mới có thể bị báo giá cao hơn gấp 4 lần so với bộ điều khiển ban đầu. Chưa kể, thời gian nhập về từ hãng rất lâu 3-5 tháng khiến người dân ở các tòa nhà có thể lâm vào tình cảnh “khốn khổ” do thang máy không thể một ngày không dùng.

Nhìn nhận khó khăn của doanh nghiệp sản xuất và phân phối thang máy là đưa sản phẩm của tới tay người tiêu dùng với chi phí hoàn toàn hợp lý, đảm bảo các dịch vụ bảo trì bảo dưỡng, mà không cần mất thời gian chờ linh kiện từ hãng ở nước ngoài, ông Bùi Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Điện Nam Phương (đơn vị cung cấp dịch vụ thay thế điều khiển thang máy Intec của Đức) cho biết, doanh nghiệp này đã nỗ lực tiến tới làm chủ công nghệ.

“Chúng tôi hợp tác với Tập đoàn Intec của Đức nhằm đưa công nghệ thang máy định vị chính xác tuyệt đối về Việt Nam, theo đó thang máy được định vị ở mọi lúc mọi nơi, bộ điều khiển tự động điều chỉnh khoảng cách phanh, nhận biết được điểm đến của thang và đưa ra các tín hiệu để thang máy hoạt động êm ái, chuẩn xác mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng sử dụng sản phẩm”, ông Phương nói. Đồng thời, hợp tác phát triển tủ điều khiển thang máy với ưu điểm là có thiết bị bảo trì từ xa 24/7, người quản lý có thể đọc được thông tin vận hành như số lượt đi, số lượt lỗi và các hướng dẫn xử lý lỗi từ xa mà không cần đến trực tiếp.

Theo đó, giải pháp của Nam Phương là sẽ phân phối trực tiếp các sản phẩm tủ điện, bộ điều khiển đến người sử dụng, với chi phí chỉ bằng ¼ so với tủ điện điều khiển của các hãng trên thị trường, tránh người tiêu dùng bị báo giá ảo khi sửa chữa.

“Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp bộ điều khiển trong nước, hướng tới việc xuất khẩu sang các thị trường như Malaysia, Singapore”, ông Phương nhìn nhận đây mới là hướng đi đường dài của doanh nghiệp trong một thị trường đang tăng trưởng mạnh như hiện nay.

Trước thách thức của thị trường thang máy, các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chủ động để làm chủ công nghệ, đảm bảo đồng hành với người sử dụng sau thương vụ bán hàng, tránh “đem con bỏ chợ”. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nâng cao năng lực quản lý nhà nước để từng bước minh bạch hóa thị trường thang máy mang đến sự an toàn, chất lượng và tiện nghi cho người sử dụng thang máy tại Việt Nam.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/loan-gia-bao-tri-thang-may-1097164.html