Loạn cảm họng là bệnh gì, điều trị thế nào?

Loạn cảm họng là một hội chứng gây ra bởi nhiều bệnh. Bệnh thường thể hiện ở cảm giác có dị vật mắc trong họng hoặc có khối u phát triển, chèn ép họng. Các triệu chứng kèm theo: ngứa họng, đau mỏi cổ, tê vai gáy, đầy bụng, ăn kém ngon, ợ hơi, trầm cảm...

1. Thế nào là loạn cảm họng?

Loạn cảm họng (dị cảm họng) là một hội chứng do nhiều bệnh khác nhau gây ra và dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý: mắc xương, viêm họng hạt, viêm Amiđan mạn… nên thường được điều trị không đúng làm người bệnh lo lắng.

Bệnh nhân có cảm giác vướng rát họng, đau họng, đau góc hàm, đau trước cổ, đau hai bên cổ… khi nuốt nước miếng nhưng nuốt thức ăn không đau.

Loạn cảm họng thường gặp ở phụ nữ tuổi 40 – 50 trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Loạn cảm họng thường hay gặp ở phụ nữ tuổi 40 – 50 trong giai đoạn tiền mãn kinh, hay ở những nam giới hay hút thuốc lá và uống rượu; cũng thường gặp ở những người có tiền sử đau dạ dày

2. Các dấu hiệu loạn cảm họng

Khi bị loạn cảm họng, người bệnh sẽ cảm thấy các dấu hiệu:

- Người bệnh thường cảm thấy vướng họng, đau rát họng, đôi khi lại đau góc hàm, đau trước cổ, đau hai bên cổ... Đây là cảm giác chủ quan khi nuốt nước miếng suông, còn khi nuốt thức ăn hoặc uống nước lại bình thường, không đau.

- Bên cạnh đó, người bệnh còn có các dấu hiệu khác như ngứa họng, đau mỏi cổ, tê vai gáy, ợ hơi, đầy bụng, ăn kém ngon, trầm cảm hoặc cảm thấy tức ngực...

- Có cảm giác khó thở như không hít được không khí vào phổi, nuốt nước bọt cảm giác có dị vật, xương… nằm ngang cổ họng, cứ phải khịt liên tục nhưng khi khạc thì không có gì cả.

3. Nguyên nhân gây loạn cảm họng

Loạn cảm họng hay gặp nhất là: ở giai đoạn rối loạn nội tiết trong thời kỳ tiền mãn kinh; thay đổi tâm lý hay bị stress.

Loạn cảm họng còn do các nguyên nhân:

- Các triệu chứng rối loạn chức năng dạ dày, đặc biệt là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản kéo dài; Sử dụng các thuốc chống trào ngược, những thuốc chống viêm dạ dày, thuốc kháng acid dạ dày, ức chế bơm proton, thuốc làm nhanh rỗng dạ dày…

- Các bất thường cấu trúc giải phẫu: mỏm trâm dài, các bệnh về đốt sống cổ như thoát vị chép ép vùng đĩa đệm, đau mỏi vai gáy…

- Những bất thường về tâm lý, trầm cảm, thiểu năng tuyến giáp…

- Các bệnh lý làm khô tuyến nước bọt và bệnh đái tháo đường.

- Tình trạng bệnh lý ở những bệnh nhân sau xạ vùng cổ; Hội chứng rối loạn khớp thái dương hàm.

4. Điều trị bệnh thế nào?

Điều trị nguyên nhân là yếu tố quyết định sự thành công của chữa trị hội chứng loạn cảm họng. Bác sĩ sẽ thăm khám toàn diện kết hợp hỏi tiền sử bệnh giúp xác định nguyên nhân rõ ràng để điều trị:

- Nếu nguyên nhân gây ra loạn cảm họng là viêm amidan mãn tính, dài mỏm trâm... thì phẫu thuật sẽ giúp bệnh nhân khỏi bệnh.

- Nếu chưa tìm được nguyên nhân, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định các phương pháp điều trị nội khoa: các thuốc giảm viêm, phù nề kết hợp với các thuốc giảm đau, an thần, đồng thời bổ sung nội tiết tố nữ ở phụ nữ mãn kinh.

- Nếu nguyên nhân do trầm cảm, lo âu, gặp stress thì cần điều trị các thuốc chống trầm cảm; Nếu nguyên nhân do tâm lý thì liệu pháp tâm lý được cân nhắc áp dụng

- Kiểm tra và điều trị các bệnh lý liên quan tới tuyến giáp; Áp dụng liệu pháp vận động các đốt sống cổ, các liệu pháp làm giảm căng cơ vùng cổ.

Để điều trị loạn cảm họng thì khi gặp các triệu chứng của bệnh, bạn nên đi khám tại chuyên khoa Tai mũi họng tại các cơ sở điều trị để được các bác sĩ chẩn đoán, đồng thời thực hiện thăm khám cận lâm sàng, từ đó đưa ra hướng điều trị bệnh hiệu quả.

5. Phòng bệnh loạn cảm họng

Uống đủ nước giúp phòng bệnh.

Đề phòng bệnh cần:

- Xây dựng lối sống lành mạnh: Không làm việc quá căng thẳng; Không thức quá khuya; Có giải pháp hạn chế áp lực, stress trong cuộc sống.

- Hạn chế hoặc không uống rượu, bia và các chất kích thích. Không hút thuốc lá.

- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ chất: Tránh các đồ ăn có nhiều gia vị cay, nóng, đồ uống có gas; Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn.

- Uống đủ nước: trung bình khoảng 2 lít/ngày đối với người trưởng thành.

- Điều trị triệt để các bệnh lý toàn thân gây ra loạn cảm họng.

- Khi có triệu chứng mắc các bệnh vùng họng như: viêm họng, viêm amidan mạn tính, viêm mũi xoang mạn tính… bệnh nhân cần đi khám và điều trị dứt điểm.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

BS. Nguyễn Văn Thắng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loan-cam-hong-la-benh-gi-dieu-tri-the-nao-169230131165305835.htm