Loại trừ bệnh dại vào năm 2030: Thách thức và giải pháp

Mặc dù đã có sẵn vắc xin phòng ngừa hiệu quả nhưng bệnh dại vẫn gây tử vong ở người. Do đó, cần nỗ lực trong các hoạt động phòng, chống để giảm số mắc bệnh dại nhằm đạt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh dại ở người vào năm 2030.

Bệnh dại và gánh nặng bệnh tật

Bệnh dại do vi rút lây truyền từ động vật có vú, lây lan sang người và động vật qua vết cắn hoặc vết trầy xước, thường là qua nước bọt. Một khi các triệu chứng lâm sàng xuất hiện, người mắc bệnh dại gần như tử vong 100%. Bệnh dại ước tính gây ra 59.000 ca tử vong hằng năm ở hơn 150 quốc gia, với 95% trường hợp xảy ra ở châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), do báo cáo thiếu và ước tính không chắc chắn, con số này có thể thấp hơn so với thực tế. Gánh nặng bệnh tật phần lớn do người dân nghèo ở nông thôn gánh chịu, với khoảng một nửa số trường hợp là trẻ em dưới 15 tuổi. Trong 99% trường hợp, chó là nguyên nhân truyền vi rút dại sang người.

Tại Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 27 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023. Có 16/63 tỉnh, thành có bệnh dại trên người; trong đó, miền Trung ghi nhận số mắc bệnh dại tăng đột biến, cao nhất cả nước với 9 trường hợp.

Thách thức trong phòng, chống bệnh dại hiện nay

Bệnh dại là một trong những bệnh nhiệt đới bị lãng quên (NTD) trong số các bệnh lây truyền từ động vật sang người mặc dù nó có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Là căn bệnh có thể phòng ngừa được nhưng tác động của bệnh dại ngày càng gia tăng, là vấn đề đáng lo ngại ở các nước kém và đang phát triển.

Cho đến nay, các chương trình phòng, chống bệnh dại được thực hiện bằng cách tiêm phòng đại trà cho chó, mèo trong nước và cộng đồng cũng như các chương trình nâng cao nhận thức đại chúng. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh dại vẫn chưa giảm do các phương pháp tiếp cận không thu hút được các bên liên quan vào các chương trình quản lý dịch bệnh. Những lỗ hổng trong các biện pháp kiểm soát bệnh dại là thiếu sự phối hợp thống nhất giữa các liên ngành, thiếu nỗ lực đáng kể để nâng cao nhận thức cộng đồng và thiếu kinh phí cho các chương trình dự phòng cho người và động vật.

Một số quốc gia đang gặp khó khăn trong việc mua vắc xin tiêm phòng bệnh dại sau phơi nhiễm (PEP) và globulin miễn dịch bệnh dại (hRIG) ở người trong và sau đại dịch; một phần do những hạn chế trong hệ thống sản xuất, cùng với việc thiếu dự báo nhu cầu và sự gián đoạn của vận tải hàng không quốc tế. Nhiều chương trình tiêm phòng đại trà cho chó và kiểm soát sinh đẻ ở động vật thường xuyên bị đình trệ.

Do đó, cần có chiến lược, cách tiếp cận phòng ngừa và kiểm soát toàn diện, sự hợp tác từ các chuyên gia sức khỏe con người, động vật và môi trường ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu để tạo ra chương trình kiểm soát hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống bệnh dại.

Khuyến cáo của WHO

Nhằm đạt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh dại ở người vào năm 2030 trên toàn thế giới, lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp quốc (FAO) và Liên minh Toàn cầu về kiểm soát bệnh dại (GARC) đã hợp tác và quyết tâm đạt được. Các hành động ưu tiên được xác định bao gồm:

Duy trì cam kết từ chính quyền quốc gia, các tổ chức khu vực và các đối tác toàn cầu. Loại trừ bệnh dại là khả thi và có thể đạt được nếu được ưu tiên và hỗ trợ đầy đủ về mặt tài chính và chính trị từ chính quyền quốc gia các cấp. Một cam kết mạnh mẽ cùng với hành động cứng rắn của chính quyền rất quan trọng để đạt mục tiêu loại trừ bệnh dại. Điều cần thiết là cộng đồng phải duy trì sự tham gia đối với các chương trình loại trừ bệnh dại cũng như duy trì các cam kết về con người và tài chính cho đến khi đạt được mục tiêu.

Loại bỏ bệnh dại ở chó: Tiêm vắc xin cho chó, bao gồm cả chó con, là chiến lược tiết kiệm chi phí nhất để ngăn ngừa bệnh dại ở người vì ngăn chặn sự lây truyền ngay tại nguồn. Hơn nữa, việc tiêm phòng cho chó không chỉ làm giảm nhu cầu sử dụng vắc xin cho người sau phơi nhiễm mà còn giảm gánh nặng ngân sách cho việc kiểm soát bệnh dại ở người. Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tiêm vắc xin cho đàn chó từ 70% trở lên làm giảm nhanh tỷ lệ nhiễm bệnh dại.

Tiêm chủng cho người: Các loại vắc xin dại hiện có rất hiệu quả để tiêm chủng cho mọi người sau khi phơi nhiễm (PEP). WHO khuyến nghị tiêm vắc xin dại trong da, vì điều này làm giảm lượng vắc xin cần thiết và giảm chi phí 60% - 80% mà không ảnh hưởng đến bất kỳ sự an toàn hoặc hiệu quả nào. Việc mở rộng cung cấp, đảm bảo đủ vắc xin dại sau phơi nhiễm (PEP) của Chính phủ hoặc thông qua nỗ lực chung của Chính phủ, khu vực tư nhân ở tất cả các huyện sẽ tăng khả năng tiếp cận và khả năng chi trả cho mọi người dân là cần thiết để đạt mục tiêu không có trường hợp tử vong ở người do bệnh dại vào năm 2030.

Dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được khuyến nghị cho những người làm một số nghề có nguy cơ cao như nhân viên phòng thí nghiệm xử lý bệnh dại sống và vi rút liên quan đến bệnh dại, những người có tiếp xúc trực tiếp với dơi hoặc động vật có vú khác có thể bị nhiễm bệnh dại như nhân viên kiểm soát dịch bệnh động vật và kiểm lâm động vật hoang dã.

Tăng cường phối hợp liên ngành: Bệnh dại có thể được ngăn ngừa, quản lý hiệu quả bằng “Phương pháp tiếp cận một sức khỏe” bao gồm sự hợp tác liên ngành giữa sức khỏe động vật, con người và môi trường. Việc thu thập, lưu trữ và báo cáo dữ liệu sơ cấp trong cơ sở dữ liệu quốc gia và quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định các khu vực có vấn đề nhằm xây dựng chiến lược quản lý phù hợp.

Xem xét việc quản lý đàn chó để kiểm soát số lượng chó thả rông: Hồ sơ về quyền sở hữu vật nuôi và an toàn công cộng được cung cấp thông qua quy định pháp lý về đăng ký bắt buộc. Việc quản lý số lượng chó đường phố hoặc chó cộng đồng cũng có thể được thực hiện bằng các kỹ thuật kiểm soát sinh sản động, có hệ thống thu thập và báo cáo dữ liệu hiệu quả.

Nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng: Giáo dục về hành vi của chó, phòng ngừa vết cắn cho cả trẻ em và người lớn là một phần mở rộng thiết yếu của chương trình tiêm phòng bệnh dại, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh dại ở người lẫn gánh nặng tài chính khi điều trị vết chó cắn.

BS LÊ ĐĂNG NGẠN

(Cập nhật tài liệu của WHO)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/suc-khoe-y-te/202404/loai-tru-benh-dai-vao-nam-2030-thach-thuc-va-giai-phap-1007072/