Loại quả 'bắt mắt' nhưng cực độc, nhiều người Việt lầm tưởng bổ cơ thể

Cà độc dược được xem là một vị thuốc trong Đông y 'dĩ độc trị độc'. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách có thể gây ngộ độc, hại sức khỏe.

Những trường hợp nhập viện vì cà độc dược

Sau khi ăn cà độc dược, 5 người trong một gia đình nhập viện

Sáng 22/8, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc cà độc dược tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk).

Các bệnh nhân nói trên gồm: S.M.L. (SN 1966), P.V.Ph. (SN 2003), P.V.P. (SN 2015), P.T.T. (SN 2016), P.V.Q. (SN 2019, cùng trú tại tiểu khu 295, xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk). Cả 5 bệnh nhân này đều là người thân trong một gia đình.

Theo thông tin ban đầu trên báo Dân Trí, vào trưa và chiều 21/8, các bệnh nhân nói trên cùng ăn cà độc dược.

Sau ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ đồng hồ sau khi ăn cà độc dược, các bệnh nhân nói trên xuất hiện các triệu chứng: nóng, sốt, mệt nhiều, đau đầu, nôn ói, co giật... nên được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cấp cứu.

Tối cùng ngày, cả 5 bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị và được chẩn đoán ngộ độc cà độc dược.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, sau khi được cấp cứu, đến sáng 22/8, sức khỏe của các bệnh nhân đã dần ổn định và đang tiếp tục được điều trị, theo dõi tại bệnh viện.

Hình ảnh cây cà độc dược.

Gia đình tổ chức bữa ăn cơm gia đình gồm 11 người nhưng 3 người ăn cà độc dược phải nhập viện gấp

Thông tin ban đầu trên báo Sức khỏe & Đời sống, vào tháng 7/2020, trên địa bàn xã Võ Lao, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) xảy ra vụ ngộ độc cà độc dược. Gia đình tổ chức bữa ăn cơm gia đình gồm 11 người. Tuy nhiên, trong bữa ăn chỉ có 3 người ăn món ngọn cà độc dược luộc vì cho rằng đây là loại thuốc có thể chữa được một số bệnh. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người này xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tê bì chân tay, tê lưỡi, không làm chủ vận động, nói nhảm và được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng và Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị.

7 người ở Thái Bình phải nhập viện cấp cứu do uống rượu ngâm cà độc dược

Trước đó vào năm 2017, 7 người ở Thái Bình phải nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu ngâm cà độc dược mua ở Lạng Sơn, các bệnh nhân có biểu hiện tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ.

Ăn phải hoa cà độc dược khiến 4 người phải nhập viện

Một gia đình ở xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa ăn phải hoa cà độc dược khiến 4 người phải nhập viện cấp cứu vào ngày 19/3/2016.

Cả gia đình ngộ độc do ăn cà độc dược nấu canh

Ngày 21/7/2014, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu cho 6 người trong một gia đình trú tại thôn Mang Hin, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) bị ngộ độc do ăn cà độc dược sau vườn nấu canh ăn. Sau khi ăn, cả 6 người đều có dấu hiệu rối loạn tinh thần, nói năng mất tự chủ, đồng thời có hiện tượng mắt không nhìn thấy gì.

Vì sao cà độc dược lại được coi là một vị thuốc và được ghi nhận trong y văn?

Cà độc dược còn gọi là cà diên, cà dược, độc giã, sùa tùa (Mông), Plờn (Kho), cà lục lược (Tày), hìa kía piếu (Dao) hay mạn đà la. Tên khoa học: Datura metel L., Solanaceae (họ Cà).

Loại cây này khi được trồng tại nước ta gồm có 3 loại chính là:

Cây cà có hoa trắng, phần thân và cành có màu xanh

Cây cà có hoa đốm tím, phần thân và cành có màu xanh

Loại cuối cùng là cây được lai giữa hai giống cây kể trên

Loại cây này thuộc dạng thân thảo, cao 1 – 2m, sống quanh năm. Phần gốc của thân hóa gỗ. Thân và cành non màu xanh lục hay tím, có nhiều lông to. Quả hình cầu, đường kính khoảng 3cm, mặt ngoài có nhiều gai mềm, chứa nhiều hạt màu vàng.

Trong cây (ở lá và hạt có hàm lượng cao nhất) có chứa nhiều alkaloid (hàm lượng toàn phần từ 0,2-0,5%), chủ yếu là scopolamin, còn có hyoscyamin, atropin và các saponin, flavonoit, tanin...với số lượng không đáng kể. Tác dụng dược lý chủ yếu là do các alkaloid: Làm giãn phế quản, giãn đồng tử, giảm nhu động ruột và bao tử nếu những cơ quan này co thắt, làm khô nước bọt, dịch vị, mồ hôi.

Trong Đông y, cà độc dược có vị cay, tính ôn, có độc, được dùng như một vị thuốc áp dụng liệu pháp “dĩ độc trị độc” nhằm chữa một số bệnh như ho, hen suyễn, giảm đau, chống co giật, phong thấp…Tuy nhiên, khuyến cáo sử dụng phải có chỉ định chặt chẽ của bác sĩ. Trường hợp dùng quá liều, sai cách, lập tức sẽ bị độc tính của cà độc dược tác động tới hệ thần kinh trung ương, nhẹ thì chóng mặt, ảo giác, nặng thì tê liệt, thậm chí tử vong.

Cà độc dược là một vị thuốc được ghi nhận trong y văn.

Cây cà độc dược thường mọc ở những nơi đất hoang, đất mùn, hơi ẩm, nhiều nhất ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Một số nơi trồng làm cảnh hoặc dùng làm thuốc.

Ngoài ra, theo tài liệu của Trường Đại học Y Dược, Tp.HCM, tuyệt đối không sử dụng chế phẩm từ cà độc dược cho các bệnh nhân tăng nhãn áp (thiên đầu thống) do thành phần atropin có trong cà độc dược làm cơ vòng của mắt giãn ra nên đồng tử giãn, nhãn cầu dẹt lại, áp lực mắt tăng lên.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/loai-qua-bat-mat-nhung-cuc-doc-nhieu-nguoi-viet-lam-tuong-bo-co-the-a622958.html