Lộ trình xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon: Có thể thực hiện niêm yết ngay quý IV/2023

Liên quan đến lộ trình xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon nội địa, đại diện Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho hay, trước mắt, đơn vị này dự kiến sẽ niêm yết các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới. Tất cả mọi công việc đều đã được chuẩn bị sẵn sàng và có thể triển khai được ngay trong quý IV này.

Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, chung quanh vấn đề đang được dư luận quan tâm này.

TÍN CHỈ CARBON LÀ MỘT LOẠI HÀNG HÓA ĐẶC BIỆT

Phóng viên: Theo lộ trình, tín chỉ carbon sẽ được chính thức giao dịch qua sàn vào năm 2028. Dưới tư cách lãnh đạo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, ông có thể lý giải rõ hơn về loại “hàng hóa đặc biệt” này?

Ông Dương Đức Quang: Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo điều 17 của nghị định này, các bên có thể tham gia mua bán phát thải nhằm mục đích hoàn thành cam kết của mình. Từ đó bước đầu hình thành nên một loại “hàng hóa đặc biệt”. Do carbon dioxide (CO2) là khí nhà kính phổ biến và các khí nhà kính khác được quy đổi tương đương nên loại “hàng hóa đặc biệt” này được gọi là tín chỉ carbon.

Tín chỉ carbon được hiểu như là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải carbon dioxide hoặc khí thải nhà kính khác. Một tín chỉ carbon tương đương với quyền phát thải 1 tấn carbon dioxide hoặc các khí nhà kính khác tương đương.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.

Bằng cách định giá và giao dịch các khoản tín chỉ carbon, các công ty phát thải khí nhà kính nhiều sẽ phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường, đồng thời các công ty tạo ra ít khí thải hơn có thể bán tín chỉ carbon thu lợi nhuận.

Các doanh nghiệp, tổ chức cũng có thể lựa chọn đầu tư vào các dự án giảm phát thải để thu được các tín chỉ carbon và bán trên thị trường để thu về lợi nhuận. Từ đó sẽ tạo động lực kinh tế để khuyến khích các doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thu hút và tối ưu hóa các nguồn lực của xã hội trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính.

Phóng viên: Trên thế giới, việc giao dịch tín chỉ carbon thông qua các sàn giao dịch đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Đức Quang: Hiện tại thị trường carbon đang có hai loại hình.

Thứ nhất là thị trường carbon bắt buộc (Compliance carbon market). Đây là thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong các công ước, hiệp định, chương trình, … quốc tế để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính.

Thị trường này mang tính bắt buộc, các quốc gia, tổ chức tham gia sẽ phải giao dịch để đạt được các mục tiêu cam kết. Tín chỉ carbon được giao dịch trong thị trường này là các hạn ngạch, hạn mức phát thải. Các hạn ngạch, hạn mức carbon được giao dịch trên các sàn thông qua các chương trình, hệ thống mua bán phát thải khí nhà kính (thí dụ như các hệ thống mua bán phát thải khí nhà kính - Emission Trading System (ETS) với ETS của châu Âu là một thí dụ điển hình.

Khói bốc lên từ các ống khói của Nhà máy điện Belchatow, nhà máy điện đốt than lớn nhất châu Âu vào tháng 5/2009. (Ảnh: REUTERS)

Thứ hai là thị trường carbon tự nguyện (Voluntary carbon market): thị trường dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Các tín chỉ carbon được giao dịch trên thị trường này do các tổ chức đóng vai trò là bên thứ ba để kiểm định, xác nhận và cấp tương ứng với lượng khí thải nhà kính cắt giảm được.

Các sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện do các doanh nghiệp, tổ chức thành lập. Hiện trên thế giới có 3 sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện lớn nhất: Sàn giao dịch AirCarbon Exchange (ACX) ở Singapore; Sàn giao dịch Carbon Trade Exchange (CTX) trụ sở ở Australia; Sàn giao dịch Xpansiv có văn phòng ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Ngoài ra, còn có thị trường thứ cấp cung cấp các hợp đồng phái sinh dựa trên các tín chỉ carbon được giao dịch ở các sàn giao dịch tín chỉ carbon bắt buộc và tự nguyện. Các hợp đồng phái sinh này do các Sở giao dịch hàng hóa trên thế giới niêm yết giao dịch như Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago - CME Group, Sở Giao dịch liên lục địa - ICE, …. Với việc niêm yết giao dịch các hợp đồng phái sinh đã góp phần giúp ổn định thị trường carbon bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện.

CÓ THỂ TRIỂN KHAI NIÊM YẾT TÍN CHỈ CARBON TRÊN SÀN NGAY TRONG QUÝ IV

Phóng viên: Được biết, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai giao dịch các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các sở giao dịch lớn trên thế giới ngay trong quý IV năm 2023. Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng, trong quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam trong tương lai. Cụ thể, lộ trình thực hiện sẽ tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Dương Đức Quang: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công thương cấp phép. Hiện nay, MXV đã liên thông hầu hết các Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới như: Sở Giao dịch Kim loại London - London Metal Exchange (LME); Sở Giao dịch Hàng hóa Chicago - CME Group (bao gồm các Sàn giao dịch CBOT, CME, COMEX, NYMEX); Sở Giao dịch liên lục địa - ICE (bao gồm các sàn giao dịch ICE US, ICE EU, ICE Singapore); Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange - OSE; Sở Giao dịch Hàng hóa Singapore - SGX; Sở Giao dịch Phái sinh Bursa Malaysia Derivatives.

MXV hiện đang niêm yết giao dịch liên thông 42 sản phẩm, hàng hóa trên các Sở giao dịch nước ngoài thuộc 4 nhóm bao gồm: Nông sản; Nguyên liệu công nghiệp; Kim loại; Năng lượng, đã đáp ứng được đầy đủ mọi nhu cầu của thị trường.

MXV cũng liên tục bổ sung các sản phẩm mới vào giao dịch liên thông nhằm đa dạng hóa danh mục, hình thức đầu tư, như điển hình là hình thức giao dịch chênh lệch giá Spread (hình thức giao dịch phổ biến trên thế giới, đóng vai trò quan trọng trong cả hoạt động bảo hiểm giá và đầu tư và gần đây nhất là Hợp đồng quyền chọn.

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam.

Với vai trò, năng lực, kinh nghiệm, định hướng và tầm nhìn như vậy sẽ là nền tảng để chúng tôi có thể tổ chức tốt việc niêm yết giao dịch sản phẩm tín chỉ carbon. Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ niêm yết các sản phẩm tín chỉ carbon liên thông với các Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới.

Tất cả mọi công việc đều đã được chuẩn bị sẵn sàng và có thể triển khai được ngay trong quý IV này. Đây sẽ là bước lấy đà rất quan trọng, là tiền đề cho quá trình phát triển thị trường giao dịch tín chỉ carbon tập trung cụ thể là hình thành Sàn giao dịch tín chỉ carbon tự nguyện tại Việt Nam trong tương lai.

Phóng viên: Hiện, rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức cũng như cá nhân đang kỳ vọng vào sàn giao dịch tín chỉ carbon. Khi giao dịch loại hàng hóa đặc biệt này qua sàn, họ sẽ được hưởng lợi như thế nào?

Ông Dương Đức Quang: Theo tôi khi hình thành Sàn giao dịch tín chỉ Carbon sẽ mang lại các lợi ích sau.

Trước tiên, sàn giao dịch giúp kết nối những người mua, người bán trên thị trường với nhau. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ không còn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác, từ đó tối đa hóa các giao dịch trên thị trường.

Tiếp theo, sàn giao dịch cũng sẽ tăng tính minh bạch của thị trường trong việc định giá carbon. Khi tất cả người mua, người bán đều giao dịch trên thị trường tập trung, giá cả sẽ phản ánh chính xác cung-cầu của thị trường và được công khai, minh bạch. Nhờ đó, bảo đảm lợi ích của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong giao dịch được mua ở mức giá tối ưu, hiệu quả nhất.

Hơi nước bốc lên từ nhà máy điện Reuter West ở Berlin, Đức ngày 14/11/2019. (Ảnh: REUTERS)

Ngoài ra khi tham gia trên sàn giao dịch, các doanh nghiệp sẽ tăng được vị thế và tính cạnh tranh, có thêm nguồn lợi nhuận, thúc đẩy phát triển các công nghệ ít phát thải carbon, hướng đến sản xuất bền vững, hiệu quả gắn với lợi ích xã hội.

Phóng viên: Về mặt vĩ mô, việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ có tác dụng như thế nào thưa ông?

Ông Dương Đức Quang: Về mặt vĩ mô, việc vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ có các vai trò sau. Trước hết làm tăng tính minh bạch của thị trường carbon, giá cả phản ánh chính xác cung cầu của thị trường là một công cụ, tín hiệu để điều tiết, định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp phát thải nhiều phải đổi mới công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để giảm phát thải khí nhà kính.

Đồng thời, việc dễ dàng mua bán các tín chỉ carbon trên sàn giúp các doanh nghiệp có thêm lợi nhuận, khuyến khích các doanh nghiệp phát thải ít và không ngừng đổi mới công nghệ hơn nữa. Từ đó, hướng đến nền kinh tế xanh, đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính.

Tiếp đến sàn giao dịch tín chỉ carbon tập trung cũng sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm soát, quản lý tốt được các giao dịch mua bán tín chỉ carbon, từ đó làm cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, quản lý, đề ra các mục tiêu, kế hoạch về triển khai các dự án giảm phát thải khí nhà kính.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lo-trinh-xay-dung-san-giao-dich-tin-chi-carbon-co-the-thuc-hien-niem-yet-ngay-quy-iv2023-post771424.html