Lo mùa màng cho tết: Trên cánh đồng vụ đông

Gieo trồng vụ đông là mùa sản xuất chính giúp nhà nông có nguồn thu nhập trang trải bao chuyện của ngày tết. Bây giờ chuyện được - thua mùa vụ chủ yếu quyết định bởi thị trường cả đầu vào lẫn đầu ra và chính tư duy sản xuất của nhà nông...

Thời gian qua, giá các loại vật tư thiết yếu, hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng mạnh khiến nông dân gặp khó trong việc sản xuất rau củ quả và đậu phục vụ thị trường tết. Ảnh: VĂN SỰ

Hối hả vào mùa

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, sản xuất vụ đông cung ứng cho thị trường tết, nông dân trên địa bàn gieo trồng hơn 100ha rau củ quả và các loại đậu, chủ yếu ở các xã Điện Minh, Điện Phong và phường Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung.

Đảm bảo nguồn cung gia súc, gia cầm

Ngoài tập trung sản xuất rau màu vụ đông, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trên toàn tỉnh hiện có tổng đàn heo khoảng 337.000 con (tăng hơn 10.140 con so với cùng kỳ năm 2021), đàn bò ước đạt 175.200 con (tăng 2.000 con), đàn trâu 59.250 con (tăng 850 con) và đàn gia cầm 8,95 triệu con (tăng 190.000 con). Trong số này, lượng vật nuôi để xuất bán dịp Tết Nguyên đán 2023 chiếm 30 - 40%, đảm bảo cung ứng thị trường.

Năm nay thời tiết khá bất thường nên ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến, dự báo tình hình để kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn, hỗ trợ nhà nông tổ chức sản xuất từng loại cây trồng phù hợp nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lớn và ngập úng có thể xảy ra.

Dự tính, với hơn 100ha diện tích sản xuất, nếu thời tiết thuận lợi, nông dân Điện Bàn sẽ cung ứng thị trường tết khoảng 350 - 500 tấn nông sản các loại.

Tại huyện Đại Lộc, nông dân cũng đã tổ chức sản xuất rau màu trên tổng diện tích 120ha, trong đó các xã Đại An, Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Thắng, Đại Phong, Đại Minh chiếm tỷ lệ lớn.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, vụ đông năm nay người dân địa phương chủ yếu sản xuất đậu cô ve, dưa leo, khổ qua, ớt, bí đao... Nếu diễn biến vụ mùa thuận lợi và đầu ra sản phẩm ổn định, vụ rau quả tết năm nay khả năng mỗi héc ta cho thu khoảng 400 triệu đồng.

Tuy không thuận lợi như vùng đồng bằng, nông dân ở huyện miền núi Nông Sơn vẫn cố gắng tận dụng trong khả năng có thể để sản xuất rau màu vụ đông bán tết. Qua khảo sát của chúng tôi, diện tích sản xuất vụ đông ở địa phương này chủ yếu tại làng Đại Bình (xã Quế Trung) và những bãi biền ven sông thuộc xã Quế Lâm, cùng số ít mô hình vườn nhà ở các xã Sơn Viên, Quế Lộc, chỉ khoảng 60ha.

Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn nói, ít sản lượng thì phải tăng chất lượng. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương tích cực hướng dẫn nông dân sản xuất các loại rau quả theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn và tăng giá trị thương mại, với mức thu mỗi sào dự kiến 6 - 7 triệu đồng, tăng gấp đôi so với các vụ khác trong năm.

Lo trước những mối lo

Khả năng mức thu tăng cao so với các vụ mùa khác trên cùng diện tích sản xuất như đã nêu, dù sao cũng chỉ mới là... dự kiến. Vụ mùa thắng lợi hay không, ngoài vai trò của ngành chuyên môn, còn phụ thuộc cách thức và tư duy sản xuất của nhà nông.

Nông dân Đại Lộc tập trung chăm sóc những ruộng rau quả bán tết. Ảnh: VĂN SỰ

Những ngày qua, khảo sát nhiều xứ đồng canh tác rau củ quả và đậu các loại trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nghe không ít nông dân chia sẻ những khó khăn trong sản xuất vụ đông vì chi phí đầu vào tăng cao.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Nam, so với đầu vụ sản xuất đông xuân năm trước, hiện giá bán các loại hạt giống rau củ quả và đậu trên thị trường đều tăng 10%, thuốc bảo vệ thực vật tăng 5%, phân DAP tăng từ 27.000 đồng lên 35.000 đồng/kg, phân Kali từ 17.000 đồng lên 20.000 đồng/kg và một số loại phân khác như Urê, NPK... cũng tăng 5% giá bán.

Bà Lê Thị Hường ở xã Đại An (Đại Lộc) cho hay, gia đình bà có gần 10 sào đất màu, vụ đông năm trước sản xuất cung ứng thị trường tết cho lãi mỗi sào 10 triệu đồng.

Đến hẹn lại lên, vụ đông năm nay gia đình bà tiếp tục sản xuất các loại hàng la ghim để kịp phục vụ dịp tết sắp tới. Tuy nhiên, thời gian qua giá các loại vật tư thiết yếu, hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng mạnh; giá dịch vụ làm đất cũng tăng gần gấp đôi, từ 170 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng mỗi sào...

Để đảm bảo sản xuất nhưng tiết giảm được chi phí đầu tư, bà Hường cũng như nông dân trên địa bàn tỉnh thay vì sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã chuyển sang dùng phân chuồng hoai mục, phân gà, bánh dầu để bón cho cây trồng.

Cạnh đó, nông dân cũng được ngành chuyên môn hướng dẫn sử dụng ớt, tỏi, gừng... để chế biến thành thuốc thảo mộc phun trừ sâu bệnh. Ông Trần Văn Thuận ở thôn Xuân Kỳ (Điện Quang, Điện Bàn) nói, cách sản xuất hữu cơ này không chỉ giảm chi phí đầu tư mà còn góp phần tạo ra sản phẩm an toàn.

Thời gian qua, người dân Duy Xuyên đầu tư phát triển mạnh những vùng chuyên canh rau củ quả phục vụ thị trường tết để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: VĂN SỰ

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp các địa phương, một vấn đề đáng lo khác đối với nhà nông là chuyện đầu ra của các loại rau củ quả và đậu trong dịp tết.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn phân tích, vào vụ đông những năm trước, nông dân ở hầu hết địa phương của Quảng Nam nói riêng và các nơi khác nói chung đều tập trung sản xuất rau củ quả để cung ứng thị trường tết.

Nếu thời tiết thuận lợi, sản lượng thu về cao, nguồn cung nông sản vượt nhu cầu của người tiêu dùng thì hẳn nhiên giá bán sản phẩm trên thị trường sẽ thấp, dẫn đến hiệu quả kinh tế của vụ mùa không cao. Ngược lại, thời tiết bất lợi gây thiệt hại cho cây trồng thì sản lượng thấp, lúc đó giá tăng cao nhưng nhà nông không có sản phẩm để bán.

Tránh tái diễn chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, năm nay ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã có định hướng việc sản xuất rau củ quả vụ đông.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm nay ngành nông nghiệp toàn tỉnh trồng 7.800ha rau và 2.500ha đậu các loại phục vụ thị trường tết, trong đó phân bố diện tích và loại cây trồng phù hợp cho từng vùng miền; đồng thời đề nghị chính quyền các địa phương hỗ trợ nông dân nâng cao năng lực sản xuất.

Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn cho hay, trước tình trạng giá phân hóa học tăng cao, thời gian qua ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương của huyện tổ chức nhiều khóa tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ và phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, thay thế phân hóa học nhằm giảm chi phí đầu vào.

Định hướng của ngành chức năng và chính quyền địa phương là một chuyện, quan trọng là nhà nông phải thực hiện đúng cơ cấu cây trồng, đảm bảo lịch thời vụ, chủ động nắm bắt thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng để có phương án canh tác phù hợp, đem lại lợi ích kinh tế cao nhất.

NGUYỄN SỰ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/nong-nghiep-nong-thon/lo-mua-mang-cho-tet-tren-canh-dong-vu-dong-135652.html