Lo lắng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi

Điều dễ nhận thấy nhất khi đến xã Thạch Ngọc (Thạch Hà - Hà Tĩnh) chính là mùi hôi thối. Chỉ cần đặt chân đến trục đường chính của xã đã cảm nhận được mùi 'đặc trưng' này. Hàng trăm hộ dân ở đây phải sống chung với mùi hôi thối mấy năm nay do việc chăn nuôi hộ gia đình phát triển quá mạnh.

Chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường.

Đường làng, ngõ xóm ở xã Thạch Ngọc ngày nắng cũng như ngày mưa, phân bò, phân trâu rải đầy đường. Chuồng trại được người dân xây đặt ngay bên đường để tiện cho việc tuồn chất thải ra bên ngoài.

Vì thế rãnh thoát nước hai bên đường có màu đen kịt, đặc quánh, ruồi nhặng bâu kín. Bao trùm khắp các thôn là mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào mũi khiến người qua đường ngộp thở. Thôn Mỹ Châu, Bắc Tiến, Mộc Hải, Đông Châu là những “điển hình”.

Ở thôn Mỹ Châu, khu vực sát với trục đường chính liên xã bị bao vây bởi chất thải chăn nuôi. Những ao nước tù đọng phía sau những ngôi nhà kiên cố dọc hai bên đường đều ứ đọng chất thải của gia súc, gia cầm.

Ngay cạnh các ao hồ đó là cánh đồng trồng lúa của người dân thôn Mỹ Châu. Chị Nguyễn Thị Niệm cho biết: “Gia đình có nuôi 33 con lợn béo và 2 con trâu.

Do dung tích bể biogas chỉ có 9 khối không đủ chứa nước thải nên phải xả ra ngoài. Các hộ dân làm ruộng ở cạnh nhà tôi cũng thường lấy phân ở các hồ chứa để bón ruộng”.

Cách nhà chị Niệm mấy sào ruộng có gia đình ông Nguyễn Gia Nuôi (thôn Mỹ Châu) có 12 con lợn béo, 2 lợn nái và hàng chục lợn con nhưng gia đình ông lại chưa xây bể biogas.

Chất thải một phần được trữ ở hố phân, một phần theo đường ống nối từ chuồng lợn chảy thẳng ra mương thoát nước trước nhà và tuồn ra ngoài đồng.

Bà Dục (vợ ông Nuôi) thừa nhận: “Nghe nói khi xây bể bioga sẽ được chính quyền hỗ trợ 3 triệu đồng nhưng gia đình tôi chưa có điều kiện để làm. Mùi hôi lắm nhưng ở vùng này người ta nuôi thế cả”. Khi được hỏi bao giờ sẽ tiến hành xây bể thì bà Dục lắc đầu: “Cũng chưa biết được! Xây bể phải có diện tích nhưng chuồng trại đã chiếm gần hết đất rồi, chưa biết đặt bể ở vị trí nào…”.

Được biết, 3-4 năm trở lại đây, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm trong hộ gia đình diễn ra khá rầm rộ và phổ biến ở xã Thạch Ngọc. Nhiều hộ dân tiến hành xây dựng mới hoặc cơi nới chuồng trại để phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Qua tìm hiểu, chỉ cần khoảng 40 – 50m2 diện tích đất vườn có thể xây được chuồng trại nuôi từ 30 – 50 con lợn. Mỗi lứa nuôi kéo dài khoảng 3 tháng, trừ chi phí người chăn nuôi có thể thu về xấp xỉ 10 triệu đồng/lứa.

Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi ồ ạt không theo quy hoạch đang dần “giết chết” môi trường, tạo điều kiện cho các mầm bệnh, ruỗi muỗi phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Để ứng phó với tình trạng hôi thối và ô nhiễm môi trường, người dân ở đây thường xuyên phải đóng kín cửa, khi ra đồng đều mang ủng và tất tay khỏi bị ngứa.

Điều đáng lo ngại là về lâu dài chất thải ngấm xuống lòng đất sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, trong khi đa số người dân ở đây vẫn thường dùng nước giếng và nước mưa nên khó tránh khỏi dịch bệnh trong thời gian tới.

Ông Lê Thanh Hải – Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho biết: Toàn xã có hơn 1.200 hộ dân, trong đó có khoảng 600 hộ chăn nuôi, quy mô từ 20 con trở lên có khoảng 200 hộ. Tỷ lệ hộ chăn nuôi làm bể biogas chiếm khoảng 75%.

Tuy nhiên, theo quy định, bể biogas chỉ đảm bảo đối với quy mô chăn nuôi 20 con trở xuống. Môi trường là tiêu chí khó nhất của xã khi xây dựng nông thôn mới.

Ông Hải cũng thừa nhận, việc chăn nuôi trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường đang là vấn đề quan ngại của xã. Ông Dương Văn Thông, cán bộ Địa chính – Môi trường xã Thạch Ngọc cũng ngán ngẩm khi nói về vấn đề chăn nuôi trong khu dân cư.

Ông Thông chia sẻ: “Việc cấm người dân chăn nuôi thì không cấm được nhưng phải có cách nào đó hạn chế vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân, đến môi trường sống. Tuy nhiên, để có cơ chế chặt chẽ và thông suốt theo tôi, chính quyền cấp trên là huyện và tỉnh cần có quy định cụ thể về vấn đề này”.

Hạnh Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/lo-lang-o-nhiem-moi-truong-do-chan-nuoi/354180