Lo lắng chuyện chuyển đổi hóa đơn

Liên quan đến đề xuất chuyển đổi từ hóa đơn giấy (đặt in, tự in, mua từ cơ quan thuế) sang hóa đơn điện tử (HĐĐT)-có và không có mã xác thực của cơ quan thuế-mà Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ, TBKTSG đã ghi nhận ý kiến từ phía các doanh nghiệp, chuyên gia.

Ở thời điểm chuyển đổi từ mua hóa đơn của ngành thuế sang tự in, đặt in hóa đơn, doanh nghiệp đã khốn khổ vô cùng vì công ty in quá tải. Trong ảnh là không khí ở một công ty in hóa đơn lúc bấy giờ. Ảnh: Minh Tâm

Tựu trung là các mối lo, băn khoăn về thời gian chuyển đổi (áp dụng từ đầu năm sau); chi phí của doanh nghiệp để đầu tư chuyển đổi hệ thống, chi trả cho từng tờ hóa đơn để được xác thực; và nhất là tính thống nhất, đồng bộ với các cơ quan khác.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TPHCM (có hệ thống khách hàng khoảng 8.500 doanh nghiệp), Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại Trí Nguyễn:

Hạ tầng, kỹ thuật phải đuổi kịp lộ trình chuyển đổi

- Thứ nhất là về lộ trình chuyển đổi. Tôi cho rằng việc gì có lợi thì doanh nghiệp sẽ áp dụng. Bản thân chúng tôi cũng đang sử dụng HĐĐT và thấy rất nhiều cái lợi. Nếu dùng hóa đơn giấy thì phải in sẵn, viết các chi tiết về khách hàng... còn với HĐĐT chỉ cần mã (code) và để khách hàng tự chịu chi phí nếu muốn in ra giấy, có thể chuyển code bằng điện thoại. Bộ Tài chính trong tờ trình về dự thảo nghị định cũng nói rằng vẫn có nhiều loại hóa đơn cho doanh nghiệp lựa chọn. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ, mới thành lập cần phải chuyển đổi ngay thì cũng không lo vì TPHCM hiện đang có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và các đại lý thuế cam kết đồng hành hỗ trợ miễn phí trong vòng một năm. Các hộ kinh doanh nhỏ vẫn được sử dụng hóa đơn giấy như bình thường. Vì vậy, tôi không lo ngại về lộ trình chuyển đổi.

Về câu chuyện chi phí, tổng thể là có thể giảm nhưng vấn đề là phải quản lý để đảm bảo doanh nghiệp sử dụng hóa đơn không bị “ép giá”. Tại sao lại nói như vậy? Lâu nay, mỗi nhà mạng T-Van (đơn vị cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng về dịch vụ điện tử trong lĩnh vực thuế) có một mức giá khác nhau, tám T-Van là tám mức giá về hóa đơn. Có nhà là 1.000 đồng/tờ, có nhà lại 600 đồng/tờ. Có nhà thì giá dịch vụ tính theo thời gian, tức sử dụng bao nhiêu tờ không quan trọng, miễn là trong một khoảng thời gian nhất định. Cách đây vài ngày, sau khi hội thảo góp ý về HĐĐT diễn ra thì giá hóa đơn được giảm xuống còn khoảng 350 đồng/tờ. Ngành thuế đã đề xuất trong dự thảo, muốn được xác thực, doanh nghiệp phải trả 300 đồng/tờ hóa đơn. Tính ra thì giá HĐĐT sẽ rẻ hơn hóa đơn giấy hiện tại (bình quân ở mức 50.000-60.000 đồng/cuốn 50 tờ). Tất nhiên, mức giá này có thể giảm xuống khi số lượng HĐĐT sử dụng tăng lên.

Vấn đề ở đây là với số lượng tám T-Van hiện có, được xem như là kho phụ của cơ quan thuế (là tổ chức hợp pháp kết nối giữa máy tính doanh nghiệp với hệ thống dữ liệu thuế quốc gia) nếu số doanh nghiệp lên tới 500.000 thì máy chủ phải đủ sức chứa, đường truyền phải mạnh để đảm bảo thông suốt. Quan trọng hơn là Nhà nước phải khống chế về giá (tức có giá trần), minh bạch, thống nhất, không để các T-Van tự do đặt giá nhằm chống độc quyền, ép giá do cung vượt cầu giống như in một cuốn hóa đơn mất cả triệu đồng hồi chuyển đổi từ mua sang tự đặt in (2010-2011). Bên cạnh đó cũng phải có những mức giá ưu đãi dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, khởi nghiệp. Có như vậy thì tất cả doanh nghiệp, dùng nhiều (như siêu thị, bưu điện, ngân hàng...) và dùng ít đều có lợi.

Tóm lại, theo tôi, đặt vấn đề chuyển đổi lúc này, về lý thuyết, ý tưởng là tích cực và phù hợp. Bởi lẽ, các cơ quan khác liên quan đến hóa đơn như lực lượng cảnh sát giao thông, công an kinh tế hay quản lý thị trường đều có điện thoại thông minh, sóng 3G phủ rồi. Bộ Tài chính nhiều năm qua rất cởi mở, cấp tiến. Nhưng để mọi thứ có thể thực thi tốt thì phải hiện đại hóa hệ thống, máy chủ phải mạnh, đường truyền phải thông để tránh tắc nghẽn, gây khó khăn cho doanh nghiệp như đã xảy ra với câu chuyện báo cáo thuế điện tử thời gian qua.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Việt Á.

Hãy cân nhắc đến nhóm công ty nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh

- Từ kinh nghiệm làm việc với 500 khách hàng là các công ty nhỏ, siêu nhỏ, mới thành lập, cơ sở, hộ kinh doanh và chưa ai sử dụng HĐĐT, tôi cho rằng việc chuyển đổi hóa đơn sẽ khiến nhóm doanh nghiệp này gặp vô vàn khó khăn. Điều chắc chắn là họ sẽ phải mua phần mềm HĐĐT đồng thời với việc mua phần mềm kế toán. Giá phần mềm kế toán rẻ nhất trên thị trường hiện nay là 6 triệu đồng/năm, trong khi đó, giá của phần mềm HĐĐT có nhiều khả năng sẽ cao vì số lượng đơn vị cung cấp còn ít. Tính ra, doanh nghiệp nhỏ phải chi hơn chục triệu đồng/năm cho chuyện này.

Với các doanh nghiệp siêu nhỏ và các cơ sở kinh doanh, chi phí này là vấn đề. Dạo trước những doanh nghiệp cần có chữ ký số để khai thuế điện tử, giá chỉ 2 triệu đồng dùng cho bốn năm, tức chỉ 40.000 đồng/tháng mà phải mất hai năm họ mới chuyển đổi. Với tình hình thực tế hiện nay, cơ quan thuế mà bắt buộc các doanh nghiệp kể trên, nhất là mới thành lập phải chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT thì sẽ khó khăn vô cùng. Điều này cũng làm hạn chế các hộ kinh doanh chuyển đổi lên công ty như chủ trương bấy lâu nay vì tâm lý ngán ngại, môi trường kinh doanh bên ngoài thay đổi quá nhiều, trong khi họ đã quá mệt mỏi với những câu chuyện kinh doanh nội tại.

Vì vậy, tôi cho rằng, không thể bắt buộc ngay lúc này. Cuộc cách mạng nào cũng cần phải có lộ trình. Ít nhất là một hai năm nữa. Bản thân các doanh nghiệp đã sử dụng HĐĐT hay HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, họ cũng đã mất hai năm để thực hiện, thí điểm. Hãy để doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tự cảm nhận được lợi ích và tự động chuyển đổi. Trong quá trình này thì họ cũng cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cơ quan thuế tại địa phương cũng như những đại lý thuế, tư vấn thuế - cánh tay nối dài của ngành thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC:

Thu phí xác thực hóa đơn là không hợp lý

- Hiện nay có bốn loại hóa đơn gồm hóa đơn điện tử, hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in và hóa đơn mua của ngành thuế. Việc thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi sang HĐĐT là điều rất tốt. Tuy nhiên, dự kiến chỉ có thời hạn một năm để xóa bỏ hẳn hình thức hóa đơn đặt in là điều không hợp lý. Sẽ rất khó cho các doanh nghiệp đang đặt in hóa đơn phải chuyển sang HĐĐT, vì hiện nay mới chỉ có rất ít doanh nghiệp đủ điều kiện áp dụng hình thức này và hóa đơn tự in. Điều này có nguy cơ dẫn đến cải tiến thụt lùi, doanh nghiệp phải quay trở lại mua hóa đơn như trước khi có Nghị định 51/2010.

Về câu chuyện dự kiến thu phí với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn có mã xác thực của cơ quan thuế (300 đồng/một hóa đơn), tôi cho rằng cần phải xem lại căn cứ pháp lý, tính hợp lý và sự cần thiết của việc này. Về căn cứ pháp lý thì loại phí này chưa được quy định cụ thể trong Luật Phí và lệ phí năm 2015. Về tính hợp lý và sự cần thiết thì chưa thấy sự thuyết phục. Nhà nước muốn quản lý, kiểm soát tốt hơn việc thu thuế thì cần sử dụng chính tiền thuế để đầu tư và duy trì hệ thống quản lý thuế. Việc này trước hết có lợi rất lớn cho Nhà nước và ngành Thuế, như giảm được rất nhiều chi phí, nhân sự, kho tàng cho việc quản lý hóa đơn giấy, hạn chế tối đa gian lận trốn, lách, chậm thuế. Nếu thu 300 đồng mỗi lần xác thực hóa đơn với số lượng sau này lên đến hàng tỉ hóa đơn mỗi năm thì số tiền quá lớn. Đương nhiên điều này đi ngược lại chủ trương cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì chưa biết họ cắt giảm được chi phí hóa đơn giấy bao nhiêu, nhưng đã phải chi phí khá nhiều tiền cho việc phát hành và quản lý HĐĐT.

Việc đặt vấn đề chuyển đổi tại thời điểm này, theo tôi là hợp lý và cần thiết, thậm chí là chậm so với thực tế và xu thế phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi thành công thì cơ quan quản lý cần phải đặc biệt chú ý đến việc đầu tư hệ thống công nghệ một cách đồng bộ, đủ mạnh và chuẩn bị một đội ngũ cán bộ chuyên môn thực sự hỗ trợ để xử lý kịp thời và tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp để họ thấy có lợi cho chính họ và cho nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng thuế GTGT, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục thuế Nhà nước (*)

Ngành thuế mong doanh nghiệp đồng lòng

- Mục đích chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang điện tử là trên cơ sở những gì đạt được trong quá trình thí điểm HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến hết năm 2016, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp được lựa chọn sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế (từ 2015) với 2,4 triệu hóa đơn. Bên cạnh đó, cả nước có 843 doanh nghiệp đã sử dụng HĐĐT do các công ty tự phát hành không có mã xác thực của cơ quan thuế. Đây là những doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực dịch vụ tại những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Tình trạng làm giả hóa đơn giấy theo Nghị định 51/2010 rất phổ biến. Có rất nhiều doanh nghiệp lập ra để mua bán hóa đơn rồi làm giả hóa đơn của các công ty khác, thậm chí của cả cơ quan thuế. Nhưng HĐĐT thì đến thời điểm này chưa phát hiện làm giả, trong tương lai thì chúng tôi chưa dám chắc vì công nghệ thông tin ngày càng phát triển.

Việc sử dụng hóa đơn giấy khiến cơ quan thuế khi đi kiểm tra, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để xác minh, đối chiếu hóa đơn. Ví dụ như ở Cục Thuế TPHCM, quy trình thủ công hiện nay phải mất rất nhiều thời giờ vì phải đề nghị xác minh qua lại giữa các cơ quan thuế, ngành khác nhau. Các doanh nghiệp đang sử dụng hơn 4 tỉ hóa đơn. Đó là chưa kể những trường hợp bán hàng không lập hóa đơn. Cơ quan thuế không thể xác minh được hết. Chỉ “nhặt” ra những hóa đơn điểm nhưng cũng mất rất nhiều công sức. Đã gửi văn bản xác minh thì nhất định phải chờ phúc đáp mới có thể tiếp tục quá trình kiểm tra.

Việc chuyển đổi này sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, cơ quan thuế và cho nền kinh tế. Đây là xu hướng lớn trên thế giới nên Bộ Tài chính cũng muốn doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.

Bùi Tâm An thực hiện

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164817/lo-lang-chuyen-chuyen-doi-hoa-don.html