Lỗ hổng trên mặt cầu

Câu thành ngữ 'qua cầu rút ván' rất quen thuộc trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người Việt. Thông qua cách nói ẩn dụ, ông bà ta muốn nhắn gửi các thế hệ con cháu phải luôn đề phòng, cảnh giác với những kẻ vong ân, bội nghĩa, qua đó gián tiếp đề cao văn hóa tri ân của con người. Nhân dịp đón xuân Nhâm Dần - 2022, nhắc lại lời dạy của cha ông để cùng suy ngẫm và biết trân quý hơn những gì chúng ta đang có và đang được hưởng. Từ cách đối nhân xử thế trong đời sống thường ngày đến ứng xử với quốc gia, dân tộc, tuyệt đối không được vô ơn, 'qua cầu rút ván'…

Đừng tự phủ nhận, chối bỏ quê hương

Lịch sử dân tộc nói chung, đất và người Bình Phước nói riêng, hiếm có khoảng thời gian nào đời sống nhân dân bị đặt vào cuộc thử thách khắc nghiệt như 2 năm qua, đặc biệt là năm Tân Sửu - 2021. Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đã làm đảo lộn toàn diện đời sống xã hội, đặt hệ thống chính trị các cấp vào cuộc “sát hạch” khốc liệt. Chính vì vậy, so với những năm trước, tết Nhâm Dần - 2022 sẽ là tết kém sung túc hơn, đời sống vật chất của đại đa số hộ dân sẽ thiếu thốn hơn, các hoạt động vui chơi, giải trí kém nhộn nhịp hơn… Cả nước đón xuân mới trong trạng thái thích ứng an toàn và sẵn sàng các phương án ứng phó với những tình huống mới. Đặc biệt là với quê hương Bình Phước, vùng đất được ví như một Việt Nam thu nhỏ về đặc điểm dân số học, tinh thần ấy càng phải được chủ động ở mọi lúc, mọi nơi…

Trong bối cảnh cả nước phải căng sức, gồng mình chiến đấu với dịch bệnh thì không ít đối tượng có tư tưởng cực đoan, phản động lại lợi dụng tình hình đất nước khó khăn, hoạn nạn để móc nối, câu kết với các thế lực bên ngoài, quyết liệt thực hiện các chiến dịch chống phá, nhất là trên không gian mạng. Những hành động tiếp tay cho các thế lực phản động, ảo tưởng vì một tương lai viển vông, làm tổn hại đến uy tín của Đảng, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết toàn dân… chính là hành vi của kẻ vô ơn, “qua cầu rút ván”, tự phủ nhận, chối bỏ quê hương, đất nước…

Dư luận xã hội rất quan tâm đến vụ án khá đặc biệt xảy ra trên địa bàn tỉnh từ tháng 3-2021. Các bị cáo bị xét xử vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đều là người thân trong gia đình, gồm: Vũ Thị Kim Phượng (51 tuổi), Lê Văn Lạc (55 tuổi, chồng của Phượng, thường trú TX. Phước Long), Lê Văn Sang (49 tuổi, em ruột Lạc) và Nguyễn Thị Kim Duyên (43 tuổi, vợ của Sang, thường trú huyện Bù Gia Mập). Chỉ vì nghe theo lời xúi giục mà trong 6 năm qua, Phượng đã liên tục móc nối với tổ chức của cái gọi là “Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời”, phản động lưu vong tại Mỹ để thực hiện các âm mưu nhằm lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phượng đã lôi kéo những người thân trong gia đình tham gia vào đường dây phản động. Trong quá trình phát triển thành viên, xây dựng lực lượng cho tổ chức phản động nêu trên thì Phượng và các đối tượng bị bắt. Các đối tượng đã phải nhận những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Điều đáng nói và đáng tiếc là, Phượng và người thân trong gia đình đều là những công dân đã được cưu mang, nuôi dưỡng, trưởng thành, có cuộc sống ổn định trên chính mảnh đất này. Họ có đủ điều kiện và khả năng để vươn lên, xây dựng cuộc sống gia đình khá giả. Thế nhưng, chỉ vì ăn phải “bánh vẽ” ảo tưởng do các thế lực thù địch bày ra, họ đã tiếp tay, “nối giáo cho giặc”, phản bội lại quê hương, đất nước.

Trong cộng đồng dân cư ở các địa phương hiện nay, còn bao nhiêu đối tượng có tư tưởng như vậy đang được các thế lực thù địch nhắm đến? Rất khó nói! Đón mừng năm mới, nhắc lại chuyện cũ không phải để khoét sâu thêm vết thương danh dự cho gia đình, họ tộc những người lỡ lầm ấy mà để cùng nhắc nhau, góp phần thức tỉnh những cái đầu đang có biểu hiện u mê, đi theo vết xe đổ của những con người lầm đường, lạc lối.

Tấm ván và lỗ hổng dưới chân

Tác động của đại dịch Covid-19 đã để lại những khoảng trống, hố sâu cục bộ về đời sống kinh tế - xã hội. Những vấn đề bức xúc hàng đầu hiện nay là khống chế dịch bệnh, chung sống an toàn với Covid-19, giải quyết việc làm, kéo giảm tình trạng thất nghiệp, chăm lo an sinh xã hội, khôi phục sản xuất - kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội… Chính những vấn đề bức xúc ấy đã trở thành cái cớ để các thế lực thù địch tập trung khai thác, xuyên tạc, chống phá bằng rất nhiều phương thức, thủ đoạn. Chiến dịch tung tin giả, chiêu trò xuyên tạc, thổi phồng, bóp méo sự thật, bôi đen chế độ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn… đã và đang được chúng triệt để tận dụng. Nếu chúng ta không tỉnh táo, thiếu kỹ năng phân biệt thật - giả, tốt - xấu trong mớ thông tin vàng - thau lẫn lộn do các đối tượng phản động tung ra, sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy giăng sẵn của chúng.

Thời gian qua, công an một số địa phương đã phát thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác với luận điệu của những đối tượng phản động, đang sống lưu vong, tị nạn ở nước ngoài. Một trong những đối tượng nguy hiểm là Trương Quốc Huy, thành viên của tổ chức khủng bố Việt Tân, tị nạn tại Mỹ. Hắn lập kênh N10TV trên YouTube, liên tục thực hiện các clip có nội dung chống phá đất nước. Lợi dụng tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, Huy cóp nhặt thông tin nêu trên rồi nhào nặn, thổi phồng, bóp méo, bôi đen, đả kích, nói xấu Đảng, lớn tiếng chỉ trích Chính phủ, kích động hận thù dân tộc. Đánh vào những hạn chế, khuyết điểm của hệ thống chính trị các cấp trong tổ chức phòng, chống dịch và những khó khăn trong đời sống đồng bào để thực hiện các âm mưu chống phá đất nước là thủ đoạn đã và đang được các tổ chức phản động lưu vong ráo riết thực hiện. Trương Quốc Huy là một trong những “cái loa” trong số đó.

Thời gian gần đây, tổ chức của cái gọi là “Tin lành Đấng Christ” do Y Hin Niê, Mục sư Tin lành, sinh năm 1952 (dân tộc Êđê, gốc Đắk Lắk, nguyên Đại tá, Bộ trưởng ngoại giao Fulro III, lưu vong ở Mỹ) cầm đầu, có trụ sở chính tại North Carolina, Mỹ, đã lợi dụng tình hình dịch Covid-19, đẩy mạnh các hoạt động kêu gọi tập hợp lực lượng, phục hồi tổ chức, kích động ly khai, tự trị, tiến tới thành lập “tôn giáo riêng”, “Nhà nước riêng” của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và một số khu vực vùng núi miền Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Phước. Với sự phối hợp tích cực của quần chúng, cơ quan chức năng các cấp đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây “chân rết” của tổ chức phản động đội lốt tôn giáo này. Tuy nhiên, với dã tâm chống phá đất nước đến cùng, những đối tượng cầm đầu vẫn liên tục tìm cách móc nối, câu kết với các phần tử cực đoan trong nước, bày ra đủ loại “bánh vẽ” để mua chuộc, dụ dỗ bà con các dân tộc thiểu số.

Nêu một số dẫn chứng như vậy để thấy, cơ đồ, vị thế của đất nước và thành tựu xây dựng, phát triển quê hương Bình Phước không phải được dựng lên trên cái nền bằng phẳng mà liên tục ứng phó với gập ghềnh sóng gió. Những vấn đề về biên giới, dân tộc, tôn giáo… luôn tồn tại nguy cơ bất ổn. Đó là “mảnh đất màu mỡ” để các thế lực thù địch gieo rắc mầm mống phản động, tư tưởng chống phá.

Trải qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt về dịch bệnh, đời sống con người càng được khẳng định, bồi đắp những giá trị nhân văn cao đẹp. Tinh thần đoàn kết được hun đúc hơn, lối sống tương thân, tương ái được lan tỏa sâu rộng hơn… Vì thế, những hành vi, toan tính sai lầm của một số người đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc càng trở nên lạc lõng, cần sớm được nhận diện, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả bằng sự tỉnh táo và sức mạnh đoàn kết của toàn dân.

Nhìn lại các vụ án xét xử những đối tượng phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trên cả nước những năm gần đây, chúng ta nhận thấy: Đa số các đối tượng trước khi sa chân vào vực thẳm, họ đều là những công dân được nuôi dưỡng, trưởng thành trong môi trường giáo dục xã hội chủ nghĩa. Nhiều đối tượng từng là những trí thức, công chức trong hệ thống chính trị. Chỉ vì bất mãn do tham vọng cá nhân không được đáp ứng hoặc mâu thuẫn với tổ chức nên đã “trở cờ”, biến mình thành con rối cho các thế lực thù địch giật dây, phản bội Tổ quốc. Bên cạnh đó, trong số các đối tượng đang được các thế lực thù địch tung hô bằng những thứ danh hão như: “Nhà nghiên cứu”, “Nhà phản biện”, “Nhà hoạt động xã hội”, “Nhà dân chủ”, “Nhà hoạt động nhân quyền”… có không ít người có học hàm, học vị, từng giữ các cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị. Được Đảng, Nhà nước, nhân dân nuôi dưỡng, đào tạo nhưng đến lúc nghỉ hưu, nghỉ việc, ra nước ngoài… thì lập tức “tự chuyển hóa”, biến thành công cụ cho các thế lực thù địch lợi dụng, quyết liệt chống phá đất nước. Đó là điển hình của thói vong ân, bội nghĩa, “qua cầu rút ván”. Họ không ý thức được rằng, khi tấm ván bị chính họ rút đi, mặt cầu sẽ để lại lỗ hổng. Không ai khác, chính bước chân của họ sẽ lại giẫm vào lỗ hổng ấy, rơi xuống vực sâu...

Những cái đầu còn u mê, ảo tưởng hãy tỉnh ngộ. Nếu bàn tay đã trót nhúng chàm, hãy tự gột rửa khi còn chưa muộn.

Thanh Kim Tùng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/130150/lo-hong-tren-mat-cau