Lĩnh vực hấp dẫn

Ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam được xem là khá hấp dẫn nhà đầu tư khi nhu cầu tiêu thụ trong nước cao, xuất khẩu thuận lợi, nguồn nguyên liệu phong phú… Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần nhiều giải pháp hơn nữa để thu hút đầu tư nói chung, đầu tư nước ngoài nói riêng, vào lĩnh vực này.

Thị trường hấp dẫn

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư công nghiệp chế biến thực phẩm vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, Ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang rất hấp dẫn bởi sức tiêu thụ thị trường trong nước lớn, tăng trưởng cao. Năm 2015, thị trường tiêu dùng thực phẩm của Việt Nam tăng hơn 17%, trong đó tăng trưởng sản xuất mặt hàng này chỉ mới khoảng 8,5%. Với thị trường xuất khẩu, Việt Nam đang có khoảng 14 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó hàng nông sản chiếm khoảng 1/2. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD, dự kiến từ năm 2017 đạt trên 31 tỷ USD. Cơ hội cho hàng xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản là rất lớn vì Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước.

Giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng nêu nhiều lý do các nhà đầu tư cần đầu tư vào Ngành Chế biến công nghiệp thực phẩm Việt Nam. Theo đó, dự báo lượng thực phẩm tiêu thụ bình quân đầu người của Việt Nam giai đoạn 2014-2019 rất hấp dẫn với mức tăng khoảng trên 18,6%. Cùng với thị trường trong nước là các lợi thế về xuất khẩu khi Việt Nam đang tham gia nhiều FTA, các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng ưu đãi từ các chính sách thương mại với khoảng 50 nước và nền kinh tế, trong đó gần như có tất cả các thị trường kinh tế lớn trên thế giới.

Ngành Công nghiệp chế biến thực phẩm còn là một trong những nhóm Ngành Công nghiệp được Chính phủ Việt Nam lựa chọn ưu tiên phát triển từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo Quyết định 879/QĐ-TTg ngày 9-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện Chính phủ và các địa phương cũng dành nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư về thuế, tiền thuê đất, đầu tư máy móc công nghệ trong sản xuất chế biến thực phẩm...

Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài

Trong khi thị trường rất hấp dẫn thì việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay, trong tổng số khoảng gần 290 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm chỉ có khoảng 7,6 tỷ USD với 521 dự án. Các nước có doanh nghiệp đầu tư vào Ngành Chế biến thực phẩm như Singapore 1,8 tỷ USD, Hà Lan 1,2 tỷ USD, Nhật Bản 0,58 tỷ USD...

Chính vì đầu tư vào công nghệ chế biến thực phẩm ít mà theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hầu hết doanh nghiệp mua gom xuất khẩu chứ chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu, kỹ thuật, công nghệ để chế biến sâu. Đến nay, đa số sản phẩm nông sản thực phẩm được xuất đi dưới dạng thô hoặc sơ chế chứ chưa qua tinh chế, chế biến sâu khiến lợi nhuận thu về còn rất thấp.

Đánh giá về sức hấp dẫn môi trường đầu tư lĩnh vực chế biến thực phẩm tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, chính sách ưu đãi đầu tư mà Chính phủ Việt Nam dành cho lĩnh vực này được xem là rất cạnh tranh so với khu vực.

Tuy nhiên, ngành này vẫn còn nhiều hạn chế cần được khắc phục như nguyên liệu trong nước mặc dù rất phong phú nhưng vẫn chưa đáp ứng được sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy các địa phương cần chủ động quy hoạch vùng sản xuất nông sản để đáp ứng nguyên liệu chế biến. Mặt khác, các chính sách ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực này mới chỉ nằm rải rác trong các chính sách nông nghiệp, nông thôn, tín dụng… nên chưa đủ sức thu hút nhà đầu tư.

Còn theo ông Claudio Dordi, chuyên gia dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư Châu Âu (Mutrap), hiện nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam đang được tiêu thụ ở nhiều nước nhưng các nước không biết đó là sản phẩm bắt nguồn từ Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư thương hiệu để nâng cao chất lượng nông sản thực phẩm xuất khẩu, tăng yếu tố hấp dẫn để nhà đầu tư nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam.

Đặng Loan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855868/linh-vuc-hap-dan-