Lĩnh án vì cho vay lãi 'cắt cổ'

Tòa án Nhân dân TP Hải Dương đã xét xử sơ thẩm vụ án Hồ Văn Đạt (sinh năm 1988, trú tại xã Gia Xuyên, TP Hải Dương) cho vay nặng lãi.

Bị cáo Hồ Văn Đạt tại phiên xét xử

Sử dụng phần mềm quản lý cầm đồ

Tháng 3.2022, Đạt sử dụng phần mềm quản lý cầm đồ “Mecash” đăng ký tài khoản “THANHDAT1988” để khi có khách đến vay tiền thì thỏa thuận tiền lãi suất, sau đó yêu cầu người vay cung cấp thông tin để đăng nhập tên, tuổi, địa chỉ, số tiền vay, lãi suất vào tài khoản để theo dõi, quản lý. Phần mềm này sẽ tự động tính số tiền lãi cần thu và thời gian người vay phải trả tiền lãi. Đạt trực tiếp làm thủ tục cho vay, giao tiền cho khách và thu lãi bằng tiền mặt. Khi đến ngày trả lãi hoặc gốc, người vay sẽ đến nhà Đạt trả tiền hoặc Đạt sẽ đến gặp trực tiếp người vay để lấy tiền.

Đến ngày 19.10.2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Dương triệu tập Hồ Văn Đạt đến làm việc liên quan đến đơn tố giác tố cáo Đạt có hoạt động cho vay lãi nặng. Quá trình điều tra xác định Đạt đã thực hiện các hành vi cho vay lãi suất từ 3.000-4.000 đồng/triệu/ngày, tương ứng với lãi suất từ 109,5-146%/năm.

Quá trình điều tra, từ tháng 9.2019 đến ngày 19.10.2022, Đạt đã cho 11 người ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, TP Hải Dương vay tiền với lãi suất gấp 5,4-7,3 lần lãi suất cao nhất quy định tại điều 468 Bộ luật Dân sự. Tổng số tiền Đạt cho vay là 425 triệu đồng, tổng tiền lãi là 349,83 triệu đồng, Đạt thu lợi bất chính hơn 286 triệu đồng.

Ngoài ra, Đạt còn cho một số người khác ở TP Hải Dương vay với lãi suất từ 2.000-2.500 đồng/triệu/ngày. Hành vi này chưa vượt quá mức lãi suất 100% mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định nên không đủ yếu tố cấu thành tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đạt đã bị Chủ tịch UBND TP Hải Dương xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đăng ký hành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự mà cho vay tiền có cầm cố tài sản hoặc không cầm cố tài sản nhưng lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định.

Nhân thân xấu

Ngày 13.2, Tòa án Nhân dân TP Hải Dương xét xử sơ thẩm đối với Hồ Văn Đạt về tội cho vay lãi nặng. Y có nhân thân xấu, từng 3 lần bị Tòa án Nhân dân huyện Gia Lộc xử phạt, gồm 18 tháng tù cho hưởng án treo về tội cưỡng đoạt tài sản (năm 2006), 24 tháng tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (năm 2012) và 8 tháng tù về tội đánh bạc (năm 2016). Ngoài ra, năm 2011, Đạt còn bị Công an huyện Gia Lộc xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chủ tọa phiên tòa nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Đạt đã xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, làm mất trật tự trị an xã hội. Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, cần áp dụng hình phạt tù có thời hạn, cách ly bị cáo khỏi xã hội một thời gian mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Hội đồng xét xử tuyên phạt Hồ Văn Đạt 8 tháng tù về tội cho vay lãi nặng, phạt tiền 60 triệu đồng.

Đây là vụ án với số tiền cho vay lãi nặng không quá lớn nhưng là bài học cho các đối tượng đã, đang có ý định để trục lợi.

Theo báo cáo công tác phòng chống tội phạm năm 2022 (từ ngày 15.12.2021-14.12.2022) của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh, thời gian qua, với sự chỉ đạo và tổ chức đấu tranh quyết liệt nên đến nay, hoạt động “tín dụng đen” ở Hải Dương cơ bản đã được triệt phá, chỉ còn một số hoạt động lén lút, không công khai như trước. Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, năm 2022, lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý 87 vụ với 117 đối tượng liên quan đến hoạt động này; khởi tố 31 vụ, 52 bị can (trong đó có 30 vụ, 41 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự); xử phạt vi phạm hành chính 56 vụ đối với 61 đối tượng.

NGỌC MAI

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/phap-luat/linh-an-vi-cho-vay-lai-cat-co-227009