Trọng tài thương mại có quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại Việt Nam?

Trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài đối với các tranh chấp liên quan bất động sản tại Việt Nam.

Tại Điều 470 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 về thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam và Điều 107 Bộ Luật dân sự 2015 quy định, các tranh chấp liên quan tới bất động sản, bao gồm: Đất đai; Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; Tài sản khác theo quy định của pháp luật, thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam, không thuộc thẩm quyền của trọng tài.

Tuy nhiên, trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài đối với các tranh chấp liên quan bất động sản tại Việt Nam.

Trong Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 đã mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài đối với các tranh chấp liên quan bất động sản tại Việt Nam. (Ảnh: TC)

Phân tích rõ hơn về điều này, Luật sư Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam VIPFA, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế tại Việt Nam phân tích: Tại Điều 28, Luật Đất đai 2024 đã đưa ra quy định: Các tổ chức kinh tế, cá nhân, người gốc Việt định cư ở nước ngoài được quyền sử dụng đất khi phát sinh tranh chấp sẽ dựa vào kết quả hòa giải được UBND cấp có thẩm quyền công nhận, thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật; văn bản về việc chia, tách quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật đối với nhóm người có quyền sử dụng đất chung;

Cũng tại Điều 28, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án, quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Tại Điều 236 Luật Đất đai 2024 cũng đưa ra quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai. Theo đó, tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.

Cũng theo Khoản 6 của Điều 236, thì Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất khi được Tòa án, Trọng tài thương mại Việt Nam yêu cầu để làm căn cứ cho giải quyết tranh chấp đất đai.

“Các quy định mới mang tính đột phá để phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại”, Luật sư Bùi Văn Thành nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trong-tai-thuong-mai-co-quyen-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai-tai-viet-nam-post294588.html