Liệu ông Trump có tiếp nối truyền thống biệt lập Mỹ?

Liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có tiếp nối truyền thống biệt lập Mỹ, trong khi gây ra nhiều phản ứng trái ngược ở trong nước cũng như trên thế giới?

Các quyết sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vẫn được coi là điều rất khó dự đoán, vào thời điểm gần 2 tháng trước ngày ông bước vào Nhà Trắng.

Các quyết sách của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vẫn được coi là điều rất khó dự đoán. Ảnh AP

Nhật báo Libération số ra ngày 22/11 đăng tải quan điểm của nhà chính trị học Pháp Pierre Grosser thuộc Viện Sciences-Po (Paris) - trong đó khẳng định Donald Trump chắc chắc sẽ chọn con đường: vừa tiếp tục truyền thống biệt lập lâu đời của nước Mỹ, vừa tỏ ra thực dụng có chừng mực, vừa khẳng định sức mạnh quân sự trên trường quốc tế khi cần thiết...

Mở đầu bài phân tích, nhà chính trị học Pierre Grosser cảnh tỉnh nguy cơ trộn lẫn tình cảm yêu ghét, hy vọng của bản thân với các quan điểm chính trị.

Theo nhà chính trị học Pierre Grosser, nhiều người đã gán cho bà Hillary Clinton hình ảnh của người có thể hiện thực hóa ước mơ chấn hưng phương Tây, mà bỏ qua những hành động của gia đình Clinton vốn “bị phê phán rất mạnh”. Nhiều người chủ trương theo đuổi một “quá trình toàn cầu hóa khác” vẫn còn rất nhớ Tổng thống Bill Clinton và “những người bạn ở Wall Street” đã lợi dụng cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á và Trung Quốc hồi những năm 1997-1998 để buộc nhiều quốc gia “phải mở cửa nhiều hơn cho các thị trường vốn”.

Nếu như đường lối của bà Hillary Clinton là dễ đoán trước, thì dự đoán được chính sách của ông Donald Trump lại vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, nhà chính trị học Pierre Grosser cũng phác họa một vài nét ứng xử chính của Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Đó là ông Trump rất có khả năng sẽ hành xử một cách cơ hội - khi thì quay trở lại với “chủ nghĩa biệt lập, chống người nhập cư” (đặc biệt mạnh tại Mỹ trong những năm 1880 đến 1920), khi thì tỏ ra “thực dụng có chừng mực”, khi thì “dùng quân sự để khẳng định sức mạnh” và thậm chí đôi khi sẽ ngả theo quan điểm tân bảo thủ. Rất có thể, ông Trump cũng sẽ noi gương Ronald Reagan tăng cường chi phí quân sự, giảm thuế (đặc biệt cho người giàu), khiến nợ nần của nước Mỹ tăng vọt.

Để hiểu đúng cách hành xử của chính quyền Trump trong tương lai, cần phải hiểu rõ lịch sử quan hệ của Mỹ với thế giới.

Chú Sam (nước Mỹ) có truyền thống không bao giờ chấp nhận tuân thủ các hiệp ước quốc tế và các tổ chức quốc tế. Minh họa Inc.

Nước Mỹ có truyền thống không bao giờ chấp nhận tuân thủ các hiệp ước quốc tế và các tổ chức quốc tế, cho dù các tổ chức ấy được Washington cổ súy. Đảng Cộng hòa thường xuyên cho rằng không thể tài trợ cho Liên Hợp Quốc, khi định chế này bị các nước khác sử dụng làm diễn đàn để phê phán Mỹ. Theo học giả Pierre Grosser, có một ảo tưởng về sự gắn bó giữa lợi ích của Mỹ với lợi ích của phương Tây và thế giới tự do, thậm chí trật tự quốc tế, trong khi trên thực tế các lợi ích thực sự của Hoa Kỳ rất có thể chỉ giới hạn vào việc bảo vệ lãnh thổ và sự cân bằng toàn cầu giữa các thế lực mạnh nhất hành tinh, cân bằng những không gian ảnh hưởng giữa các trung tâm quyền lực…

Với Tổng thống Barack Obama, nước Mỹ bắt đầu hướng đến một “chủ nghĩa quốc tế mang tính tự do”, đồng thời ưu tiên “cải cách trong nước” để có thể một lần nữa đưa Hoa Kỳ trở thành một tấm gương cho thế giới.

Nhưng Donald Trump chắc sẽ kế tục lập trường của “một nước Mỹ đơn phương” giống như Tổng thống George W. Bush trước đây. Chỉ có điều hiện nay nhân loại đang sống trong một thế giới đa cực.

Tuy nhiên, chính sách của Tổng thống thứ 45 Donald Trump sẽ phụ thuộc nhiều vào phản ứng của “bộ máy an ninh, các lợi ích kinh tế, tài chính sâu xa của chính nước Mỹ”.

Nhà chính trị học Pierre Grosser lưu ý rằng các trận chiến đầu tiên của ông Trump sẽ diễn ra trong nội bộ. Giai đoạn đầu của nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama cho thấy rằng thay đổi người đại diện cho nước Mỹ còn dễ hơn việc thay đổi thực sự đường lối của Hoa Kỳ.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/lieu-ong-trump-co-tiep-noi-truyen-thong-biet-lap-my-786287.html